Học giả Mỹ: Trung Quốc không bao giờ chịu bỏ rơi Bắc Triều Tiên!

26/03/2013 07:51
Nguyễn Hường (nguồn Yonhap)
(GDVN) - Mặc dù Trung Quốc bề ngoài có thể tỏ ra giận dữ với những hành vi gần đây của Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Bình Nhưỡng, bởi sự sụp đổ của chính quyền hiện tại ở quốc gia này sẽ đem lại nhiều điều tồi tệ hơn.

Theo Yonhap ngày 25/3, trong khi các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc có thể sẽ xem xét lại chính sách của mình đối với Triều Tiên và tỏ ra hoài nghi về khả năng Bắc Kinh sẽ cũng quay lưng lại với láng giềng của mình thì các chuyên gia đã chỉ ra một loạt các lý do chiến lược khiến Trung Quốc không thể bỏ rơi Bình Nhưỡng.

Trung Quốc cần chính quyền Triều Tiên hiện tại hơn cả vấn đề phi hạt nhân hóa.
Trung Quốc cần chính quyền Triều Tiên hiện tại hơn cả vấn đề phi hạt nhân hóa.

Thứ nhất, mối quan tâm chính của Trung Quốc đối với Triều Tiên không phải là phi hạt nhân hóa mà là đảm bảo rằng chính phủ Bình Nhưỡng không sụp đổ, John Pomfret, một cựu nhà báo chiến trường Mỹ được biết đến như một chuyên gia về Trung Quốc nói với tờ The Washington Post hôm 24/3. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc bề ngoài có thể tỏ ra giận dữ với những hành vi gần đây của Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Bình Nhưỡng, bởi sự sụp đổ của chính quyền hiện tại ở quốc gia này sẽ đem lại nhiều điều tồi tệ hơn - ông Pomfret nói thêm.
Pomfret cũng trích dẫn thông tin từ cuốn hồi ký của cựu Tổng thống George W. Bush mà theo ông đó là một bài học cho những ai tin rằng có thể gây sức ép với Trung Quốc để đạt được phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên rằng: Vào năm 2002, Tổng thống Mỹ đã mời Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân tới trang trại ở Texas để yêu cầu Bắc Kinh giúp đỡ trong nỗ lực ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng đã bị từ chối với lí do đó là vấn đề của Mỹ chứ không phải của Trung Quốc.
Vài tháng sau đó, Tổng thống Bush cảnh báo rằng Washington sẽ không thể ngăn được Nhật Bản sỡ hữu vũ khí hạt nhân nếu Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của mình. Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn im lặng.

Một khi Bình Nhưỡng sụp đổ, Trung Quốc vừa mất đi vùng đệm, vừa phải đổi mặt với làn sóng di cư lớn.
Một khi Bình Nhưỡng sụp đổ, Trung Quốc vừa mất đi vùng đệm, vừa phải đổi mặt với làn sóng di cư lớn.

Chỉ khi người Mỹ thể hiện ý định nghiêm túc về kế hoạch quân sự chống lại Triều Tiên thì Trung Quốc mới phản ứng lại và hợp tác thúc đẩy đàm phán 6 bên. 
Rất nhiều người Trung Quốc tin rằng việc thống nhất hai miền Triều Tiên không phải là điều đáng mừng cho Bắc Kinh. Họ sợ hàng trăm ngàn người tị nạn Triều Tiên sẽ đổ vào lãnh thổ của mình trong một làn sóng di cư khó kiểm soát.
Rõ ràng với Bắc Kinh, sự hiện diện của quốc gia láng giềng như một vùng đệm, thậm chí là có khó chịu, nhưng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn còn rất quan trọng.
Trung Quốc rõ ràng đang rất quan tâm tới sự chuyển hướng ngoại giao và quân sự của Mỹ tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bằng chứng là Tập Cận Bình đã chọn Nga làm nơi dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của mình với cương vị Chủ tịch nước đã ngầm nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Bắc Kinh - Moscow để thành lập một cái mà phương Tây gọi là liên minh chống Mỹ.

 

Ngoài ra, theo ông Pomfret, một số quan chức Trung Quốc tin rằng một quốc gia hạt nhân Triều Tiên có thể giúp kiềm chế những tính toán của Mỹ như Trung Quốc mong đợi. Và Washington vẫn chờ đợi thay đổi trong đánh giá chiến lược của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của chính phủ mới.
Tuy nhiên, sau cuộc hội đàm với các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi tuần trước, David Cohen - Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách chống khủng bố và thông tin tài chính - cho biết Bắc Kinh nhận ra rằng những gì diễn ra tại Triều Tiên gần đây có thể gây hại cho lợi ích của Trung Quốc và đang bắt đầu tính toán lại. Điều đó được chứng minh qua thực tế là Bắc Kinh đã lần đầu ủng hộ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng của Hội đồng Bảo an LHQ với ít "mặc cả" ngoại giao nhất.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng công khai nói rằng Trung Quốc nên tính toán lại chính sách của mình đối với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Kevin Rudd, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Australia hồi đầu tháng này cũng lên tiếng cho rằng Trung Quốc dường như đang càng ngày càng thể hiện có trách nhiệm hơn trong khu vực và thế giới chứ không còn quyết liệt theo đuổi cách tiếp cận với Bình Nhưỡng như trước kia.
Nguyễn Hường (nguồn Yonhap)