Bối cảnh Trung Quốc tính toán và dàn dựng để chiếm Gạc Ma

14/03/2017 06:52
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Thôn tính Gạc Ma không phải âm mưu một sớm một chiều, mà là một mắt xích quan trọng, có tính toán rất kỹ trong chiến lược Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông.

LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích bối cảnh Trung Quốc tính toán và dàn dựng để cưỡng chiếm Gạc Ma của Việt Nam năm 1988.

Chúng tôi xin trân trọng gửi tới quý bạn đọc, như một nén tâm nhang tri ân 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến không cân sức, cùng vong linh đồng bào chiến sĩ cả nước vị quốc vong thân.

Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Ngày này của 29 năm về trước, 14/3/1988, Trung Quốc đã gây ra cuộc thảm sát 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ phòng thủ Gạc Ma và cưỡng đoạt cấu trúc địa lý này.

Kể từ đó họ không ngừng củng cố lực lượng quân sự tại đây. Ngày nay Trung Quốc đã biến Gạc Ma thành 1 trong 7 pháo đài quân sự quy mô lớn, đe dọa an ninh an toàn hàng hải Biển Đông.

Sự kiện Trung Quốc chiếm nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma cùng 5 cấu trúc khác của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam năm 1988 trở thành vết thương nhức nhối trong lòng dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là vết thương chưa lành trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Trước xu thế Bắc Kinh đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, tiếp tục uy hiếp hòa bình ổn định trong khu vực, an ninh quốc gia các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam, ôn lại bài học năm xưa một cách khách quan, cầu thị để tìm ra giải pháp, thiết nghĩ là một việc cần kíp, cấp bách.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, mỗi khi nhắc đến Hoàng Sa, Gạc Ma, trong dư luận cộng đồng người Việt trong hay ngoài nước, lâu nay vẫn không ngừng tranh luận câu hỏi: tại sao một phần lãnh thổ nước nhà bị mất vào tay láng giềng phương Bắc? Và không ít những quan điểm đổ lỗi cho bên này hay bên kia.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Điều này chẳng những làm cho khối đại đoàn kết dân tộc cùng chung dòng máu Lạc Hồng đối diện với thử thách, chia rẽ, mà còn tạo cơ hội cho những kẻ vẫn rắp tâm nhòm ngó lãnh thổ nước nhà thừa nước đục thả câu.

Bởi vậy, trong ngày có ý nghĩa lịch sử quan trọng này, chúng tôi xin có đôi lời phân tích về bối cảnh Trung Quốc đã tính toán và dàn dựng để gây ra cuộc chiến không cân sức, cưỡng chiếm Gạc Ma, ngõ hầu rút ra bài học cho hiện tại và tương lai.

Đông Nam Á và Biển Đông là trọng tâm trong chiến lược của Trung Quốc bành trướng xuống phía Nam

Gần đây, chúng tôi có bài viết "Máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhằm đưa ra một phần câu trả lời cho thắc mắc của nhà báo Trung Quốc Triệu Linh Mẫn: Tại sao người Việt Nam thiện cảm với Nhật Bản và ác cảm với Trung Quốc.

Chúng tôi thấy rằng, nếu không có “hệ miễn dịch” cực mạnh chống lại những đại dịch “Hán hóa” thì dân tộc Việt Nam đã không còn tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay.

Trong bài viết này, chúng tôi xin dẫn ra đây những nhận định, đánh giá của một nhà nghiên cứu quốc tế để làm rõ nhận định về trọng tâm chiến lược của Trung Quốc.

Bởi lẽ có đặt cuộc chiến Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974, Gạc Ma năm 1988 vào trong bối cảnh cụ thể, chiến lược xuyên suốt cùng những toan tính, sắp đặt có chủ đích của họ, mới giúp chúng ta nhận rõ hơn câu chuyện bảo vệ lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông trong hiện tại và tương lai.

Người chúng tôi muốn giới thiệu là Giáo sư Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các nước Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương từ Viện Phương Đông, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga. 

Những công trình nghiên cứu công phu của ông về sự bành trướng của Trung Quốc xuống Đông Nam Á rất đáng để người Việt Nam chúng ta suy ngẫm và rút ra bài học cho mình.

Trong bài viết "Trung Quốc và Đông Nam Á. Phần 1" [1] được Giáo sư Dmitry Mosyakov đăng trên New Eastern Outlook ngày 5/2/2012, ông nhận định:

Sự bành trướng của Trung Quốc xuống Đông Nam Á không phải mới bắt đầu trong thời gian gần đây. Nó có nguồn gốc lịch sử và "văn hóa" sâu xa.

Ông khái quát lịch sử Trung Quốc từ thời kỳ cương vực lãnh thổ của người Hán còn nằm ở phía Bắc sông Dương Tử.

Tổ tiên người Hán đã bành trướng dần về phía Tây, phía Nam theo thời gian, họ xâm lược và đồng hóa nhiều quốc gia, dân tộc để hình thành nên lãnh thổ ngày nay.

Bối cảnh Trung Quốc tính toán và dàn dựng để chiếm Gạc Ma ảnh 2

“Gác lại quá khứ chứ không phải khép lại quá khứ”!

(GDVN) - Đánh giá lại cuộc xâm lăng Biên giới Việt Nam 1979-1989 mà Trung Quốc tiến hành, cần đặt nó vào khung pháp lý quốc tế để xác định nguyên nhân, tìm ra bài học.

Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu bài viết này, hoặc đọc qua lịch sử Trung Quốc trên Wikipedia. Chỉ cần nhìn bản đồ Trung Quốc qua các triều đại có thể thấy rất rõ điều này.

Bước chân bành trướng của Trung Quốc xuống phía Nam chỉ tạm thời bị ngăn lại khi triều đình nhà Thanh suy yếu và chủ nghĩa thực dân phương Tây tràn sang.

Biên giới lãnh thổ giữa Trung Quốc với Myanmar, Lào và Việt Nam được định hình trong thời kỳ này, trong tình thế Anh đô hộ Myanmar, và Pháp đại diện cho cả Đông Dương về đối ngoại.

Giáo sư Dmitry Mosyakov nhận xét: triều đình Mãn Thanh lúc này đang ở thế yếu, phải nhượng bộ Anh và Pháp, kể cả trong vấn đề biên giới thuộc địa cũng như việc hủy bỏ quan hệ triều cống đã tồn tại hàng ngàn năm.

Phần 2 của bài viết "Trung Quốc và Đông Nam Á" [2] được Giáo sư Dmitry Mosyakov đăng ngày 27/2/2012, ông đánh giá:

Sự bành trướng của Trung Quốc xuống phía Nam và Tây Nam bắt đầu trở lại sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, khi thực dân châu Âu bắt đầu rời khỏi các thuộc địa châu Á.

Tháng 8/1941, Chu Ân Lai (sau này là Thủ tướng Trung Quốc) đã tuyên bố, các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc trong nhiều thế kỷ.

Điều đáng chú ý ở đây là, tuyên bố này là chủ trương của Tưởng Giới Thạch, đối thủ chính trị không đội trời chung của đảng Cộng sản Trung Quốc mà ông Lai là thành viên.

Đặc biệt là sau khi Mao Trạch Đông lật đổ Tưởng Giới Thạch, lập ra Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 đã thay đổi toàn bộ chính sách nội trị, nhưng ngoại giao thì không đổi, trong đó có chính sách đối với Đông Nam Á.

(Cụ thể là yêu sách đường lưỡi bò và chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

Vị Giáo sư khả kính này đi đến kết luận: bất luận ai lên lãnh đạo Trung Quốc, dù cá tính khác nhau, ý thức hệ khác nhau thì trong thâm tâm họ vẫn luôn nghĩ Đông Nam Á là các nước “chư hầu” của Trung Quốc, mà họ phải tìm mọi cách khẳng định quan hệ ấy trong thực tế.

Sự kiện tiếp theo là năm 1956, quân đội Trung Quốc chiếm nhóm đảo An Vĩnh, phía Đông Hoàng Sa. Giáo sư Dmitry Mosyakov bình luận:

Đây là minh chứng cho thấy, lần đầu tiên sau 150 năm, Trung Quốc sẵn sàng dùng quân đội, hải quân để thúc đẩy quyền kiểm soát và bảo vệ (cái gọi là) lợi ích của họ ở Đông Nam Á.

Ông chia diễn biến Trung Quốc bành trướng xuống Đông Nam Á và Biển Đông làm 3 giai đoạn, theo đặc trưng phương thức và thủ đoạn Bắc Kinh áp dụng.

Giai đoạn thứ nhất từ đầu những năm 1950 đến đầu những năm 1970:

Trung Quốc hỗ trợ các đảng cộng sản hoạt động ở Đông Nam Á, kết hợp với không công nhận các chế độ chính trị cầm quyền tại các quốc gia này. Bắc Kinh hy vọng, bằng cách giúp các đảng cộng sản này giành chính quyền, sau này sức mạnh chi phối của Trung Quốc với khu vực sẽ được bảo vệ.

Tờ Sputnik News, Nga bản tiếng Việt ngày 23/2 vừa qua có đăng phỏng vấn Giáo sư Dmitry Mosyakov nhân dịp cuốn sách "Chính sách của Trung Quốc ở Đông Nam Á: từ xưa đến nay" của ông được Nhà xuất bản Sự Thật dịch thành tiếng Việt và phát hành. Ông cho biết:

Bối cảnh Trung Quốc tính toán và dàn dựng để chiếm Gạc Ma ảnh 3

Máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau

(GDVN) - Nếu không có “hệ miễn dịch” cực mạnh chống lại những đại dịch “Hán hóa” thì dân tộc Việt Nam đã không còn tồn tại và phát triển rực rỡ đến ngày hôm nay.

"Trong cuốn sách này tôi cố gắng chứng minh rằng, một yếu tố quan trọng tác động đến chính sách của Bắc Kinh trong khu vực Đông Nam Á là:

Ý tưởng truyền thống của Trung Quốc về việc các quốc gia trong khu vực chỉ là các nước chư hầu Trung Quốc, vùng lãnh thổ này đã bị mất trong thời kỳ đất nước yếu đuối, và Trung Quốc trước hết phải giành lại quyền thống trị trên mảnh đất này. 

Quan điểm đó có thể được giải thích không chỉ bằng những yếu tố lịch sử và chính trị mà trước hết bằng lý do kinh tế. Trong năm 1965, Mao Trạch Đông đã tuyên bố: 

"Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, gồm cả miền Nam Việt Nam, Thailand, Miến Điện, Malaysia, Singapore.

Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… "”. [3]

Giai đoạn thứ hai từ những năm 1970 đến cuối những năm 1990:

Trung Quốc thay đổi chính sách, quay sang công nhận các chế độ chính trị cầm quyền ở Đông Nam Á, đồng thời gây áp lực về quân sự và chính trị, liên tục gia tăng sự hiện diện trong khu vực.

Trong thời gian này, Trung Quốc xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa năm 1974, chiếm Gạc Ma và 5 thực thể khác ở Trường Sa năm 1988.

Giai đoạn 3 từ cuối những năm 1990 đến nửa cuối những năm 2000:

Trung Quốc tập trung vào tăng trưởng kinh tế, tìm cách cuốn các nước Đông Nam Á vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc.

Và bắt đầu từ những năm 2007 - 2008 trở về đây, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới: quân sự hóa Biển Đông.

Đây là giai đoạn mới chúng tôi bổ sung vào, do có lẽ thời điểm Giáo sư Mosyakov tổng kết, có thể các dấu hiệu của giai đoạn 4 vẫn chưa rõ ràng.

Nhưng phải thừa nhận Giáo sư Dmitry Mosyakov đã rất mẫn tiệp với đánh giá: xu thế Trung Quốc tiếp tục tìm cách khống chế Biển Đông và Đông Nam Á không thay đổi.

Động cơ của họ không chỉ gồm yếu tố lịch sử đã từng được ai đó ví von với cụm từ “gen xâm lược” hay “gen bành trướng”, mà còn bởi nguyên nhân kinh tế cùng sự ổn định của thể chế đương thời tại Trung Quốc. 

Họ xem Mỹ là đối thủ số một của mình ở châu Á - Thái Bình Dương. Khi đã chọn Biển Đông làm đột phá khẩu, Bắc Kinh sẽ ngày càng cứng rắn hơn ở phương Nam.

Chúng tôi cho rằng, việc Bắc Kinh thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 hay “Sáng kiến một vành đai, một con đường” là một biểu hiện.

Bởi đi kèm những "chiến lược" và "sáng kiến" này là những dự án khổng lồ cùng các định chế tài tính do Trung Quốc lập ra, kiểm soát.

Các định chế này sẵn sàng dốc hầu bao cho nước nào chấp nhận doanh nghiệp, nhà thầu / công nghệ lạc hậu / lao động phổ thông Trung Quốc trong bối cảnh phần lớn các nước đang phát triển dọc theo "con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21" đều khát vốn.

Hình ảnh xúc động cụ Hoàng Dỏ ở Tân Định, Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, cha liệt sĩ Hoàng Văn Túy hy sinh trong trận Gạc Ma, hàng năm vẫn làm giỗ cho cả 64 liệt sĩ với 64 đôi đũa, 64 chiếc bát. Ảnh: Quốc Nam / Báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn).
Hình ảnh xúc động cụ Hoàng Dỏ ở Tân Định, Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, cha liệt sĩ Hoàng Văn Túy hy sinh trong trận Gạc Ma, hàng năm vẫn làm giỗ cho cả 64 liệt sĩ với 64 đôi đũa, 64 chiếc bát. Ảnh: Quốc Nam / Báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn).

Biểu hiện nổi bật thứ hai là sự phát triển nhanh chóng sức mạnh quân sự Trung Quốc, tập trung cho hải quân theo hướng vươn ra ngoài lãnh thổ để phục vụ mục tiêu tranh bá toàn cầu ngày càng rõ rệt. South China Morning Post ngày 13/3 cho biết:

Bắc Kinh đã có kế hoạch tăng quân số thủy quân lục chiến từ 20 ngàn quân hiện nay lên 100 ngàn để bảo vệ cái gọi là lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài.

Một số đơn vị thủy quân lục chiến sẽ được Trung Quốc điều động đến đóng tại cảng Djibouti ở vùng Sừng châu Phi và Gwadar ở Tây Nam Pakistan.

Trung Quốc cũng sẽ tăng thêm 15% quân số cho hải quân, quân chủng hiện chiếm 235 ngàn quân trong biên chế quân đội nước này. [4]

Bối cảnh Trung Quốc tính toán và dàn dựng để chiếm Gạc Ma

Thường thì nhắc đến Gạc Ma, người ta nhớ đến ngày 14/3/1988 với việc Trung Quốc thảm sát 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam và chiếm thực thể địa lý này. 

Nhưng trên thực tế, những dấu hiệu Trung Quốc bành trướng xuống Trường Sa sau khi chiếm trọn Hoàng Sa năm 1974 đã bộc lộ từ nửa cuối thập niên 1980. 

Thời gian này, Việt Nam đã chạy đua với thời gian trong bối cảnh khó khăn thiếu thốn trăm bề, để không ngừng củng cố phòng thủ ở Trường Sa. 

Âm mưu, hoạt động và diễn biến việc Trung Quốc cướp Gạc Ma cùng 5 thực thể khác đầu năm 1988, tinh thần chiến đấu, hy sinh của bộ đội ta và bài học rút ra cho hiện tại và mai sau, chúng tôi cũng đã đề cập nhiều lần, bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu. [5],[6],[7]

Qua tổng kết đánh giá của Giáo sư Dmitry Mosyakov chúng ta thấy rõ: chiến lược và toan tính của Trung Quốc hàng ngàn năm không đổi, có chăng chỉ là thay thế những lớp vỏ, những chiếc áo ngụy trang khác nhau mà thôi.

Nhìn lại diễn biến phòng thủ Trường Sa cuối những năm 1980 và việc bảo vệ Trường Sa, trận Gạc Ma đầu năm 1988 có thể thấy rằng:

Thôn tính Gạc Ma không phải âm mưu một sớm một chiều, mà là một mắt xích quan trọng, có tính toán rất kỹ trong chiến lược Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin phân tích bổ sung thêm bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế khiến Trung Quốc “hạ thủ” cưỡng chiếm Gạc Ma năm 1988.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trung Quốc đã giúp đỡ rất to lớn và hiệu quả cho Việt Nam, đó là một thực tế không thể phủ nhận. Đó là công ơn to lớn mà nhân dân Trung Quốc đã dành cho nhân Việt Nam, người dân Việt Nam không bao giờ quên! 

Nhưng có một thực tế khác, là trong thời gian này, họ cũng đã tranh thủ chiếm nốt phần phía Tây Hoàng Sa của Việt Nam.

Đặc biệt, theo thông tin từ nhiều nguồn khác nhau liên quan đến chiến tranh và hòa bình tại Việt Nam trong thế kỷ XX, nhiều nhận định cho rằng đã có những dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc chưa muốn Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975. 

Cụ thể là: trong một số tình huống khác nhau, lúc thì Mao Trạch Đông, khi thì Chu Ân Lai hay Đặng Tiểu Bình tìm cách ngăn Việt Nam đánh vào đô thị, không muốn Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhưng họ cũng không muốn để Việt Nam thua, vì họ tin rằng như vậy sẽ khiến biên giới Mỹ sẽ kéo sát Trung Quốc.

Họ dùng lời lẽ rất mềm mỏng và dễ xuôi tai để cố gắng thuyết phục lãnh đạo Việt Nam: chổi ngắn không quét được xa, nguyện vọng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tuy chính đáng, nhưng nên để cho đời con cháu sau này giải quyết.

Rất may là các nhà lãnh đạo của Việt Nam lúc đó đã không làm theo “lời khuyên” ấy.

Ngăn cản trực tiếp không được, thì họ tìm cách khác. 

Thậm chí khi chúng ta đã chuẩn bị giải phóng Sài Gòn, Bắc Kinh vẫn cố gắng liên lạc với chính quyền Việt Nam Cộng hòa đề nghị: chỉ cần miền Nam yêu cầu, Trung Quốc sẽ ngăn cản miền Bắc tiến vào Sài Gòn. [8]

Lá cờ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam được kéo lên trên đảo Sơn Ca ngày 25/4/1975 là minh chứng hùng hồn về sự tiếp nối của các Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ thực thi chủ quyền hợp pháp, hòa bình và liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh tư liệu.
Lá cờ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam được kéo lên trên đảo Sơn Ca ngày 25/4/1975 là minh chứng hùng hồn về sự tiếp nối của các Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ thực thi chủ quyền hợp pháp, hòa bình và liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh tư liệu.

Một sự kiện khác cũng hết sức đáng lưu ý, đó là ngày 30/4/1975, quân và dân niềm Nam Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã giải phóng miền Nam, thì ngày 5/5/1975 Pol Pot nổ súng xâm lược đảo Thổ Chu.

Kể từ đó, bè lũ Pol Pot liên tục có hành động khiêu khích, gây hấn ở biên giới Việt Nam - Campuchia, đỉnh điểm lan rộng thành chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới Tây Nam 3 năm sau đó. 

Ai đứng sau giật dây và bơm súng ống đạn dược cho Pol Pot trong cuộc chiến này, thì đã có nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra. 

Đây có lẽ là lý do tại sao trong cuốn "Nhớ lại một thời", nhà thơ Tố Hữu viết: “Từ năm 1972, do điều kiện tình hình thế giới lúc đó, ta phải giữ bí mật với Trung Quốc và Liên Xô. Bởi vậy, khi ta giành toàn thắng, các bạn không khỏi bất ngờ”. [8]

Điều này cũng cho thấy, nếu chúng ta không quyết định điều chỉnh kế hoạch chiến lược, giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975 mà theo dự kiến ban đầu để tới năm 1976 mới tiến hành, thì khó khăn do ai đó tạo ra cho chúng ta vô cùng lớn, không thể lường hết được.

Và khi Việt Nam buộc phải tổng động viên đánh trả bè lũ Pol Pot xâm lược, đồng thời giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ, Trung Quốc lại ồ ạt tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc năm 1979 và gây xung đột kéo dài đến tận năm 1989.

Ngăn Việt Nam thống nhất đất nước không thành, họ gây khó khăn cho ta bằng 2 cuộc chiến biên giới ở 2 đầu đất nước sau đó, khi hậu phương duy nhất của ta là Liên Xô, Đông Âu đã lâm vào khủng hoảng, phương Tây thì vẫn cấm vận.

4 cuộc chiến tranh liên miên tàn phá Việt Nam, Trung Quốc “đổi ngôi” từ đồng chí anh em trong 2 cuộc chiến đầu, sang đối thủ gián tiếp và trực tiếp trong 2 cuộc chiến sau đã khiến Việt Nam tiêu hao biết bao sức người sức của.

Sau năm 1979, Trung Quốc tiếp tục tạo ra thế “lưỡng đầu thọ địch” cho Việt Nam trên đất liền, trong khi viện trợ của ta không còn, nhằm tiêu hao lực lượng ta.

Họ thực hiện ý đồ này bằng cách căng sức Việt Nam ra 2 đầu Nam - Bắc. Ở tuyến biên giới phía Nam, tàn dư Pol Pot tại Campuchia có thể ngóc đầu dậy bất cứ lúc nào.

Đầu phía Bắc, tiếng súng Trung Quốc vẫn đì đoàng trên bầu trời biên giới. Máu của đồng bào, chiến sĩ Việt Nam vẫn đổ xuống, dù đã hòa bình.

Lúc này họ bắt tay vào thực hiện âm mưu thôn tính Trường Sa. 

Chúng ta đã biết được ý đồ chiến lược và các động thái của Trung Quốc trước khi xảy ra trận chiến này. 

Bối cảnh Trung Quốc tính toán và dàn dựng để chiếm Gạc Ma ảnh 6

Bành trướng, bá quyền dễ dẫn đến diệt vong

(GDVN) - Việt Nam đã từng là nạn nhân của sự tranh giành ảnh hưởng, xuất khẩu hệ giá trị của các siêu cường, rất may là chúng ta đã vượt qua.

Mặc dù đã nỗ lực hết mình để củng cố phòng thủ, nhưng vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, lại buộc phải phân tán trên các hướng biên giới đất liền, cái thế Việt Nam lúc này do Trung Quốc chủ động dàn dựng lại quá khó khăn, họ đã cưỡng chiếm 6 cấu trúc địa lý nằm về phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc đã “cắm chân” bất hợp pháp được ở Trường Sa kể từ năm 1988 và không ngừng xây dựng, củng cố biến các cấu trúc địa lý chiếm được thành các pháo đài quân sự khổng lồ như chúng ta thấy hiện nay.

Một điểm đáng lưu ý nữa là, sau khi chiếm 6 thực thể ở Trường Sa của Việt Nam năm 1988, ngày 21/12/1991, Liên bang Xô Viết tan rã. Chỗ dựa cuối cùng của Việt Nam hậu Chiến tranh Lạnh không còn.

Trước đó ảnh hưởng và viện trợ của Liên Xô cũng đã giảm dần theo năm tháng, cấm vận của phương Tây vẫn tiếp tục, kinh tế trong nước vô cùng khó khăn khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam phải tính đến phương án bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

Cho dù đó là một nhu cầu có thực của 2 nước, đáp ứng nguyện vọng chung sống hòa bình của hai dân tộc, nhưng Trung Quốc nhìn thấy nguyện vọng ấy của Việt Nam và tranh thủ lợi dụng.

Không những họ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, mà còn thúc đẩy dùng phương châm “16 chữ và 4 tốt” hòng tìm cách “khép lại quá khứ”. Trong đó có những “vết thương quá khứ chưa kịp lên da non” và để lại nhiều hệ lụy pháp lý chưa được giải quyết, đó là chuyện Hoàng Sa, Trường Sa.

Đó chính là “giai đoạn 3” mà vị Giáo sư khả kính người Nga đã chỉ ra.

Bài học cho chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời hiện đại: khoan thứ sức dân và xử lý "đối tượng" trên nền "đối tác"

Trung Quốc tranh thủ phát triển kinh tế và tìm cách kéo các nước trong khu vực Đông Nam Á vào quỹ đạo kinh tế, ảnh hưởng an ninh của họ.

Đồng thời Bắc Kinh âm thầm củng cố chỗ đứng chân ở Hoàng Sa, Trường Sa và ít hành động quân sự quy mô, khiêu khích công khai, lộ liễu như hiện nay, nhưng việc bắt bớ, đánh đập và sát hại ngư dân Việt Nam đánh bắt ở Hoàng Sa vẫn thi thoảng xảy ra.

Cũng trong thời gian này, Việt Nam đẩy mạnh mở cửa hội nhập, đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ quốc tế để khôi phục và phát triển kinh tế bị tàn phá kiệt quệ sau nhiều năm chiến tranh. Nhờ đó quốc phòng an ninh được giữ vững, trận địa phòng thủ ở Trường Sa được tăng cường.

Sau mấy chục năm phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn quân sự, khi tích lũy đủ tiền và vũ khí, Trung Quốc bắt đầu quay trở lại chiến lược công khai độc chiếm Biển Đông, từ nửa cuối những năm 2000.

Những hành động leo thang chiếm quyền kiểm soát bất hợp pháp các vùng biển, các cấu trúc địa lý tiếp theo ở Biển Đông diễn ra trong thập kỷ này.

Đây có lẽ đây là những bài học đắt giá và vẫn còn nguyên giá trị cho việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp và chính đáng của quốc gia, dân tộc trên Biển Đông mà hiện nay vẫn tiếp tục bị đe dọa.

Mục tiêu của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông không thay đổi, nhưng thủ đoạn và đường đi nước bước của họ ngày càng tinh vi hơn, nguy hiểm hơn.

Mọi toan tính của họ thông qua hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hay viện trợ cho một số nước trong khu vực như Campuchia, Philippines, Lào… đều nằm trong chiến lược cô lập Việt Nam, nhằm gạt bỏ “chướng ngai vật” xung yếu có khả năng ngăn cản con đường tiến xuống phía Nam của họ. 

Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế, xã hội của chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhu cầu vốn và thị trường cho phát triển, tăng trưởng kinh tế rất lớn, trong khi cả 2 yếu tố này đều là thế mạnh của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam hiện nay.

Là một nước láng giềng nằm sát vách Trung Quốc, những quy luật thẩm thấu tự nhiên của kinh tế xã hội, khi kết hợp với những toan tính chiến lược của họ nhằm kiểm soát Đông Nam Á, kiểm soát Biển Đông, nếu chúng ta không tính toán kỹ và chuẩn bị đối sách phù hợp, thì sự nguy hiểm của “xâm lược mềm” hay “biên giới mềm” là không thể đo lường hết được.

Trong bối cảnh ấy, ôn lại bài học Gạc Ma với thái độ khách quan, cầu thị và mong muốn tìm ra giải pháp cho hiện tại và tương lai là điều hết sức cần thiết. Nếu không, vết xe đổ có thể lặp lại bất cứ lúc nào.

Bài học lớn nhất mà cha ông ta để lại, theo chúng tôi đó là “khoan thứ sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, như lời Đức Hưng Đạo Đại Vương trăng trối với vua Trần Anh Tông trước lúc nhắm mắt.

Chỉ khi nào nước ta thực sự hùng mạnh, phát triển thì những nguy cơ bị xâm lược mới được đẩy lùi. Ngược lại, mỗi khi chúng ta gặp những khó khăn, thách thức hay bối cảnh khu vực, thế giới bất lợi, sẽ là thời cơ cho những thế lực bành trướng xâm lấn. 

Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Đảng và Nhà nước Việt Nam là phát huy truyền thống đó. Nó thấm đẫm trong tinh thần dân tộc từ ngày đầu dựng nước, với câu chuyện truyền thuyết “Phù Đổng Thiên Vương”.

Tượng Phù Đổng Thiên Vương, biểu trưng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm, ảnh: Tiến sĩ Trần Công Trục.
Tượng Phù Đổng Thiên Vương, biểu trưng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm, ảnh: Tiến sĩ Trần Công Trục.

Tương truyền, sở dĩ Đức Thánh Gióng lớn nhanh như thổi, trở thành dũng sỹ có sức mạnh vô địch đánh tan giặc Ân xâm lược là nhờ ở sự nhường cơm, sẻ áo của dân nghèo yêu nước khắp mọi miền quê.

Nếu ai đó còn quay lưng lại với nỗi oan ức của dân, để mất lòng tin của dân, không chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của dân thì chắc chắc sẽ nhận lấy hậu quả khôn lường.

Trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và gìn giữ các quyền và lợi ích chính đáng của Đất nước trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải biết duy trì và thổi bùng ngọn lửa yêu nước tiềm tàng trong tim của mỗi người con Đất Việt.

Muốn làm được điều này, thiết nghĩ cần phải tránh 2 xu thế cực đoan: hô hào, kích động hay ngăn cấm một chiều. Đó là cách ứng xử theo cảm xúc cực đoan.

Điều quan trọng hơn là phải có trách nhiệm thường xuyên cung cấp mọi thông tin liên quan, bồi dưỡng, trang bị cho người dân những tri thức cần thiết để hành động tích cực, đúng lúc, đúng chỗ, không bị kẻ thù lợi dụng…gây bất ổn chính tri, xã hội.

Bài học quan trọng không kém tiếp theo là đoàn kết dân tộc, tự lực tự cường và đề cao cảnh giác. Muốn vậy, chúng ta cần có thái độ bình tĩnh, thẳng thắn, khách quan và xây dựng trong đánh giá tình hình, tránh đổ lỗi hay để cảm xúc chi phối. 

Bài học “bó đũa”, bài học Mỵ Châu - Trọng Thủy từ thủa học vỡ lòng vẫn còn nguyên giá trị.  “Chiếc nỏ thần”, bí mật quốc gia, một khi bị rơi vào tay giặc thì không tránh khỏi kết cục bi đát.

Với Trung Quốc, nhắc lại chuyện xưa để thấy rõ hiện tại, qua đó định hướng cho tương lai, để chúng ta chủ động tránh những xung đột can qua có thể khiến nước mất, nhà tan, huynh đệ tương tàn.

Chúng ta cần phải thấy rõ âm mưu và tính toán của họ, trên cơ sở đó phát huy yếu tố “đối tác” để kiểm soát “đối tượng”.

Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cha ông chúng ta đã không ít lần trải qua các cuộc chiến vệ quốc vĩ đại.

Và ngay cả trong lúc giao tranh hay sau khi đánh bại quân xâm lược hung tàn, cha ông ta vẫn luôn luôn hòa hiếu, cố gắng nỗ lực duy trì kênh đối thoại, nhưng không bao giờ quên được những bài học được viết bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước.

Ngày nay, với Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác, chúng ta không thể chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không nên có thái độ cực đoan, cứng nhắc một chiều, trên cái nền “đối tác” cố gắng tìm cách xử lý các vấn đề “đối tượng”.

Còn tất nhiên, khi “giặc liều lĩnh vào nhà thì đàn bà cũng đánh”!

Tài liệu tham khảo:

[1]http://journal-neo.org/2012/02/25/china-and-south-east-asia-part-1/

[2]http://journal-neo.org/2012/02/27/china-and-south-east-asia-part-2/

[3]https://vn.sputniknews.com/opinion/201702232971408-trung-quoc-dong-nam-a/

[4]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2078245/overseas-ambitions-expand-china-plans-400pc-increase

[5]http://infonet.vn/truoc-su-kien-gac-ma-trung-quoc-da-nhom-ngo-truong-sa-nhu-the-nao-post193382.info

[6]http://infonet.vn/tran-chien-gac-ma-cac-anh-da-chien-dau-nhu-the-nao-post193396.info

[7]http://infonet.vn/tran-chien-gac-ma-1988-va-bai-hoc-canh-giac-voi-am-muu-tu-trung-quoc-post193398.info

[8]http://tuanbaovannghetphcm.vn/ban-be-muon-nam/

Ts Trần Công Trục