Mỹ truy sát phiến quân sát hại Đại sứ Mỹ tại Libya

04/10/2012 13:05
Bảo Thành (Nguồn: RT)
(GDVN) - Tình báo và quân đội Mỹ đang truy lùng nhằm bắt sống hoặc tiêu diệt các phiến quân tham gia vào vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Libya và sát hại Đại sứ Christopher Stevens và 3 người Mỹ, bất chấp việc chính phủ Libyan yêu cầu người nước ngoài không tham chiến tại đất nước này.
Báo RT của Nga ngày 03/10 đưa tin, tình báo và quân đội Mỹ đang truy lùng nhằm bắt sống hoặc tiêu diệt các phiến quân tham gia vào vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Libya và sát hại Đại sứ Christopher Stevens và 3 người Mỹ, bất chấp việc chính phủ Libyan yêu cầu người nước ngoài không tham chiến tại đất nước này.

Các binh sĩ đặc nhiệm thuộc JSOC
Các binh sĩ đặc nhiệm thuộc JSOC

Tờ New York Times cho hay, Bộ chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt Liên quân (JSOC) hiện đang thu thập thông tin về vụ tấn công này và lên kế hoạch tấn công bằng máy bay không người lái hoặc đột kích vào các nghi can.

Một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết: “Họ đang ghép nối thông tin về nơi ở, các thành viên gia đình và bạn bè của các phiến quân này cũng như thông tin về tiểu sử của họ.”

Các phiến quân Hồi giáo tại Libya
Các phiến quân Hồi giáo tại Libya

Tuy Tổng thống Barack Obama chưa ra lệnh tấn công các nghi can nhưng JSOC vẫn đang chuẩn bị cái mà các quan chức quân sự cấp cao gọi là “gói mục tiêu” chờ lệnh của Tổng thống.

Hồi tháng trước, Tổng thống Obama đã tuyên bố “không phạm sai lầm, thực thi công lý” và hứa sẽ có biện pháp trừng trị những kẻ tấn công vào lãnh sự quán.

Các hồ sơ tình báo này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Obama đang bị chỉ trích vì không chỉ ra được nguyên nhân gây ra vụ tấn công. Ban đầu Nhà Trắng cho rằng vụ tấn công này là phản ứng bạo lực trước bộ phim phỉ báng đạo Hồi, sau đó lại xác định rằng đây là một vụ tấn công khủng bố nhân kỉ niệm vụ 11/9.

Nhưng dù Mỹ thực hiện bất cứ hình thức tấn công nào với các phiến quân này thì cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ với Libya.

Thủ tướng Libya Mustafa Abu Shagur
Thủ tướng Libya Mustafa Abu Shagur

Để thực hiện được các vụ tấn công đó, quân đội Mỹ sẽ phải tiến vào lãnh thổ Libya trái với yêu cầu của chính phủ nước này. Thủ tướng Libya Mustafa Abu Shagur một mặt chỉ trích “vụ tấn công khủng bố hèn nhát” vào Lãnh sự quán Mỹ, một mặt cho rằng những kẻ cực đoan ở nước ông chỉ chiếm thiểu số “từ 100 đến 150 tên”. Ông phản đối bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của nước ngoài trên lãnh thổ Libya ngoài 50 lính Mỹ được bổ sung đến đại sứ quan Mỹ ở Tripoli và hai khu ngoại giao khác.

Tình hình hiện nay ở Libya gần giống như những gì đã diễn ra giữa Mỹ và Pakistan. Mỹ thường bị Pakistan chỉ trích vì xâm phạm chủ quyền của nước này khi không được sự cho phép của chính phủ. Hồi tháng 6, Pakistan đã cáo buộc Mỹ sử dụng máy bay không người lái trên lãnh thổ nước mình giết hại 27 người trong 3 vụ tấn công.

Bảo Thành (Nguồn: RT)