Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp ông Dương Khiết Trì. |
Tờ Đa Chiều của người Hoa hải ngoại ngày 19/6 bình luận, việc ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc sang Việt Nam dự hội nghị Ban chỉ đạo hợp tác Việt - Trung thường niên trong lúc Biển Đông căng thẳng (do Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - PV) đã khiến một bộ phận người Trung Quốc cho rằng "không đúng lúc".
"Tự chui đầu vào rọ" chỉ vì "nhận lời mời" sang Việt Nam?
Đa Chiều tiếp tục luận điệu xuyên tạc của truyền thông Trung Quốc, cố tình bóp méo bản chất vụ giàn khoan 981 xâm phạm VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ, THỀM LỤC ĐỊA Việt Nam thành "Việt Nam cố tình tranh chấp quần đảo Hoàng Sa với Trung Quốc" để sau đó phủ nhận rằng không có tranh chấp ở đây. Tiếp đó tờ báo này giả đò "chỉ trích" Dương Khiết Trì "nhận lời mời của Việt Nam sang dự hội nghị Ủy ban chỉ đạo hợp tác Việt - Trung thường niên là đã trúng kế của Việt Nam, tự chui đầu vào rọ".
Tiến sĩ Trần Công Trục: Ông Dương Khiết Trì sẽ nói gì?
(GDVN) - Quan trọng nhất khi đối thoại, đàm phán với Trung Quốc là Việt Nam cần tiếp tục ngọn cờ độc lập tự chủ, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.
Cần phải nói rõ ở đây, vụ giàn khoan 981 và chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là 2 việc có bản chất hoàn toàn khác nhau, mặc dù căng thẳng leo thang đều là phía Trung Quốc đã chủ động gây hấn (giàn khoan 981), xâm lược biển đảo (Hoàng Sa) của Việt Nam.
Mặt khác, hội nghị thường niên của Ủy ban chỉ đạo hợp tác Việt - Trung vốn được lên kế hoạch trước, mặc dù sau đó có bị trì hoãn do phía Trung Quốc leo thang trên biển đồng thời đóng mọi cánh cửa đối thoại với Việt Nam, thiết nghĩ nó có diễn ra thì cũng là hành động hết sức bình thường và chẳng có gì để Việt Nam "lừa" Trung Quốc ở đây.
Hơn nữa, cho đến nay chưa có bất cứ thông tin nào chính thức từ các cơ quan chức năng của Việt Nam công bố cho thấy "Việt Nam mời ông Dương Khiết Trì sang thăm".
Một nhà ngoại giao sành sỏi, lão luyện và được dư luận đánh giá là cứng rắn trong việc theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc như ông Dương Khiết Trì dễ gì để người khác lừa như Đa Chiều (giả đò) chỉ trích? Tờ báo này đã đánh giá quá thấp ông Trì hay đằng sau còn ẩn ý nào khác?
Dương Khiết Trì sang Việt Nam lúc này làm giảm sức uy hiếp?!
Đa Chiều lập luận, hội nghị thường niên Ủy ban chỉ đạo hợp tác Việt - Trung được lãnh đạo 2 nước xác lập vào tháng 8/2006, tổ chức luân phiên tại Trung Quốc và Việt Nam hàng năm, nhưng tới năm 2013 ủy ban này mới tổ chức được 6 kỳ hội nghị và bị gián đoạn 2 năm, 2007 và 2012, nguyên nhân gián đoạn đều liên quan đến căng thẳng trên Biển Đông.
(Năm 2007 Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" để "quản lý" hầu như toàn bộ Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Tháng 6/2011 tàu Hải giám Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam, năm 2012 nổ ra khủng hoảng Scarborough giữa Trung Quốc với Philippines).
Khủng hoảng mang tên giàn khoan 981 năm nay căng thẳng hơn nhiều so với năm 2007, 2012 khi "lực lượng vũ trang Trung Quốc, Việt Nam tập trung lực lượng giáp mặt nhau ở (cái gọi là) vùng biển Tây Sa, Trung Quốc hoàn toàn có quyền chủ động hủy bỏ hội nghị Ủy ban chỉ đạo hợp tác Việt - Trung như đã làm năm 2007, 2012, tại sao Dương Khiết Trì lại sang Việt Nam? Làm như vậy sẽ khiến giảm sức uy hiếp của Trung Quốc đối với Việt Nam"?! Đa Chiều lập luận.
Trong buổi tiếp ông Dương Khiết Trì, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rõ: Lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi. |
Ở đây, tờ Đa Chiều tiếp tục bóp méo thực tế là chỉ có Trung Quốc điều ít nhất 6 chiến hạm 4 máy bay quân sự ra khu vực giàn khoan để uy hiếp Việt Nam thành cái gọi là "lực lượng vũ trang Việt Nam - Trung Quốc tập trung giáp mặt nhau" ở Hoàng Sa. Việt Nam chỉ có tàu công vụ của các lực lượng thực thi pháp luật theo đúng Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không phải cái gọi là "vùng biển Tây Sa" như Trung Quốc nói.
Đa Chiều: Ông Dương Khiết Trì "vừa gây sức ép vừa lôi kéo" Việt Nam?!
(GDVN) - Việc ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đã "lặng lẽ" đến Hà Nội khiến dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Mặt khác, Việt Nam không thể dụ dỗ hay ép buộc ông Dương Khiết Trì tham dự hội nghị Ủy ban chỉ đạo hợp tác Việt - Trung nếu Bắc Kinh thực sự không muốn, còn tại sao Trung Nam Hải phái ông Dương Khiết Trì sang Việt Nam thời điểm này với thái độ hết sức cứng rắn, kiên quyết không chịu xuống thang gây hấn ở Biển Đông thì chỉ có Bắc Kinh mới biết.
Và bản thân Đa Chiều cũng đã tự để lộ "đuôi" trong bài lập luận này khi cho rằng, Dương Khiết Trì đi Việt Nam đã làm giảm sức "uy hiếp" của Trung Quốc đối với Việt Nam. Phải chăng "uy hiếp" mới là mục đích chính của Trung Quốc?
Trung Quốc đóng cửa đối thoại từ đầu, rồi lại bất ngờ cử Dương Khiết Trì sang Hà Nội khiến dư luận "hiểu lầm"?!
Lý do thứ 2 mà Đa Chiều đưa ra để biến Dương Khiết Trì và Trung Quốc thành "nạn nhân" là việc ngay từ khi nổ ra khủng hoảng giàn khoan 981, Trung Quốc đã đóng mọi cách cửa đối thoại cấp cao với Việt Nam, thậm chí còn "vạch giới hạn đỏ" với Việt Nam thì tại sao Dương Khiết Trì lại sang Việt Nam lúc này?
Bất luận có giải quyết được vấn đề căng thẳng trên Biển Đông hay không thì chuyến đi của ông Trì đều bị dư luận cho là biểu hiện của Trung Quốc cúi đầu và thay đổi lập trường về vấn đề Hoàng Sa (từ chỗ không thừa nhận có tranh chấp sang thừa nhận có tranh chấp), Đa Chiều bình luận.
Trả lời cho câu hỏi tại sao này của Đa Chiều, có lẽ chỉ Bắc Kinh mới biết chính xác. Nhưng bản thân tờ báo này hôm 17/6 cũng đã tự đưa ra câu trả lời dự đoán, đó là ông Dương Khiết Trì muốn "vừa lôi kéo, vừa gây sức ép" với Việt Nam không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, không được kiện Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trục vạch mặt các "bằng chứng" của Trung Quốc
(GDVN) - Những tư liệu mà phía Trung Quốc gửi tới Liên hợp quốc là cố ý bóp méo sự thật để biện minh cho hành vi sử dụng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974.
Cũng chính Đa Chiều hôm 17 nói rằng chuyến đi Việt Nam của ông Trì khá "lặng lẽ", vậy đó đâu phải 1 "chuyến thăm" trống rong cờ mở để Việt Nam có thể "gài bẫy" ông như tờ báo này nói?
Trong chuyến đi này, thái độ Trung Quốc ngang ngạnh ra sao ai cũng thấy cả. Và các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng khẳng định thái độ kiên quyết, rõ ràng, minh bạch về quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông bằng mọi biện pháp hòa bình. Điều này không thay đổi, và không thể thay đổi. Vì vậy chỉ có thể "cố tình hiểu lầm" như Đa Chiều, chứ không ai hiểu lầm ai ở đây.
Báo chí quốc tế nói gì về mục đích chuyến đi của ông Dương Khiết Trì?
The New York Times hôm 18/6 dẫn lời giới phân tích bình luận, rất có thể ông Trì sẽ nhắc lại sự phản đối (vô lý) của Trung Quốc với những nỗ lực của Việt Nam tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trong việc phản đối Bắc Kinh xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trong vụ giàn khoan 981. Thực tế đã diễn ra như vậy.
Cụ thể hơn, các nhà ngoại giao giấu tên đã nói với tờ báo này, ông Trì sẽ nhấn mạnh rằng Việt Nam không nên tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần hay vật chất nào từ Hoa Kỳ.
Reuters, The Diplomat cũng dẫn bình luận của giới quan sát nhận định trước đó, cuộc tiếp xúc giữa ông Dương Khiết Trì với các nhà lãnh đạo Việt Nam dù là 1 dấu hiệu tích cực, nhưng sẽ có rất ít khả năng đi đến kết quả bởi Trung Quốc đã liên tục khẳng định họ sẽ "không thỏa hiệp về (cái gọi là) chủ quyền lãnh thổ".
Lý Khắc Cường: Bành trướng không có trong gen của người Trung Quốc?!
(GDVN) - "Bành trướng không có trong gen của người Trung Quốc, chúng ta cũng không thể chấp nhận một logic rằng một quốc gia mạnh mẽ là nhất định trở thành bá quyền".
Brantly Womack, giáo sư đại học Virginia chuyên gia về quan hệ đối ngoại hôm 19/6 phát biểu trên The New York Times, Trung Quốc và Việt Nam đã có mối quan hệ hơn 4000 năm, nhưng chỉ có một khoảng thời gian ngắn là hữu hảo, còn Dương Khiết Trì thì được biết đến như một quan chức "ủng hộ quyết liệt" yêu sách chủ quyền (vô lý) của Trung Quốc ở Biển Đông.
The New York Times ngày 19/6 cũng bình luận, cả 2 bên Trung Quốc và Việt Nam trong cuộc tiếp xúc với Dương Khiết Trì đều kiên quyết không thay đổi quan điểm. Việt Nam kêu gọi đàm phán đối thoại giải quyết vấn đề trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS còn Trung Quốc lại khăng khăng rằng "không có tranh chấp ở Hoàng Sa".
Theo chính truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, trong cuộc tiếp xúc với phía Việt Nam ông Trì vẫn tiếp tục (luận điệu kẻ cả, sai trái) tuyên bố rằng tàu Việt Nam "quấy rối hoạt động bình thường của giàn khoan Trung Quốc" và Bắc Kinh "sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền quốc gia của mình"?!
Trước thái độ thách thức này của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam một mặt vẫn tỏ rõ thiện chí mong muốn đối thoại hòa bình xử lý căng thẳng, một mặt khẳng định rõ lập trường nhất quán về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông theo UNCLOS là không thay đổi, và không thể thay đổi.
Như vậy có thể thấy, không những tiếp tục luận điệu vu cáo, bôi nhọ cho đến đe dọa, uy hiếp Việt Nam về mặt dư luận như các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, Đa Chiều lại sử dụng 1 thủ đoạn mới để đánh lạc hướng dư luận về vụ giàn khoan 981, đó là biến mình thành nạn nhân, hay nói cách khác là ăn vạ.
Nhưng tất cả những điều này không thể thay đổi 1 thực tế, Trung Quốc đang xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời đánh tráo khái niệm để gây khó dễ cho Việt Nam, và điều đó sẽ không lừa được ai.