Tân Hoa Xã: Chạy đua tàu ngầm ở Biển Đông, thực lực Việt Nam tăng mạnh

19/01/2015 11:08
Hồng Thủy
(GDVN) - Không chỉ có Hoa Kỳ hiện diện ở Biển Đông vì muốn "kiềm chế Trung Quốc" mà ngay cả Nga cũng nhảy vào để bán vũ khí, báo Trung Quốc lưu ý.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ Thượng cờ 2 tàu ngầm Kilo 636MV đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Tuoitrenews.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ Thượng cờ 2 tàu ngầm Kilo 636MV đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Tuoitrenews.

Tân Hoa Xã ngày 19/1 dẫn nguồn tạp chí Liêu Vọng cho biết, gần đây có nguồn tin nói rằng 3 chiếc tàu ngầm Kilo 636 Việt Nam mau của Nga đã đóng xong và hạ thủy, chỉ trong 5 năm ngắn ngủi lực lượng bộ đội tàu ngầm Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng. Tờ báo Trung Quốc bình luận, Việt Nam là quốc gia có thực lực quân sự mạnh nhất trong số các nước láng giềng Trung Quốc ven Biển Đông.

Tiếp tục luận điệu bịa đặt, xuyên tạc quen thuộc trong vấn đề Biển Đông, Tân Hoa Xã và Liêu Vọng tuyên truyền: "để bảo vệ những vùng biển có được do bành trướng, hải quân Việt Nam phát triển lực lượng tàu ngầm là một kế hoạch đã được nung nấu từ lâu"?!

Cả khu vực và thế giới đều biết, chính Trung Quốc mới là kẻ bành trướng trên Biển Đông với đường lưỡi bò tham lam có tiếng. Chính vì những mối đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần phát triển năng lực phòng thủ, đặc biệt là tàu ngầm - PV.

Báo Trung Quốc nói, ngay từ những năm 1990 Việt Nam đã ký hiệp định "đổi gạo lấy vũ khí" với Bắc Triều Tiên, trong đó đã đổi thành công 2 chiếc tàu ngầm loại nhỏ lớp Ngọc Cao do Triều Tiên chế tạo và đưa về đóng tại cảng Cam Ranh.

Tân Hoa Xã bình luận, đối với Việt Nam mà nói 2 chiếc tàu ngầm loại nhỏ này chẳng qua chỉ là "món khai vị". Mục tiêu của Việt Nam là sở hữu tàu ngầm tấn công tên lửa, ngư lôi cỡ lớn. Năm 2009 Việt Nam đã ký với Nga hợp đồng mua 6 chiếc Kilo 636 MV với tổng trị giá 1,8 tỉ đô la Mỹ.

Đến cuối năm 2014 đã có 3 chiếc tàu ngầm được phía Nga giao hàng và hiện đang huấn luyện tại cảng Cam Ranh. Chiếc thứ 4 hiện đã hạ thủy, chiếc thứ 5 sẽ hạ thủy trong quý 1 năm nay, và chiếc thứ 6 dự kiến sẽ được giao hàng nốt cho Việt Nam trong năm 2016.

Từ cuối thập niên 90 Trung Quốc đã mua tàu ngầm Kilo 636 của Nga, điều khác là Việt Nam mua được "phiên bản cải tiến". Đầu tiên tầu ngầm Kilo Nga bán cho Việt Nam đã được trang bị một cụm hỏa lực chống hạm tiên tiến, bao gồm thệ thống tên lửa hành trình chống hạm siêu âm 3M54E1 với tầm bắn 300 km.

Tầm bắn này sẽ giúp tàu ngầm Việt Nam tăng đáng kể phạm vi phòng ngự. Trước đó Thời báo Hoàn Cầu từng dẫn nguồn tin mạng công nghiệp quân sự Nga cho biết, tầm bắn tên lửa gắn trên tàu ngầm Việt Nam bao trùm lên cả các căn cứ quân sự Trung Quốc ở đảo Hải Nam, thậm chí có thể đánh vào tận sào huyệt của hạm đội Nam Hải ở Quảng Đông, Trung Quốc.

Lần này Kilo 636 phiên bản cải tiến còn được trang bị ngư lôi phức hợp loại mới GE2-01. Loại ngư lôi này đã giảm đáng kể tạp âm dưới nước khiến cho các chiến thuật sử dụng đa dạng hơn, làm tăng đáng kể uy lực.

Tạp chí quân sự Kanwa tại Canada thì "tiết lộ" rằng Việt Nam đang xây dựng căn cứ tàu ngầm ở Nha Trang, cách cảng Cam Ranh 60 km về phía Bắc. Các tàu ngầm được bố trí tại đây có thể nhanh chóng cơ động ra Biển Đông thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, giám sát hoặc tấn công chống lại các mối uy hiếp nhằm vào hải quân Việt Nam đang đóng tại quần đảo Trường Sa.

Tàu ngầm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Talk Vietnam.
Tàu ngầm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Talk Vietnam.

Ngoài ra theo Liêu Vọng và Tân Hoa Xã, Việt Nam đang nỗ lực tăng cường năng lực chinh sát chống tàu ngầm tầm xa. Trong đó Hoa Kỳ đã cam kết sẽ bán máy bay chống ngầm P-3C cho Việt Nam còn Việt Nam đã cử cán bộ sang Đài Loan để học cách vận hành máy bay này. Điều đó sẽ giúp Việt Nam tăng đáng kể năng lực tác chiến của bộ đội tàu ngầm ở Biển Đông.

Tân Hoa Xã cho rằng, mặc dù các quốc gia ven Biển Đông "ôm mộng" phát triển lực lượng tàu ngầm và Việt Nam, Indonesia, Malaysia cũng đã có được những thành quả ban đầu, nhưng tổng số tàu ngầm của Việt Nam, Malaysia và Indonesia cộng lại cũng không bằng số tàu ngầm Trung Quốc hiện có.

Nguyên nhân trực tiếp khiến các nước ven Biển Đông nhanh chóng phát triển lực lượng tàu ngầm, đầu tiên là vì tính năng "tàng hình" và tấn công chí mạng của nó ở Biển Đông. Lợi dụng nước biển để che giấu mình trong khi mang theo các vũ khí ngày càng tân tiến, tàu ngầm được mệnh danh là sát thủ dưới nước.

Tàu ngầm là lực lượng duy nhất của hải quân tích hợp được các tính năng tàng hình, tập kích, kiên cố, cơ động và hành trình xa với uy lực sát thương rất mạnh. So với lực lượng chiến hạm mặt nước khá tốn kém, thì việc sở hữu một vài chiếc tàu ngầm là lựa chọn tốt nhất đối với các bên yêu sách ở Biển Đông nhưng túi tiền lại khiêm tốn, báo Trung Quốc bình luận.

Ngoài ra ở Biển Đông các tuyến hàng hải dày đặc, các đảo và rặng san hô rải rác là điều kiện phù hợp cho tàu ngầm mai phục. Trong khi năng lực chống tàu ngầm trong khu vực mới ở giai đoạn đầu, thì việc sở hữu một vài chiếc tàu ngầm cũng đã tạo ra ưu thế "phi đối xứng".

Thứ hai, theo báo Trung Quốc các đảo ở Biển Đông dễ thủ khó công, trong khi Việt Nam, Philippines, Malaysia và Bruneil lại gần quần đảo Trường Sa, có lợi thế về địa lý, đồng thời có lợi thế ngay từ chính những hòn đảo, bãi đá, rặng san hô mà các bên này đang chiếm giữ.

Còn Trung Quốc ở xa mãi phía Bắc Biển Đông nên việc duy trì hoạt động (bất hợp pháp) thường xuyên ở Trường Sa gặp khó khăn, Tân Hoa Xã bình luận. Do đó theo tờ báo này, Trung Quốc muốn đánh chiếm các đảo ở Biển Đông, dù lực lượng tàu ngầm của họ có nhiều những cũng không phải Bắc Kinh muốn làm gì thì làm.

Hơn nữa, năng lực chống tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông còn hạn chế, mới chỉ tập trung vào việc đảm bảo an toàn cho các quân cảng và các tuyến hàng hải, đề phòng bị tàu ngầm đối phương mai phục, đột kích. Và để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lực lượng tàu ngầm ở Biển Đông, Trung Quốc đã trang bị mấy chục chiếc trực thăng chống tàu ngầm.

Lực lượng trực thăng này thường xuyên tuần tra xung quanh tuyến đường cơ động của tàu ngầm Trung Quốc nhằm chế áp kịp thời lực lượng tàu ngầm đối phương. Tuy nhiên phạm vi tác chiến của trực thăng vũ trang rất hạn chế, chỉ có thể dùng bảo vệ bản thân biên đội mà khó có khả năng mở rộng. Hơn nữa tốc độ của trực thăng vũ trang khá chậm, khó có thể kịp thời phản ứng với tàu ngầm đối phương.

Ngoài ra theo Tân Hoa Xã và Liêu Vọng, Biển Đông đã trở thành nơi cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới, không chỉ có Hoa Kỳ hiện diện ở Biển Đông vì muốn "kiềm chế Trung Quốc" mà ngay cả Nga cũng nhảy vào để bán vũ khí, báo Trung Quốc lưu ý.

Hồng Thủy