Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Đa Chiều ngày 15/5 bình luận, chính sách của Mỹ trong vấn đề Biển Đông đã có những thay đổi về bản chất kể từ khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trong 1 năm qua.
Từ chỗ bày tỏ quan ngại nghiêm trọng, Washington đã gây áp lực ngoại giao buộc Bắc Kinh ngừng hoạt động (phi pháp) này nhưng không hiệu quả. Bây giờ Hoa Kỳ quyết định chuyển hướng sang gây sức ép về mặt quân sự, tích cực can dự vào tranh chấp trên Biển Đông.
Lập trường "không ủng hộ bên nào" trong các bên tranh chấp Biển Đông của Nhà Trắng đã thay đổi, chính quyền Tổng thống Mỹ rõ ràng đã ủng hộ bên yêu sách không phải là Trung Quốc. Đây là sự thay đổi lớn không chỉ của riêng chính phủ Obama, mà của Nội các Hoa Kỳ qua nhiều thế hệ.
Trong thời điểm Ngoại trưởng John Kerry sửa soạn công du Bắc Kinh, Thượng viện Mỹ hôm 13/5 tổ chức phiên điều trần về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, trong đó vấn đề bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa trở thành tiêu điểm.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear cùng đăng đàn giải trình chiến lược của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc ngăn chặn các hoạt động (phi pháp) của Trung Quốc trên biển. Ông Daniel Russel nhấn mạnh dùng con đường ngoại giao gây áp lực với Bắc Kinh, trong đó cho biết ngày 17/5 tới khi gặp Tập Cận Bình, ông John Kerry sẽ nói thẳng với chủ nhân Trung Nam Hải về chuyện Trung Quốc bồi lấp ở Trường Sa.
Ông David Shear thì tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trên Biển Đông và tăng cường hiệp đồng tác chiến với các đồng minh.
Về hoạt động bồi lấp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, cả 2 quan chức Mỹ đồng xác nhận: Một là chính phủ Obama đã xác định rằng chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông đã vấp phải phản đối gay gắt từ các nước láng giềng. Mục tiêu của Trung Nam Hải trong chiến lược ở Biển Đông bao gồm 3 yếu tố: Phản đối chỉ trích, phản đối quốc tế hóa Biển Đông và phản đối đưa Biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế. Nhưng cả 3 chính sách này đều đã thất bại.
Thứ hai, chính quyền Tổng thống Obama sẽ thay đổi tư thế quân sự của mình ở Biển Đông. Đa Chiều cho rằng đây là thay đổi về chất sau khi đề nghị đóng băng tranh chấp Biển Đông mà Mỹ đưa ra năm ngoái thất bại.
Các chính quyền tiền nhiệm của ông Obama đều xác định "không ủng hộ bên nào" trong các bên tranh chấp Biển Đông, và ông chủ Nhà Trắng hiện tại đã thay đổi nó. Đa Chiều cho rằng, nói thẳng ra là Mỹ đang ủng hộ Việt Nam, Philippines, Nhật Bản. Trên thực tế quân đội Hoa Kỳ đã thu thập các chứng cứ Trung Quốc bồi lấp, xây dựng ở Trường Sa từ lâu.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio: Sẽ rắn với Trung Quốc nếu trở thành Tổng thống. |
Điều này đã được tiết lộ trên tờ Financial Times ngày 10/7 năm ngoái khi ông Danile Russel đề xuất đóng băng tranh chấp ở Biển Đông: Các bên không chiếm các thực thể ở Trường Sa, không đặt công sự tiền tiêu, không thay đổi địa hình địa mạo khu vực tranh chấp, không có hành động đơn phương chống nước khác.
Ứng viên Tổng thống Mỹ: Phải rắn với Trung Quốc ở Biển Đông
Trong một động thái có liên quan, tờ Financial Times ngày 14/5 đưa tin, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa gốc Cuba Marco Rubio là ứng cử viên tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ khóa tới tuyên bố sẽ có chính sách đối ngoại cứng rắn với Trung Quốc, Nga, Iran nếu ông thắng cử. Ông cam kết sẽ sử dụng sức mạnh của Hoa Kỳ để phản đối các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trên các vùng biển như Biển Đông hoặc eo biển Hormuz.
Phác thảo chính sách đối ngoại của ông Marco Rubio cho thấy Thượng nghị sĩ này sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính: Phát huy sức mạnh của Mỹ, bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ trong thế giới toàn cầu hóa và bảo vệ sự trong sáng của các giá trị đạo đức, giá trị cốt lõi của Mỹ. Trung Quốc, Nga, Iran hay bất cứ quốc gia nào khác cố gắng ngăn chặn tự do thương mại toàn cầu sẽ vấp phải phản ứng tương xứng của Hoa Kỳ. Mỹ kiên quyết phản đối chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ.
Trung Quốc đang ngày càng hung hăng hơn trong việc theo đuổi yêu sách (vô lý, phi pháp) ở Biển Đông. Tờ The New American ngày 14/5 cũng dẫn lời Thượng nghị sĩ Rubio trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng, cần phải bảo vệ vai trò của Hoa Kỳ trong việc đảm bảo an ninh thế giới, và cần có hành động can thiệp sớm trong các cuộc khủng hoảng quốc tế.
"Nếu trở thành Tổng thống, tôi sẽ sử dụng sức mạnh của Hoa Kỳ chống lại bất kỳ hành vi vi phạm nào trên các vùng biển, vùng trời quốc tế, không gian mạng hoặc không gian bên ngoài. Điều này bao gồm sự gián đoạn kinh tế gây ra khi một nước làm tổn hại nước khác, cũng như sự hỗn loạn gây ra bởi gián đoạn trong các tuyến hàng hải huyết mạch như Biển Đông hay eo biển Hormuz", The New American dẫn lời ông cho biết.