Tuyên bố của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về việc có khả năng nước này sẽ thành lập một khu bảo tồn biển và cấm đánh bắt cá bên trong đầm phá bãi cạn Scarborough đã dấy lên nhiều đồn đoán khác nhau.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru. Manila thông báo, đây là quyết định đơn phương của họ.
Ông Tập Cận Bình được Financial Times dẫn lời nói rằng: "Trung Quốc sẽ huy động lực lượng chính phủ để thúc đẩy các thỏa thuận giữa chúng ta, hướng dẫn tạo ra một môi trường thuận lợi".
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Phát biểu này được phía Philippines lý giải là "phản ứng tích cực" với đề xuất lập khu bảo tồn biển của ông Rodrigo Duterte, mặc dù với cách biểu đạt của ông Tập Cận Bình "đậm chất phương Đông".
Đã có những bình luận khác nhau từ các học giả quốc tế xung quanh động thái mới này, được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh trong bài "Những bình luận về lệnh cấm đánh cá ở đầm phá Scarborough của ông Duterte" ngày 22/11.
Tuy nhiên cá nhân tôi thấy rằng, rất khó có khả năng ông Tập Cận Bình đồng ý với đề xuất của ông Rodrigo Duterte.
Thứ nhất, theo ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông nói với truyền thông tháng trước thì Bắc Kinh đã có kế hoạch thành lập một "công viên môi trường" ở Scarborough.
Ý định thành lập công viên môi trường ở đầm phá bãi cạn này cũng tương tự như đề xuất thành lập khu bảo tồn, cấm đánh bắt. Chỉ khác là bên nào sẽ chủ trì kế hoạch này.
Trung Quốc thì muốn thông qua động thái trên để giành được sự mặc nhiên thừa nhận yêu sách của họ đối với Scarborough từ dư luận khu vực và quốc tế.
Còn Philippines hy vọng bằng cách này, có thể thực hiện một phần Phán quyết Trọng tài 12/7, trong đó Tòa phán quyết, Scarborough là ngư trường truyền thống của cả ngư dân Philippines lẫn Trung Quốc và một số nước, vùng lãnh thổ khác trong khu vực, nhưng Trung Quốc đã ngăn cản các hoạt động đánh bắt hợp pháp của ngư dân Philippines.
Trừ phi có một cơ quan, tổ chức quốc tế hoặc khu vực đứng ra làm trung gian mà cả Philippines hoặc Trung Quốc chấp nhận được, hoặc hai nước thống nhất gác tranh chấp, cùng bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học ở Scarborough thì phương án này mới khả dĩ.
Thứ hai, phát biểu của ông Tập Cận Bình được Financial Times trích dẫn về việc "tạo ra một môi trường thuận lợi" ở đây không phải là môi trường biển.
Theo tôi, đó là môi trường địa chính trị, địa quân sự, ngoại giao để hai nước có thể thu hẹp bất đồng, củng cố lòng tin, kiểm soát tranh chấp ở Biển Đông nói chung, Scarborough nói riêng, để củng cố quan hệ hai nước.
Ý định của ông Rodrigo Duterte thế nào khi đưa ra đề xuất này, người viết thiết nghĩ Trung Nam Hải hiểu rõ như lòng bàn tay.
Có điều nó không đi ngược lại chủ trương Trung Quốc, tuyên bố giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đồng thời muốn củng cố quan hệ ngoại giao với Philippines nên Bắc Kinh không thừa nhận, cũng không phản đối.
Và thực tế Scarborough vẫn do họ kiểm soát. Họ cho ngư dân Philippines được vào sâu đến đâu thì ngư dân Philippines được vào đánh bắt đến đó.
Tuy nhiên, điều này chứng tỏ ông Rodrigo Duterte luôn ý thức về trách nhiệm bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Philippines, cũng như làm thế nào để hiện thực hóa Phán quyết Trọng tài, chứ không phải chấp nhận đánh đổi quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia lấy lợi ích kinh tế từ Trung Quốc.