Chiến binh "thánh chiến" ở Syria cũng di tản vì lo sợ bị Mỹ tấn công

30/08/2013 14:32
Nguyễn Hường (nguồn Washington Post)
(GDVN) - Các nhóm phiến quân liên kết với al-Qaeda tại Syria đang củng cố lực lượng với lo ngại rằng nếu Mỹ tấn công Syria, mục tiêu của họ sẽ không chỉ là chính phủ Damascus mà còn cả người Hồi giáo trong phe đối lập.
Theo Washington Post, nhiều tỉnh ở phía Bắc và Đông Syria hiện đang hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân nổi dậy. Tuy nhiên, nhiều nhóm cực đoan đã sơ tán trụ sở, di chuyển các thiết bị quân sự và một số trường hợp chạy trốn tới các khu vực an toàn nằm trong vùng đồi núi.
Hoạt động trên diễn ra khi chính quyền Obama hôm 29/8 cho biết vẫn chưa đưa ra quyết định tấn công Syria như một biện pháp trừng phạt vụ tấn công hóa học hồi tuần trước ở Damascus.

Mỹ cũng không đưa ra các dấu hiệu cho thấy bất kỳ nhóm cực đoan nào trong phe đối lập Syria nằm trong danh sách các mục tiêu, mặc dù có hai nhóm chính đang hoạt động trong lực lượng phiến quân Syria được một số nước phương Tây coi là khủng bố như Mặt trận al-Nusra và Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông mở rộng địa bàn hoạt động từ Iraq sang Syria.
Chiến binh Takfiri hoạt động tại Syria.
Chiến binh Takfiri hoạt động tại Syria.

Nhưng những mối đe dọa hành động chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã gieo rắc hoảng loạn đang lan rộng trong phe đối lập đầy chia rẽ. Điều này được xem là một dấu hiệu cho thất sự phức tạp sâu sắc trong cuộc xung đột mà Mỹ từ lâu nay muốn tránh gây rắc rối.
"Tại sao họ lại chờ đợi cho đến khi những người Hồi giáo giành được quyền kiểm soát để thực hiện cuộc tấn công này? Đó là lý do khiến các nhóm thánh chiến sợ hãi", Saleh al-Idlibi, một phát ngôn viên của Lữ đoàn Liwa al-Umma, phe nổi dậy Syria tại tỉnh Idlib cho biết.
Trong một tuyên bố trên Twitter, các thành viên của nhóm cực đoan Fateh al-Islam đã đưa ra những chỉ dẫn cho người Hồi giáo và cảnh báo rằng tên lửa của Mỹ không chỉ  nhằm vào các mục tiêu của chính phủ mà còn có thể là cả trụ sở của lực lượng thánh chiến.
"Nên bắt đầu thay đổi địa điểm, sử dụng nhà an toàn, không di chuyển trong những đoàn xe dễ gây chú ý. Lấy điện thoại di dộng của quân đội để sử dụng", một người ủng hộ phiến quân tên là Abdullah Saker viết.
"Mỹ đã phá hủy căn cứ của lực lượng thánh chiến chỉ trong một thời gian ngắn tại Afghanistan và Iraq, làm một lượng lớn chiến binh thiệt mạng vì họ không chuẩn bị trước. Vì vậy, không nên rơi vào bẫy vì chủ quan", Abdullah Saker nhắc nhở thêm.
Trong khi đó, Quân đội Syria Tự do hoan nghênh sự can thiệp quân sự của Mỹ để lật đổ chính quyền Assad. Mặc dù họ muốn lật đổ Assad mà không cần tới sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng nếu phương Tây không thực hiện cuộc tấn công, phe này sẽ lợi dụng tình trạng hỗn loạn trong hàng ngũ lực lượng ủng hộ chính phủ để thúc đẩy vị thế riêng của mình.
Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ sự can thiệp quân sự của Mỹ cũng đã bày tỏ quan ngại về việc liệu các cuộc tấn công sẽ diễn ra như thế nào và chúng sẽ đem lại hiệu quả gì hay chỉ châm ngòi cho một cuộc chiến mới dữ dội hơn cả cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn một trăm ngàn người.
"Người dân ở đây rất lo lắng rằng các cuộc tấn công sẽ chỉ phục vụ lợi ích của các chế độ. Tôi sẽ ủng hộ nó nếu nó giúp chấm dứt đổ máu. Nhưng cuộc chiến đã kéo dài 2,5 năm qua vậy tại sao bây giờ tôi phải tin rằng Mỹ sẽ chấm dứt nó lúc này? Mọi người mất lòng tin vào chính phủ Mỹ. Họ nghĩ Mỹ sẽ chỉ hành động vì lợi ích của riêng mình mà thôi." Ông Abu Hamza, một nhà hoạt động ở ngoại ô Damascus nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt nói với Washington Post.

Nguyễn Hường (nguồn Washington Post)