Ông Tập Cận Bình, ảnh: Daily Mail/Getty. |
South China Morning Post ngày 19/8 bình luận, vụ nổ chấn động Thiên Tân, Trung Quốc hôm 12/8 không chỉ cướp đi hơn một trăm sinh mạng, mà nó còn giáng một đòn chính trị vào bộ đôi lãnh đạo nước này, ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường. Thảm họa xảy ra ở một kho lưu trữ hóa chất độc hại nằm ngay trong lòng đô thị Đông Bắc đã gây ra sự giận dữ của công chúng về thất bại của chính phủ trong nhận thức và xử lý khủng hoảng.
Trương Lập Phàm, một nhà bình luận chính trị từ Bắc Kinh nói với South China Morning Post: "Nó chắc chắn là đòn chính trị lớn nhất với chính quyền Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường. Vụ nổ cho thấy lỗ hổng ăn sâu vào hệ thống chính trị mà các nhà lãnh đạo đã không thể giải quyết, thất bại trong xử lý hậu quả khủng hoảng".
Xigen Li, một giáo sư Đại học Thành phố Hồng Kông cho rằng, quy mô chưa từng có của thảm họa đã trở thành thách thức cho chính phủ Trung Quốc trong việc đối phó kịp thời. Các nhà lãnh đạo nước này phải đối mặt với giận dữ ngày càng tăng của công chúng về vụ nổ khi hàng loạt câu hỏi đặt ra đã không có câu trả lời thỏa đáng.
Công nhân tại kho hóa chất có được đào tạo về an toàn phòng chống cháy nổ hay không? Nhân viên cứu hỏa có được thông báo đúng về bản chất vụ nổ trước khi họ đến hiện trường hay không? Không khí của Thiên Tân có đủ trong lành để thở và có thể sử dụng được nguồn nước sau vụ nổ hay không? Người dân đã thất vọng với những báo cáo chậm trễ của chính phủ và truyền thông nhà nước.
Steve Tsang, một thành viên Viện Chính sách Trung Quốc Đại học Nottingham cho rằng chính phủ Trung Quốc "không thông minh" trong đối phó với thảm họa. Đầu tiên dư luận không thể biết tại sao vụ nổ xảy ra và xảy ra như thế nào. Vấn đề thứ 2 là chính phủ kiểm soát thông tin, hạn chế đưa tin trong tình huống có thể gây nguy hiểm với sức khỏe người dân, y tế công cộng.
Ông Lý Khắc Cường đến hiện trường vụ nổ hôm Chủ Nhật 16/8, 4 ngày sau khi xảy ra thảm họa. Ảnh: Reuters. |
"Nếu các vấn đề về sức khỏe người dân sau vụ nổ phát sinh, người ta sẽ lên án chính phủ và gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín nhà nước cũng như các lãnh đạo hàng đầu", Steve Tsang nói. Không chỉ nạn nhân mà ngay cả thành viên gia đình các nhân viên cứu hỏa thiệt mạng cũng đang phải tự hỏi liệu con em họ có phải đã đối mặt với một "đám cháy hóa học" hay không.
Trong khi đó các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc phản ứng khá chậm cháp do sự phức tạp của tình hình. Một số người dân cảm thấy tức giận bởi sự xuất hiện muộn màng của các nhà lãnh đạo hàng đầu tại hiện trường thảm họa. Ông Tập Cận Bình vẫn chưa đặt chân đến đây, trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường mãi ngày Chủ Nhật 16/8 mới có mặt, vụ nổ xảy ra hôm 12/8.
Với những sự vụ tương tự thế này, người tiền nhiệm của ông Cường là Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ "lao ngay đến hiện trường" để trấn an công chúng, trong khi một Phó Chủ tịch của Thiên Tân phụ trách an toàn các khu công nghiệp mãi tới Thứ Hai 17/8 mới tổ chức họp báo trả lời câu hỏi của dư luận kể từ khi xảy ra vụ nổ.
Tsang cho rằng, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã đánh mất cơ hội chứng minh sự quan tâm của họ với người dân, bởi Thiên Tân cách Bắc Kinh và Bắc Đới Hà khá gần. Chương trình nghị sự cho thấy ông Bình đã quan tâm, ưu tiên về việc họp bàn cải tổ nhân sự, cải cách quân đội hơn là xử lý khủng hoảng vụ nổ Thiên Tân.
Laurence Brahm, một nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh nói: "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như cân nhắc bức tranh lớn hơn về chính trị chứ không phải hóa chất trước khi xác định những gì cần được thông báo và những gì không".