China.com.cn ngày 9/6 đăng bài phân tích của Trợ lý nghiên cứu Nhiếp Huệ Huệ từ Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, về chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bài viết của tác giả Nhiếp Huệ Huệ có tiêu đề: "Tính toán khôn ngoan của Việt Nam trong chính sách ngoại giao đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản".
Bài viết này trong chừng mực nào đó phản ánh nhận thức của giới nghiên cứu Trung Quốc đương đại về chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông và quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.
Do đó, chúng tôi xin giới thiệu đến quý bạn đọc nguyên văn chuyển ngữ nội dung bài viết này, và xin có đôi lời bình luận phía dưới.
Chúng tôi xin lưu ý, để biết người biết ta, nội dung chuyển ngữ bài viết của tác giả Nhiếp Huệ Huệ phản ánh nhận thức và lập trường của giới nghiên cứu Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông được giữ nguyên.
Bởi đảm bảo tính xác thực của văn bản sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về đánh giá của giới nghiên cứu Trung Quốc.
Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ủng hộ hay cổ súy cho các lập luận của họ trong các vấn đề có liên quan đến chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông hay trong quan hệ đối ngoại với các nước.
"Gần đây, hoạt động ngoại giao của Việt Nam vô cùng năng động.
Ngày 31/5 theo múi giờ Hoa Kỳ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kết thúc chuyến thăm chính thức nước Mỹ. Ngày 4/6, ông lại tiếp tục thăm Nhật Bản.
Mọi người đều biết rằng, trong chính sách ngoại giao với các nước lớn của Việt Nam, quan hệ Việt - Mỹ và Việt - Nhật có rất nhiều điểm đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe, ảnh: Báo Nhân Dân. |
Ví dụ như hợp tác kinh tế đi trước, sau đó thúc đẩy hợp tác chính trị, nhân văn, quốc phòng những năm gần đây ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, cách nhìn cũng như mong đợi của Việt Nam đối với hai quốc gia này có gì khác nhau không?
Thông qua chuyến thăm Mỹ, Nhật của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta có thể rút ra một, hai điều.
Quan hệ Việt - Mỹ: tìm kiếm cái rõ ràng trong cái không rõ ràng
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ kể từ khi nhậm chức. Nếu dùng một từ để khái quát chuyến đi này, thì đó là "mua, mua và mua".
Ngoài các cuộc gặp dày đặc với chính giới và giới công thương Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn dành nhiều thời gian để tiếp các doanh nghiệp Mỹ, dẫn đoàn (chứng kiến lễ ký hợp đồng) mua các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ.
Theo truyền thông, hai bên đã ký kết các hợp đồng tổng trị giá 8 tỉ USD trong chuyến thăm này.
Sau khi các doanh nghiệp Việt Nam đặt đơn hàng khá lớn cho phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump nói trong cuộc họp báo, ông đánh giá cao việc này vì nó làm tăng cơ hội việc làm khá lớn cho người Mỹ.
Nguyên nhân nào thúc đẩy Thủ tướng Việt Nam đi Mỹ mang theo đơn hàng lớn như vậy? Điều này cần xem xét từ cơ cấu quan hệ Việt - Mỹ.
Quan hệ thương mại song phương này lâu nay tồn tại tình trạng xuất siêu Việt Nam sang Mỹ khá lớn. Hàng năm, Việt Nam xuất sang Mỹ rất nhiều mặt hàng, từ may mặc, giầy da cho đến sản phẩm điện tử.
Sau khi lên cầm quyền, ông Donald Trump chủ trương "nước Mỹ trên hết", chỉ trích Việt Nam là một trong 16 quốc gia có thâm hụt thương mại và "đánh cắp việc làm" của người Mỹ, hy vọng Việt Nam nhanh chóng cải thiện hiện trạng mất cân bằng mậu dịch song phương.
Theo dự báo của Ngân hàng Credit Suisse, Thụy Sĩ, nếu Mỹ nâng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng của Việt Nam, GDP của Việt Nam có thể bị giảm xuống 0,9%.
Để cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt ông Donald Trump, Việt Nam không tiếc "bỏ ngàn vàng mua nụ cười đối tác", dùng hành động thực tế để thể hiện quyết tâm cải thiện tình trạng mất cân bằng mậu dịch song phương.
Trên thực tế, sự phụ thuộc của Việt Nam vào Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở thương mại.
"Việt Nam không ngả sang Trung Quốc, và Mỹ không bỏ Biển Đông" |
Sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, truyền thông Việt Nam ồ ạt thảo luận vấn đề, liệu Mỹ có rút khỏi châu Á - Thái Bình Dương hay không. Họ rất lo ngại Washington có khả năng thu mình, biệt lập.
Trong mắt Việt Nam, chiến lược tái cân bằng sang châu Á của Mỹ có thể đem lại cho họ những lợi ích chiến lược rất lớn.
Đặc biệt là nó giúp họ kiềm chế yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông, thậm chí có thể được Mỹ chống lưng cho các hành động xâm hại quyền lợi ở Biển Đông.
Nhưng đối với nước Mỹ mà nói, Việt Nam hoàn toàn không phải là (đối tác) không thể thay thế.
Nếu Mỹ vẫn còn hứng thú với châu Á - Thái Bình Dương, rõ ràng Việt Nam là một trong những trợ thủ phù hợp nhất.
Nhưng một khi Mỹ "chuyển hướng", tầm quan trọng của Việt Nam sẽ giảm xuống nhanh chóng.
Đặc biệt là một loạt biểu hiện và hoạt động của ông Donald Trump về ngoại giao kể từ khi nhậm chức, khiến Việt Nam rơi vào trạng thái lo lắng, bất an.
Việt Nam phải tìm cách xác định, nắm bắt xu hướng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong "hỏa mù Donald Trump".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ lần này, vừa có ý thăm dò chính sách ngoại giao của Washington, vừa muốn thông qua hoạt động "mua, mua và mua" để thu hút sự coi trọng từ phía Mỹ.
Quan hệ Việt - Nhật: trong tuần trăng mật, mỗi bên mang một tâm tư
So sánh với chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ trước đó, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam có thể khái quát đơn giản bằng từ "lấy, lấy và lấy".
Ngoài việc nhận được cam kết cung cấp 100 tỉ yên vốn vay ODA, hai nước còn ký kết 14 văn kiện hợp tác. Doanh nghiệp hai nước ký các hợp đồng trong chuyến thăm này có tổng trị giá lên tới 22 tỉ USD.
Chỉ nhìn lại hoạt động thăm viếng qua lại giữa cấp cao hai nước vài năm gần đây có thể thấy, tương tác giữa Việt Nam và Nhật Bản rất mật thiết.
Ví như ông Nguyễn Xuân Phúc mới nhậm chức Thủ tướng hơn 1 năm, nhưng đã có 2 lần thăm Nhật Bản.
Chẳng bao lâu sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa thăm chính thức Việt Nam tháng Giêng năm nay, Nhật Hoàng và Hoàng hậu lại thăm chính thức Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân chiêu đãi Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, ảnh: Quang Anh / VTV. |
Lãnh đạo hai nước Nhật Bản, Việt Nam còn nhiều lần nhấn mạnh, quan hệ hợp tác song phương đang phát triển tốt đẹp nhất kể từ trước đến nay.
Nếu so với các nước khác, quả thật Nhật Bản không hổ là đối tác chiến lược sâu sắc của Việt Nam.
Khác với Nga và Ấn Độ vẫn còn "sở đoản kinh tế" (trong quan hệ với Việt Nam), quan hệ Việt - Nhật cũng không có vướng mắc gì về nhân quyền hay lịch sử, hợp tác song phương bao trùm cả kinh tế - thương mại - nhân văn - giáo dục- y tế...
Mức độ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản tuy không bằng Việt Nam với Trung Quốc, nhưng hai nước không có tranh chấp trên biển, hơn nữa lại cùng có nhu cầu kiềm chế Trung Quốc (?!), cho nên hai nước dễ đồng cảm.
Nhật Bản đã cung cấp vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam trong thời gian dài, là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, giúp Việt Nam bồi dưỡng nhân tài, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Có thể nói, trong mọi lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, đều có bóng dáng Nhật Bản trong đó.
Nhưng Việt Nam thừa biết, Nhật Bản cần tình hữu nghị của Việt Nam hơn là Mỹ cần.
Việt Nam cũng khỏi lo Nhật Bản rút khỏi Đông Nam Á, trong khi thừa biết lo ngại của Tokyo đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc không dễ hóa giải trong một sớm một chiều.
Nói chung Việt Nam biết giá trị chiến lược của mình trong mắt Nhật Bản.
Cũng chính vì điều này, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới có thể "lấy, lấy và lấy".
Nhưng Việt Nam cũng không muốn vuốt mặt không nể mũi trong quan hệ với Trung Quốc.
Quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng rất sâu sắc, quan hệ thương mại Việt - Trung đã thâm nhập sâu vào đời sống xã hội, sợi dây liên hệ về văn hóa giữa hai nước không dễ gì cắt bỏ.
Máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau |
Nếu chỉ nhìn từ các lợi ích một cách giản đơn, một khi Việt Nam để mất quan hệ mật thiết với Trung Quốc, địa vị của họ trong mắt các quốc gia khác cũng sẽ suy giảm sau đó.
Tóm lại, Việt Nam chỉ lợi dụng tâm lý Nhật Bản muốn kiềm chế Trung Quốc để tối đa hóa lợi ích cho mình mà thôi.
Trong một khoảng thời gian quá ngắn, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc liên tục thăm Hoa Kỳ rồi Nhật Bản.
Có thể nói, đó chính là sự thể hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Nhưng từ sự khác biệt trong hai chuyến thăm này, cũng có thể thấy rõ tính toán khôn ngoan trong chiến lược ngoại giao của Việt Nam.".
Vài lời nhận xét
Đọc bài viết của tác giả Nhiếp Huệ Huệ, người viết nhận thấy một góc nhìn khoáng đạt và khách quan hơn khá nhiều.
Nó ít màu sắc chính trị và chủ nghĩa dân túy hơn nhiều so với các học giả Trung Quốc lớn tuổi, đặc biệt là những người xuất thân từ quân đội.
Có thể xem bình luận của tác giả Nhiếp Huệ Huệ về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như một thành công trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Cá nhân người viết chỉ xin nói rõ thêm vài điều.
Thứ nhất, việc chủ động tìm hiểu chính sách mới của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump không có gì là lạ.
Đồng minh, đối tác lẫn đối thủ của Mỹ đều phải làm việc này. Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và ngay cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đều phải chủ động tiếp cận ông ấy.
Nếu tác giả Nhiếp Huệ Huệ dùng từ "mua, mua và mua" để miêu tả chuyến thăm nước Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam, thì đây cũng chính là những gì tỉ phú Trung Quốc Jack Ma phải làm để dọn đường cho ông Tập Cận Bình đi Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau lần đầu tiên tại Mar-a-Lago, Florida, ảnh: AP. |
Thứ hai, không chỉ các nước chủ động tiếp cận chính quyền mới ở Mỹ, mà Tổng thống Donald Trump vừa qua cũng rất chủ động trong việc liên hệ với các đối tác và đồng minh, đối thủ.
Thậm chí ông Donald Trump đã có những nước cờ chưa từng có tiền lệ, như điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về vấn đề Triều Tiên.
Cũng chính tân chủ nhân Nhà Trắng lần đầu tiên cho tàu chiến diễn tập tuần tra bên trong 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn...hay mới nhất là cho 2 máy bay ném bom B-1B Lancer bay từ Guam đến Biển Đông tuần tra cùng tàu khu trục USS Sterett hôm thứ Năm 8/6. [2]
Nói điều này để thấy rằng, Hoa Kỳ và Việt Nam có chung lợi ích trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải hàng không, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Hoa Kỳ vẫn là cường quốc có lợi ích và cam kết chặt chẽ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Từ thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã tuyên bố rõ ràng và dứt khoát lập trường của họ trên Biển Đông:
- Mỹ trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ.
- Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia cốt lõi trong việc bảo vệ an ninh và tự do hàng hải, hàng không, luật pháp quốc tế ở Biển Đông, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và sau này là Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.
- Mỹ phản đối yêu sách đường lưỡi bò phi lý, phi pháp và bành trướng của Trung Quốc, cũng như bất kỳ đòi hỏi nào quá mức cho các cấu trúc địa lý ở Biển Đông.
(Ví dụ như Trung Quốc muốn có lãnh hải tối đa 12 hải lý cho các bãi cạn lúc chìm lúc nổi, hay đảo nhân tạo xây dựng trên các rặng san hô, bãi cát ngầm; hoặc vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý cho các đảo không phù hợp với đời sống con người, không có đời sống kinh tế riêng).
Mỹ đã lật bài ngửa về Biển Đông tại Đối thoại An ninh Shangri-la |
Các hoạt động tuần tra của tàu chiến Mỹ ngày 24/5 ở Vành Khăn hay máy bay ném bom Mỹ trên bầu trời Biển Đông hôm 8/6, những phát biểu rõ ràng của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho thấy rõ sự tiếp nối nhất quán của các lập trường này.
Những hợp đồng mua bán tổng trị giá 8 tỉ USD ký kết trong chuyến thăm chính thức nước Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thể hiện nhu cầu, vừa cho thấy thiện chí của hai bên trong việc thu hẹp cán cân thương mại song phương.
Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác đều không thể "dụ" được Mỹ, một khi Washington không có lợi ích thực sự ở Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương.
Thực tiễn này là một minh chứng sống động để bác bỏ các lập luận và tuyên truyền của Trung Quốc mà rất có thể tác giả Nhiếp Huệ Huệ buộc phải nói theo chính phủ của mình, rằng Việt Nam muốn "được Mỹ chống lưng cho các hành động xâm hại quyền lợi ở Biển Đông".
Thứ ba, nhà nghiên cứu Nhiếp Huệ Huệ có nhiều bài viết về Việt Nam, có thể tác giả biết tiếng Việt hoặc tiếng Anh, người viết hy vọng tác giả tham khảo bản Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. [3]
Cá nhân người viết đánh giá, đây là một trong những bản tuyên bố chung toàn diện nhất, sâu sắc nhất và chiến lược nhất từ trước đến nay.
Nó không chỉ đề cập các vấn đề hợp tác và chia sẻ lợi ích song phương với tầm nhìn dài hạn trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện đại.
Tuyên bố chung này còn thể hiện những hoạt động hợp tác cụ thể nhưng có ý nghĩa chiến lược sâu sắc, ví như hai bên bàn bạc để tàu sân bay Mỹ ghé thăm cảng của Việt Nam, hay lần đầu tiên nhắc đến hợp tác an ninh - tình báo.
Còn về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, chúng tôi cho rằng bình luận của tác giả Nhiếp Huệ Huệ đã có thể giúp nhà báo Triệu Linh Mẫn hiểu rõ tại sao người Việt Nam lại quý trọng Nhật Bản như vậy.
Tuy nhiên, bình luận Việt Nam cần nước nào hơn nước nào chỉ phản ánh nhận thức và quan điểm của cá nhân tác giả Nhiếp Huệ Huệ.
Nhận định của tác giả rằng Việt Nam "lợi dụng" Nhật Bản mang nhiều màu sắc cảm xúc, có thể khiến dư luận hiểu sai bản chất các quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.
Người viết cho rằng, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước yêu chuộng hòa bình và công lý.
Người Việt luôn luôn hiểu rất rõ và trân trọng xứng đáng những đối tác nào thực sự đóng góp cho sự phát triển của mình, và cũng đủ tỉnh táo để biết ai thật lòng, ai đầu môi chót lưỡi.
Cả Việt Nam và Nhật Bản đều là láng giềng của Trung Quốc, muốn chung sống hòa bình, chia sẻ cơ hội và thịnh vượng với Trung Quốc, hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và thượng tôn luật pháp quốc tế.
Những mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ, hàng hải hay các lợi ích khác cần được giải quyết trên cơ sở thiện chí, khách quan, cầu thị và thượng tôn pháp luật.
Do đó mọi hoạt động đối ngoại của Việt Nam chỉ nhằm tìm kiếm cơ hội canh tân đất nước, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đồng thời chung sức bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế.
Việt Nam, Nhật Bản hay Hoa Kỳ không rảnh đi làm những chuyện không đâu như ai đó tưởng tượng, rằng "bao vây" hay "kiềm chế" Trung Quốc.
Còn cái gì Trung Quốc sai, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia, khu vực, thì rõ ràng khu vực, cộng đồng quốc tế phải đấu tranh chống lại cái sai quấy ấy.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://opinion.china.com.cn/opinion_54_166354.html
[2]http://www.reuters.com/article/us-china-usa-southchinasea-idUSKBN1900YY