Mỹ-Cu Ba bắt tay hợp tác, Trung Quốc và Nga đón nhận ra sao?

13/04/2015 13:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Tân Hoa Xã bình luận, vì muốn "bóp cổ Nga" nên Mỹ quyết không để Moscow nhận được sự ủng hộ chiến lược ngay tại sân sau của Mỹ, chi bằng "tiên phát chế nhân".
Hội nghị thượng đỉnh Cu Ba - Hoa Kỳ mang ý nghĩa lịch sử, ảnh: Đa Chiều.
Hội nghị thượng đỉnh Cu Ba - Hoa Kỳ mang ý nghĩa lịch sử, ảnh: Đa Chiều.

Đa Chiều ngày 13/4 bình luận, sau một thời gian dài bận rộn với khủng hoảng ở Trung Đông và Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã "tạm dừng chân, quay trở về sân sau của Mỹ" ở Mỹ - Latinh. Ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cu Ba Raul Castro đã có cuộc hội đàm đầu tiên sau gần nửa thế kỷ. Ông Obama gọi đây là một sự kiện lịch sử, trong khi ông Raul Castro ca ngợi Obama là người chính trực.

Hội nghị này không còn là một cái bắt tay xã giao khi 2 nhà lãnh đạo 2 nước từng là địch thủ giáp mặt nhau nên nó gây "chấn động" dư luận toàn cầu. Nhưng "băng dày 3 thước đâu phải bởi cái lạnh một ngày", muốn hóa giải mâu thuẫn không phải việc đơn giản. Bình luận về nguyên do dẫn đến hội nghị này một lúc khó nói hết, một lời khó nói đủ. Vấn đề quan trọng hơn trước mắt là việc Mỹ với Cu Ba bắt tay hợp tác sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khu vực cũng như thế giới.

Dẫn bình luận hãng thông tấn AP, Đa Chiều cho biết, mấy chục năm qua Mỹ vừa cô lập Cu Ba, vừa tìm cách thúc đẩy các hoạt động lật đổ nhà nước Cu Ba. Nhưng giờ đây xu thế đối đầu giữa 2 nước từng suýt nữa thì châm ngòi cho Chiến tranh Thế giới thứ III đã trở thành quá khứ. Từ châu Mỹ đến châu Âu rất nhiều các háng truyền thông lớn đều hoan nghênh chào đón "sự bắt đầu của một thời đại mới". Theo Đa Chiều, phân tích sự kiện này truyên thông Hoa Kỳ đã thấy rõ cái thế "bất đắc dĩ" của Washington.

Nửa thế kỷ cô lập Cu Ba đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Mỹ trong khu vực Mỹ - Latinh và gây nhiều bất mãn. Dẫn nguồn Thời báo New York, Đa Chiều cho biết Tổng thống Argentina đã chỉ trích ông Obama ôm mãi tư duy phong tỏa đã lỗi thời, Tổng thống Bolivia được cho là đã ví ông chủ Nhà Trắng là "nhà độc tài". Năm 2012 Colombia tuyên bố, việc lãnh đạo các nước châu Mỹ không ra được tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh là do "tội" của Obama.

Không chỉ với khu vực Mỹ - Latinh, chính sách phong tỏa của Hoa Kỳ theo Đa Chiều cũng không được lòng cộng đồng quốc tế. Tại diễn đàn Liên Hợp Quốc trong các kỳ họp tháng 9, tháng 10 hàng năm bao giờ cũng có nghị quyết phản đối Mỹ phong tỏa Cu Ba. Đài VOA được Đa Chiều dẫn lời cho biết, thông qua việc mở cửa chào đón Cu Ba, Wahsington hy vọng thiết lập vai trò lãnh đạo của mình đối với khu vực châu Mỹ - Latinh, ở mức độ nào đó gián tiếp thừa nhận Mỹ đã sai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Cu Ba Raul Castro. Ảnh: Daily Mail.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Cu Ba Raul Castro. Ảnh: Daily Mail.

Truyền thông nhà nước Cu Ba đã đưa tin dày đặc về hội nghị thượng đỉnh với Hoa Kỳ, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của hội nghị lần này. Tờ Times Weekly của Đức hôm 12/4 bình luận, 54 năm đối đầu giờ đã qua, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử nhân loại. Theo đài DW của Đức hôm 12/4, việc Hoa Kỳ ký kết hiệp định hạt nhân với Iran và hòa giải với Cu Ba là 2 thành tựu ngoại giao nổi bật nhất của ông Obama trong thời gian làm chủ Nhà Trắng.

Trung Quốc và Nga đón nhận sự kiện này ra sao?

Phiên bản hải ngoại của tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc đã có bài xã luận: "Đằng sau và tiếp sau cái bắt tay giữa Mỹ với Cu Ba", trong đó cho rằng việc chính phủ của ông Barack Obama bắt tay với Raul Castro "đằng sau" có 3 nguyên nhân quan trọng. 

Đầu tiên, chính sách phong tỏa Cu Ba của Mỹ hơn nửa thế kỷ qua cuối cùng đã thất bại triệt để. Thứ hai, chính sách thù địch với Cu Ba đã làm tổn hại chính lợi ích của Mỹ cũng như quan hệ giữa Washington với châu Mỹ - Latinh. Thứ ba, mong muốn của Obama thực hiện tư duy đối ngoại của mình trong thời gian còn lại ở Nhà Trắng là khá mãnh liệt.

Tuy nhiên cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, nhân tố đằng sau cái bắt tay giữa Mỹ và Cu Ba hoàn toàn không thể đảm bảo quan hệ giữa 2 nước sẽ bình thường hóa một cách thuận chèo mát mái. Tiếp sau cái bắt tay, hai bên còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là vấn đề danh sách tài trợ khủng bố, căn cứ Guantanamo, chế tài kinh tế và tài chính cũng như các vấn đề cụ thể về nhân quyền.

Điều quan trọng hơn theo Bắc Kinh là ở chỗ, cái bắt tay giữa Mỹ và Cu Ba không có nghĩa là chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đã có thay đổi căn bản. Nhân Dân nhật báo lập luận, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, nhưng tư duy Chiến tranh Lạnh thì vẫn còn đó, vẫn ám ảnh chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Chỉ cần tư duy này còn tồn tại, thì cùng với việc cải thiện quan hệ với Cu Ba, Washington cũng sẽ tìm cách tạo ra một Cu Ba khác, Nhân Dân nhật báo bình luận. Nhưng dù sao tờ báo này cũng cho rằng, bắt tay giữa Mỹ với Cu Ba là một kết cục hai bên cùng có lợi.

Ngay từ tháng 12 năm ngoái khi Mỹ và Cu Ba phát tín hiệu công khai làm ấm mối quan hệ,  Tân Hoa Xã đã có bài xã luận: "Quan hệ Mỹ - Cu Ba tái khởi động có lẽ nhằm mũi dùi vào Nga". Tân Hoa Xã nói rằng, Cu Ba từng là đồng minh của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Năm 2014 khi Putin thăm Cu Ba đã xóa nợ cho nước này cả tỉ USD, trong lúc Moscow đang bị phương Tây trừng phạt vì khủng hoảng Ukraine, việc Mỹ và Cu Ba bình thường hóa quan hệ không thể không khiến người ta nghi ngờ động thái này của Washington là nhằm vào Nga.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Cu Ba Raul Castro. Ảnh: sierramaestra.cu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Cu Ba Raul Castro. Ảnh: sierramaestra.cu.

Đa Chiều dẫn lời Tân Hoa Xã bình luận, vì muốn "bóp cổ Nga" nên Mỹ quyết không để Moscow nhận được sự ủng hộ chiến lược ngay tại sân sau của Mỹ, chi bằng "tiên phát chế nhân", bình thường hóa quan hệ với Cu Ba trước để chặn "hậu lộ" của Nga.

Tuy nhiên Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã nói với truyền thông rằng, nếu quyết định của Washington bình thường hóa quan hệ với Cu Ba được thực hiện thì nó sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với Nga. Nhưng theo Đa Chiều, mặc dù miệng nói như vậy nhưng thực tế không thể phủ nhận là kế hoạch xâm nhập sân sau của Mỹ mà Nga theo đuổi sẽ vì việc này mà phải gác lại.

Tháng 7 năm ngoái từng có nguồn tin nói rằng Cu Ba và Nga đã ký hiệp định về nguyên tắc xung quanh việc Nga thiết lập một căn cứ theo dõi, nghe trộm tàu ngầm Mỹ tại Cu Ba. Theo Đa Chiều, việc Mỹ "lôi kéo Cu Ba" chống Nga khó có khả năng thành hiện thực.

Ngoài ra trung Quốc cũng đã nhanh chân thay đổi chiến lược ngoại giao. Kể từ khi dàn lãnh đạo mới lên nắm quyền, Bắc Kinh đã theo đuổi chiến lược ngoại giao nước lớn. Đầu năm 2014 Trung Nam Hải đã tìm cách "thu hẹp khoảng cách" với châu Mỹ - Latinh, làm dấy lên lo ngại từ phía Mỹ. Ảnh hưởng của Bắc Kinh ở sân sau của Mỹ ngày càng gia tăng khiến Washington có lúc cảm thấy tuyệt vọng.

Những năm gần đây Trung Quốc không ngừng tăng cường hợp tác chính trị, kinh tế và thương mại với châu Mỹ - Latinh. Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang nhằm mục đích lật đổ địa vị thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ ngay tại sân sau của Mỹ nên việc Obama chủ động hiếm thấy trong việc "lôi kéo" Cu Ba cũng là điều không khó lý giải.

Hồng Thủy