Campuchia đề nghị Liên Hợp Quốc cho trích lục bản đồ biên giới với Việt Nam

06/07/2015 15:56
Hồng Thủy
(GDVN) - Campuchia cần bản gốc bản đồ này để "xác minh" quá trình phân giới cắm mốc với Việt Nam và kết thúc các hoạt động kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan...
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lễ cắt băng khánh thành mốc biên giới số 314. Ảnh: KI Media.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lễ cắt băng khánh thành mốc biên giới số 314. Ảnh: KI Media.

The Phnom Penh Post ngày 6/7 đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đề nghị cho phép truy cập bản gốc bản đồ Hiến pháp Campuchia thể hiện đường biên giới giữa nước này với Việt Nam.

Chính phủ Campuchia muốn mượn lại bản gốc bản đồ Bonne tỉ lệ 1/100.000 do chính quyền Pháp phát hành từ năm 1933 đến 1955 được ông Norodom Sihanouk trình lên Liên Hợp Quốc năm 1964.

Ông Hun Sen nói với Tổng thư ký Ban Ki-moon rằng, chính phủ Campuchia cần bản gốc bản đồ này để "xác minh" quá trình phân giới cắm mốc với Việt Nam và kết thúc các hoạt động kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan của một số thế lực chính trị ở Campuchia có thể dẫn đến thảm họa đối với quốc gia này.

The Phnom Penh Post giải thích, phát biểu này của ông Hun Sen muốn chỉ các hoạt động của đảng Cứu quốc Campuchia đối lập (CNRP) cáo buộc Việt Nam "lấn đất" (?!).

Theo ông Hun Sen, có bản gốc bản đồ này sẽ xác nhận một cách rõ ràng tiến trình đàm phán hoạch định biên giới của chính phủ Campuchia với các nước láng giềng là hoàn toàn công khai, công bằng, tỉ mỉ.

Đồng thời nó sẽ góp phần kết thúc các hoạt động kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, gây hiểu lầm trong dư luận xã hội Campuchia cũng như cộng đồng quốc tế vì mục đích chính trị đen tối. Hoạt động ấy (của phe đối lập) có thể dẫn đến thảm họa cho Campuchia, công hàm của ông Hun Sen nhấn mạnh.

"Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, vì sự nghiệp giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như coi trọng hạnh phúc của người dân Campuchia - một nước thành viên của Liên Hợp Quốc, ngài Tổng thư ký sẽ vui lòng hợp tác với yêu cầu của chúng tôi", The Phnom Penh Post dẫn công hàm của Thủ tướng Campuchia cho biết.

Xung quanh câu chuyện kích động chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia mà phe đối lập CNRP cổ súy bằng chiêu bài "bản đồ", Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã có bài phân tích TẠI ĐÂY. Lịch sử hình thành Hiệp ước Biên giới Việt Nam - Campuchia cũng đã được Tiến sĩ Trần Công Trục phân tích TẠI ĐÂY, mời quý độc giả quan tâm theo dõi./.

Hồng Thủy