Động thái chính trị sắc sảo của Thủ tướng Nga Vladimir Putin

02/03/2012 12:04
Ngọc Huyền (Theo RIA)
(GDVN) - Bài báo của Putin trước cuộc bầu cử được coi là một động thái chính trị sắc sảo. Nó còn cho thấy nhiều thách thức đối với Tổng thống tương lai của Nga.
Thủ tướng Vladimir Putin đã viết một loạt các bài báo, như một cách kết luận đầy tính logic của những tuyên bố gần đây của ông về chính sách đối ngoại. 

Một mặt, ông đã chỉ ra rằng chính sách đối ngoại có nhiệm vụ bắt nguồn từ chính sách đối nội và mục đích của nó nhằm tạo ra một điều kiện cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Mặt khác, việc công bố bài báo ngay trước cuộc bầu cử được coi là một động thái chính trị sắc sảo.

Nó cũng đặt ra nhiều thách thức trong lãnh đạo đất nước của vị Tổng thống Nga tương lai sau cuộc bầu cử ngày 4/3 tới đây.
Thủ tướng Putin luôn quan tâm đến đời sống của thường dân Nga
Thủ tướng Putin luôn quan tâm đến đời sống của thường dân Nga
Quan hệ với Mỹ

Nga có nhiều khác biệt trong cái nhìn về trật tự thế giới trong tương lai giữa Mỹ và một số nước khác.

Washington đã có những nỗ lực liên tục, trước đó là đơn phương và hiện nay chuyển sang đa phương. Tất cả đều nhằm mục đích thiết lập một hệ thống mà trong đó Mỹ là trung tâm của quan hệ quốc tế. 

Mặc dù cuộc chiến tranh hùng biện có xu hướng giảm nhẹ song làn sóng các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ và các đồng minh trên khắp thế giới vẫn đang tiếp tục. Mỹ và đồng minh đã không ngừng gia tăng các nỗ lực để tăng cường ảnh hưởng đến các vấn đề chính trị của nước ngoài.

Quan hệ với Mỹ sẽ rất phức tạp. Chương trình nghị sự Mỹ-Nga đã được mở rộng, bao gồm cả trong khuôn khổ của Ủy ban Tổng thống song phương Mỹ-Nga và cuộc đối thoại cấp cao về một loạt các vấn đề. 

Tuy nhiên, chỉ có một bước đột phá đạt được trong chương trình nghị sự giải trừ vũ khí (START). Đó là một sự thay đổi tích cực trong "bầu không khí" quan hệ song phương hai nước.

Bởi Mỹ là một nước đứng đầu công nghệ thế giới do đó quan hệ mật thiết với nước này là sự cần thiết để hiện đại hóa nền kinh tế Nga cũng như tiếp thu kinh nghiệm trong quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.  

Thế nhưng, mức độ tin tưởng lẫn nhau cho sự hợp tác giữa hai nước trên quy mô toàn cầu là điều khó có thể đảm bảo. Gần đây, đã có những khác biệt căn bản trong lập trường của hai nước về Libya và Syria.

Bên cạnh đó, sự nổi lên của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác đã tạo cho Nga nhiều cơ hội, không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong việc chống lại sự cực đoan của các chính sách do Washington đề xuất. 

Tuy nhiên, căng thẳng chính trị và kinh tế đang phát triển giữa Trung Quốc và nền kinh tế Mỹ đang “ốm yếu” đã tạo thành những thách thức mới. Điều đó có thể dẫn đến một cuộc đối đầu toàn cầu mới - lần này là giữa Mỹ và Trung Quốc. 
Các khu vực khác

Trước đây, bài phát biểu của Putin hồi tháng 2 năm 2007 tại Munich đã tập trung vào các sự kiện tại Nam Tư, Iraq, Georgia và Ukraine. 

Nay, bài viết mới nhất của Putin chịu sự ảnh hưởng từ vấn đề Libya, mùa xuân Ả Rập và sự căng thẳng ngày càng tăng trên khắp Syria, Iran cũng như tương lai mơ hồ của người Afghanistan. Người ta có thể cảm nhận tất cả những yếu tố này trong bài viết của vị Thủ tướng Nga.
Một khu vực bất ổn định khác là ở Trung Đông. Sự dân chủ tự phát và bạo lực ở đây là sự kết hợp của những khát vọng về tư tưởng, chính trị và tôn giáo của nhiều quốc gia như Mỹ, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, cũng như Israel, al -Qaeda và các lực lượng khác. 

Thêm vào đó là những mối đe dọa khác từ các vấn đề trong lĩnh vực phổ biến vũ khí hạt nhân, khủng bố hạt nhân và buôn bán ma túy.

Tổng thống tương lai của Nga sẽ cần phải tính toán tới tất cả những điều này.

Phát triển đất nước


Thách thức chính của Nga hiện nay là phải bảo đảm các nguồn lực để hiện đại hóa. Nga sẽ không cần phải lo sợ cuộc khủng hoảng ở các khu vực lân cận hoặc sự can thiệp vào quá trình phát triển nội bộ bền vững của mình.
Do đó, các mục tiêu bao gồm việc giữ gìn sự cân bằng quyền lực toàn cầu, tính ưu việt của luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia. Ngoài ra là hoạt động kiểm soát việc sử dụng "quyền lực mềm" và công nghệ truyền thông.

Điều này nghe có vẻ táo bạo, bởi thành công trong những chủ trương chỉ có thể đạt được phụ thuộc vào nguồn lực riêng và tiềm năng quốc gia trong quá trình hiện đại hóa của Nga, mặc dù được sự hỗ trợ của đầu tư nước ngoài, của nghiên cứu và hợp tác kinh tế với các nước khác.
Không giống như một số nhà phân tích, Putin không khuyến khích Nga đặt khát vọng toàn cầu của mình lệ thuộc vào lợi ích của các nước khác.

Chính sách đối ngoại nên bảo vệ lợi ích quốc gia với ưu tiên là cải thiện hình ảnh của đất nước ở nước ngoài và bảo vệ lợi ích kinh tế của các công ty Nga trên thị trường thế giới.

Do đó rất hợp lý khi Vladimir Putin nhấn mạnh sự cần thiết “đón luồng gió từ Trung Quốc trên con tàu kinh tế của Nga” và "hoạt động hướng tới một cộng đồng hài hòa của tất cả các nền kinh tế từ Lisbon (Bồ Đào Nha) tới Vladivostok (Nga)".
Putin chỉ ra rõ ràng sự cần thiết phải sử dụng tích cực mối quan hệ chính trị hiện nay để phát triển hơn nữa quan hệ thương mại và kinh tế với Trung Quốc. Trung Quốc cần năng lượng, gỗ, nước và nguồn thực phẩm để giữ tăng trưởng kinh tế và tăng mức sống. 

Nga sẽ phải nỗ lực nhiều để bảo vệ lợi ích của mình trong ngoại giao kinh tế đa phương. Nước này chưa đảm bảo được tốc độ tăng trưởng như các đồng minh trong  nhóm BRIC điều đã khiến nhiều người suy đoán về khả năng loại bỏ chữ R (tức là nước Nga) trong nhóm này.

Trong cái nhìn tổng thể, ngoại giao Nga đã làm rất tốt nỗ lực phát triển quan hệ song phương trong những thập kỷ qua, trong khi các đối tác ở nước ngoài đã làm tốt hơn trong việc thiết lập các liên minh. 

Đây là những kinh nghiệm mà Putin từng chỉ ra trong bài viết của mình hồi tháng 10 năm 2011. Chúng càng quan trọng hơn để bảo đảm thành công trong việc phát triển Liên minh Á - Âu – một kế hoạch nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế thời hậu Xô viết.

Ngoài ra, nhà ngoại giao Nga có kỹ năng ngoại giao truyền thống, phương pháp "an ninh cứng" và cân bằng quyền lực nhưng nhận thức hạn chế về hoạt động truyền thông hiện đại, bao gồm cả việc đại diện cho lợi ích kinh doanh của Nga ở nước ngoài.
Các chuyên gia cho rằng, bài báo của Thủ tướng Vladimir Putin có thể là một thách thức mang tính cảnh và dự báo. Nhưng không phải với Mỹ hay cộng đồng quốc tế mà là với chính ông trong trường hợp trở thành tổng thống kế tiếp của một quốc gia đang phải đối mặt với những nhiệm vụ đầy tham vọng. 

Nó cũng là một thách thức cho tất cả các nhà hoạt động để bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga trên trường quốc tế. “Thời gian thay đổi, thế giới đang thay đổi và nước Nga không đi sau những thay đổi này”.
Ngọc Huyền (Theo RIA)