Khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc đã được tiên tri trước

25/08/2015 13:59
Nguyễn Hường
(GDVN) - Kenneth Rogoff, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Harvard cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Trung Quốc đã được tiên tri từ lâu.

Thị trường chứng khoán của nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Á hôm 24/8 đã chứng kiến một biến cố mà giới chuyên gia gọi là "Ngày thứ Hai đen tối" khi chỉ số chứng khoán Thượng Hải liên tiếp sụt giảm mạnh xuống mức tồi tệ nhất kể từ năm 2007, RIA Novosti ngày 25/8 cho biết.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã bị tác động mạnh mẽ bởi những cơn rung chấn từ thị trường chứng khoán Trung Quốc khi nhiều mã chứng khoán sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 24/8.

Tỷ phú, ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh Rian.
Tỷ phú, ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh Rian.

Phản ứng trước tình hình trên, ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đã lên tiếng cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ.

"Chúng tôi đã quá gắn bó với thị trường Trung Quốc và bây giờ nó tấn công lại thị trường Mỹ", ông Trump nói.

Tờ New York Times hôm 24/8 dẫn lời Kenneth Rogoff, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Harvard cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Trung Quốc đã được tiên tri từ lâu. 

Ông Rogoff, người đã dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro, đã nhiều năm cố gắng cảnh báo về mối đe dọa tiềm ẩn tới nền kinh tế toàn cầu từ Trung Quốc nhưng không ai chịu lắng nghe.

"Trong kinh tế học, có nhiều thứ phải mất nhiều thời gian hơn bạn nghĩ mới xảy ra. Nhưng khi chúng xảy ra rồi, chúng sẽ diễn ra nhanh hơn bạn nghĩ", ông Rogoff cho biết hôm 24/8.

Rogoff từng là một kiện tướng cờ vua đã dành nhiều năm nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng tài chính. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, ông cùng một người bạn đã cho ra mắt cuốn sách "This Time Is Different", trong đó phân tích các cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trong 8 thế kỷ qua. 

Ông và đồng tác giả Carmen M. Reinhart đã đưa ra kết luận rằng các cuộc khủng hoảng tài chính đều bắt nguồn từ những vấn đề đơn giản như: nợ quá nhiều.

Kenneth Rogoff, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Harvard, kiện tướng cờ vua và chuyên gia nghiên cứu khủng hoảng kinh tế. Ảnh New York Times.
 Kenneth Rogoff, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Harvard, kiện tướng cờ vua và chuyên gia nghiên cứu khủng hoảng kinh tế. Ảnh New York Times. 

Gánh nợ của Trung Quốc đã tăng từ 7 nghìn tỷ USD trong năm 2007 lên 28 nghìn tỷ trong giữa năm 2014,  theo một báo cáo được công bố đầu năm nay của công ty tư vấn McKinsey & Company, Trung Quốc. Nợ của Trung Quốc đang chiếm 1/3 GDP, mức quá cao so với Mỹ và Đức. Nhưng làm thế nào Trung Quốc lại đang ôm nợ quá nhiều vẫn là một câu hỏi mở chưa thể tìm được câu trả lời do thị trường Trung Quốc thiếu minh bạch. 

Theo ông Rogoff, các yếu tố dẫn tới sự cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Trung Quốc là do chính sách quản lý yếu kém và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Một số nguyên do khác xuất phát từ việc một nửa các khoản vay này có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến bất động sản Trung Quốc, tài khoản ngân hàng ngầm không được kiểm soát và các khoản nợ không có khả năng thanh toán của nhiều chính quyền địa phương.

Ngoài ra, các vụ nổ gần đây ở Thiên Tân đã ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ Trung Quốc vì có quá nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời, các phản ứng không đầy đủ.

Ông Rogoff không phải là người đầu tiên tiên đoán Trung Quốc là một nguy cơ tiềm ẩn. Đầu năm nay, Henry M. Paulson Jr., cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã cảnh báo rằng hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cú sốc và một làn sóng rủi ro từ tín dụng và tái cơ cấu nợ. 

Đối với các thị trường mới nổi, để tránh lâm vào cảnh đổ vỡ như Trung Quốc nên học tập Brazil và đặc biệt là Nga, quốc gia đã không vấp phải một cuộc khủng hoảng tài chính nào trong nhiều năm qua, ông Rogoff khuyên.

Trước những lo ngại rằng khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc có thể dẫn tới một cuộc suy thoái toàn cầu, ông Rogoff cho rằng với hàng nghìn tỷ đô la dự trữ, Bắc Kinh có thể có đủ công cụ để ngăn chặn thảm họa đó lây lan trên toàn thế giới, ít nhất là trong ngắn hạn. 

Hơn nữa, Bắc Kinh sẽ nhanh chóng tìm kiếm các biện pháp có thể trấn an dư luận và thuyết phục thế giới cũng như người dân của mình rằng họ có thể kiểm soát được thị trường và tăng trưởng kinh tế. Nguyên do là các cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến một cuộc khủng hoảng xã hội và tiếp đó là một cuộc khủng hoảng chính trị - điều Bắc Kinh thực sự thường rất lo sợ.

Nguyễn Hường