Rác vệ tinh Trung Quốc va phải vệ tinh của Nga

10/03/2013 07:54
Nguyễn Hường (nguồn RT)
(GDVN) - Một vệ tinh của Nga trong quỹ đạo đã bị tàn dư của một vệ tinh Trung Quốc va phải. Đây là lần thứ 2 thế giới ghi nhận một vệ tinh đang hoạt động va chạm với một đối tượng nhân tạo trong quỹ đạo.
Vụ va chạm xảy ra giữa vệ tinh BLITS của Nga với mảnh vỡ của vệ tinh Fengyun 1C của Trung Quốc -  Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Không gian và Sáng tạo (CSSI), có trụ sở tại Colorado Springs, Colorado, Mỹ cho biết.

Mảnh vỡ từ vệ tinh cũ của Trung Quốc đã va phải một vệ tinh của Nga hôm 21.1 nhưng tới ngày 28.2 mới được xác nhận.
Mảnh vỡ từ vệ tinh cũ của Trung Quốc đã va phải một vệ tinh của Nga hôm 21.1 nhưng tới ngày 28.2 mới được xác nhận.

Vụ va chạm xảy ra hôm 21.1 nhưng phải mất hơn một tháng các nhà khoa học mới có thể xác định được chính xác những gì đã xảy ra. 
Kết quả của vụ va chạm đã khiến BLITS thay đổi tốc độ quay cũng như độ cao. BLITS nặng 7.5kg, còn trọng lượng của mảnh vỡ được xác định nặng khoảng 0,08 gram.

Những tàn dư của vệ tinh Trung Quốc được gọi là "rác vũ trụ" sót lại trong quỹ đạo sau khi Trung Quốc phá hủy nó năm 2007 vì Fengyun 1C đã phục vụ quá tuổi đời của nó. 

Vệ tinh BLITS của Nga.
Vệ tinh BLITS của Nga.
Rác vũ trụ là một mối đe dọa đối với các vệ tinh và tàu vũ trụ từ lâu nay. Nhưng còn có những bận tâm về các mối nguy cơ khác đến từ một kế hoạch quốc phòng của Trung Quốc, trong đó chế tạo tên lửa để phá hủy các vệ tinh trong không gian, nếu cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lo ngại rằng điều đó sẽ giúp Trung Quốc có khả năng tấn công các vệ tinh của Mỹ

Mối đe dọa từ rác vũ trụ đối với các vệ tinh và tàu vũ trụ cũng ngày càng tăng. Theo NASA, rác vũ trụ đã tạo thành các đám mây xung quanh Trái đất với 500.000 đối tượng lớn hơn đá cẩm thạch và 22.000 đối tượng lớn hơn một quả bóng mềm. Số lượng mảnh vỡ có đường kính dưới 1mm lên tới hàng trăm triệu.

Nguyễn Hường (nguồn RT)