"Giấc mơ Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ thành cơn ác mộng ở Biển Đông"

18/06/2015 07:03
Hồng Thủy
(GDVN) - Tiếp tục một cuộc chạy đua địa chính trị mà biết chắc Trung Quốc rất ít có cơ hội chiến thắng, "giấc mơ Trung Quốc" mà Tập Cận Bình ấp ủ lâu nay sẽ trở thành..
Học giả Bùi Mẫn Hân, ảnh: aspenideas.org
Học giả Bùi Mẫn Hân, ảnh: aspenideas.org

Bùi Mẫn Hân, một giáo sư và chuyên gia về Trung Quốc từ đại học Claremont McKenna và Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế ngày 15/6 bình luận trên tờ Nikkei Nhật Bản về những kịch bản tiếp theo có thể sẽ diễn ra trên Biển Đông. Chiến tranh Lạnh đã không được kích hoạt bởi một sự kiện duy nhất mà là một loạt các hành động tương đối nhỏ nhằm vào nhau giữa Mỹ và Liên Xô đã dẫn đến vòng luẩn quẩn leo thang và trả đũa. Vấn đề đặt ra là hiện nay Trung Quốc và Mỹ đang tham gia vào hoạt động đối đầu tương tự có thể dẫn đến một cuộc "Chiến tranh Lạnh" khác?

Câu hỏi này càng trở nên cấp bách gần đây khi Bắc Kinh đẩy mạnh bồi lấp xây dựng (bất hợp pháp) đảo nhân tạo ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Những hòn đảo nhân tạo này theo ông Bùi Mẫn Hân là ít có giá trị quân sự bởi chúng không thể bảo vệ trong một cuộc xung đột. Nhưng rõ ràng Bắc Kinh có ý đồ thông qua mở rộng sự hiện diện vật lý (bất hợp pháp) của mình để củng cố yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của họ ở Biển Đông. Nhưng điều này chỉ là mơ tưởng, vì về mặt pháp lý, luật pháp quốc tế không cho phép Trung Quốc tạo ra lãnh hải 12 hải lý hay không phận đối với các đảo nhân tạo.

Trung Quốc đã quen sử dụng chiến thuật "cắt lát xúc xích" (còn gọi là tằm ăn dâu, chiến lược cải bắp...), thông qua việc theo đuổi các bước leo thang có kiểm soát, không cưỡng bức và mơ hồ về pháp lý để đạt mục tiêu cuối cùng là kiểm soát các khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ vừa quan tâm đến những tác động chiến thuật của các đảo nhân tạo Trung Quốc xây (bất hợp pháp) có thể làm phức tạp và bất tiện cho các hoạt động của Không quân, Hải quân Mỹ. Đồng thời Hoa Kỳ lo lắng nhiều hơn về những hậu quả lâu dài nếu những hành vi (phạm pháp) của Trung Quốc không bị ngăn chặn.

Ở cấp độ chiến lược, nếu Bắc Kinh áp dụng thành công chiến thuật "cắt lát xúc xích" chắc chắn sẽ đánh dấu sự áp đặt trật tự mới của Trung Quốc trong khu vực. Bất chấp Mỹ, Trung Quốc rõ ràng muốn trở thành trung tâm lực hấp dẫn đối với các nước láng giềng ở châu Á và muốn Mỹ không thể ngăn chặn Trung Quốc phô diễn sức mạnh của mình. Quan trọng hơn, với việc dùng sức mạnh uy hiếp láng giềng, Trung Quốc sẽ thành công trong việc chứng minh rằng họ có thể viết lại các quy tắc quốc tế nếu Bắc Kinh thấy phù hợp.

Đây rõ ràng không phải là một Trung Quốc mà Hoa Kỳ có thể chấp nhận. Từ khi thiết lập quan hệ, chính sách với Trung Quốc của Washington dựa trên giả định Bắc Kinh sẽ trở nên mạnh mẽ và được tích hợp vào hệ thống quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Trung Quốc không thể phá vỡ sự cân bằng quyền lực ở châu Á.

Nhưng các sự kiện gần đây, đặc biệt là việc Trung Quốc thành lập tổ chức tài chính quốc tế Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á, Ngân hàng Phát triển mới hay bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ở Biển Đông đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả trong chính sách với Trung Quốc của Washington.

Đúng lúc này căng thẳng Trung - Mỹ leo thang ngoài Biển Đông trên các hòn đảo nhân tạo. Washington và Bắc Kinh sẽ xử lý mâu thuẫn ở Biển Đông như thế nào có thể sẽ quyết định tương lai của quan hệ Mỹ - Trung. Trong thời điểm này triển vọng một kết quả thương lượng vẫn giữ được thể diện là không chắc chắn. Mỹ đã công khai kêu gọi Trung Quốc chấm dứt vĩnh viễn hoạt động bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa trong khi Bắc Kinh thẳng thừng bác bỏ nó.

Giấc mơ Trung Quốc hay giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình không thể thành công nếu dựa trên chính sách bành trướng lãnh thổ. Ảnh: SCMP.
Giấc mơ Trung Quốc hay giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình không thể thành công nếu dựa trên chính sách bành trướng lãnh thổ. Ảnh: SCMP.

Tất cả chúng ta nên hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nhận ra sự ổn định tổng thể trong quan hệ Mỹ - Trung có giá trị hơn nhiều việc theo đuổi chủ quyền (vô lý, phi pháp) đối với các đảo nhân tạo, đồng thời ra lệnh đình chỉ ngay các hoạt động bồi lấp, xây dựng, cải tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Có thể trong ngắn hạn, ít nhất là từ nay đến tháng 9 khi ông Tập Cận Bình thăm Mỹ, Bắc Kinh sẽ tìm cách chống leo thang. Nhưng nếu Trung Quốc đẩy mạnh hành động theo cách của họ ở Biển Đông, Mỹ có khả năng đáp trả bằng cả ngoại giao và quân sự.

Bước đầu tiên Mỹ có thể sẽ thực hiện là gia tăng áp lực ngoại giao và sử dụng các chiến thuật "danh dự và xấu hổ" chống lại việc Bắc Kinh hợp thức hóa hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo. Điều này thể hiện rõ trong kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter khi ông thăm Việt Nam gần đây. Lầu Năm Góc kêu gọi tất cả các bên ngừng cải tạo, bao gồm cả Việt Nam và Philippines, từ đó Mỹ sẽ có "thẩm quyền luân lý" nhiều hơn và đòn bẩy ngoại giao với Trung Quốc.

Ngoài ra Mỹ dường như cũng đã bắt tay vào chiến dịch ngoại giao rộng lớn hơn để gây áp lực với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trong hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức tháng này, Washington đã thành công trong việc thúc đẩy khối 7 nước côn nghiệp phát triển chỉ trích hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông bằng các ngôn từ mạnh mẽ. Trong trường hợp các nỗ lực ngoại giao vẫn thất bại, Mỹ sẽ xem xét một danh sách biện pháp đối phó.

Hành động Mỹ có thể đơn phương lựa chọn là phái máy bay quân sự và tàu chiến tiến vào 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc mới xây dựng để thách thức, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Ngoài ra Lầu Năm Góc cũng tằng cường khả năng của mình ở phía Tây Thái Bình Dương chống lại Trung Quốc bành trướng quân sự và trấn an đồng minh.

Thậm chí Mỹ có thể xem xét nhiều lựa chọn mạnh hơn, nếu được thông qua có thể tạo thành sự khởi đầu một chính sách ngăn chặn chính thức. Ví dụ Washington có thể đưa ra điều kiện hấp dẫn để Manila cho phép tàu hải quân Mỹ sử dụng linh hoạt cảng Subic với lực lượng đông hơn. Một biện pháp khác là dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam, một chủ trương đang được Thượng nghị sĩ John McCain thúc đẩy mạnh mẽ.

Lúc này Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa tạo ra một vòng xoáy lao dốc nguy hiểm trong quan hệ Trung - Mỹ, thậm chí đẩy 2 nước vào một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới ở Đông Á. Tất nhiên một khi bi kịch địa chính trị này xảy ra, Bắc Kinh chắc chắn sẽ đổ lỗi cho Washington. Nhưng trong thực tế Trung Quốc ở vị trí tốt hơn để ngăn chặn lặp lại Chiến tranh Lạnh.

Người Trung Quốc có câu "ai trói thì người ấy cởi", không có nghi ngờ gì về việc Bắc Kinh nhận thức được rằng chính chiến thuật cắt lát xúc xích của mình đã gây ra căng thẳng với Hoa Kỳ. Nhưng nếu cứ tiếp tục một cuộc chạy đua địa chính trị mà biết chắc Trung Quốc rất ít có cơ hội chiến thắng, "giấc mơ Trung Quốc" mà Tập Cận Bình ấp ủ lâu nay sẽ trở thành một cơn ác mộng trên Biển Đông, ông Bùi Mẫn Hân bình luận.

Hồng Thủy