Tập Cận Bình thị uy với láng giềng, chủ động ra tay ở Biển Đông

08/06/2014 06:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Sau 30 năm không tham chiến, Bắc Kinh đang chuẩn bị sử dụng vũ lực để bảo vệ cái gọi là "lợi ích quốc gia cốt lõi" của mình.
Ông Tập Cận Bình đang theo đuổi chiến lược cứng rắn, chủ động ra tay ở Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình đang theo đuổi chiến lược cứng rắn, chủ động ra tay ở Biển Đông.

Đa Chiều, tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 6/6 phân tích, kể từ khi lên nắm quyền Tập Cận Bình đã thay đổi hoàn toàn phong cách giấu mình chờ thời lâu nay, chủ động ra tay ở Biển Đông và biển Hoa Đông với chiến lược đối ngoại hoàn toàn mới gồm 3 mũi giáp công: Hữu hảo, nói lý và thị uy.

Trong lúc Bắc Kinh ra sức "hữu hảo" với Nga, châu Phi, Mỹ - La tinh, Trung Á, ASEAN và đồng thời "nói lý" với cộng đồng quốc tế bằng cách đưa ra các khái niệm mới về an ninh hay "giấc mộng Trung Hoa, phục hưng Trung Quốc" thì điều đáng nói là họ lại dùng thủ đoạn "thị uy thích đáng" với láng giềng.

Sự "thị uy" của giới lãnh đạo Trung Quốc thể hiện rõ nét nhất qua phát biểu của Tập Cận Bình tại hội nghị Bộ Chính trị hôm 28/1/2013: "Trung Quốc mong muốn phát triển, nhưng quyết không hy sinh lợi ích quốc gia của mình. Dù là quốc gia nào cũng đừng mơ Trung Quốc sẽ chấp nhận đem các 'lợi ích cốt lõi' của mình đi đổi chác, đừng mơ Trung Quốc sẽ chấp nhận ăn 'trái đắng' tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia".

Tuyên bố này của Tập Cận Bình cho thấy rõ lập trường mới của lãnh đạo Trung Quốc, nó được giới quan sát xem như dấu hiệu bắt đầu thời đại "mô hình ngoại giao Tập Cận Bình". Từ khi nhậm chức, mỗi lần đi đến đâu Tập Cận Bình cũng ưu tiên thị sát quân đội và nhấn mạnh sẵn sàng chiến đấu với khẩu hiệu: Có lệnh là đi, đã đi là biết đánh và đã đánh là phải thắng.

Gần đây Trung Quốc không ngừng bộc lộ các loại vũ khí chiến lược tiên tiến của mình, tập trận quân sự thường xuyên liên tục dường như cố phát đi thông điệp rằng, sau 30 năm không tham chiến, Bắc Kinh đang chuẩn bị sử dụng vũ lực để bảo vệ cái gọi là "lợi ích quốc gia cốt lõi" của mình, Đa Chiều bình luận. Cuộc khủng hoảng Ukraine vừa qua đã tạo cho Bắc Kinh cơ hội để thực hiện tham vọng này.

Cũng tờ Đa Chiều trước đó bình luận, kẻ chủ động ra tay trên Biển Đông lâu nay luôn luôn là Trung Quốc chứ không phải Việt Nam hay Philippines.

Đá Gạc Ma, Trường Sa bị Trung Quốc cất quân xâm lược năm 1988 và chiếm đóng trái phép từ đó đến nay. Ngoài một công sự nhà nổi kiên cố, Trung Quốc đang âm mưu biến bãi đá này và đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo, mà theo Đa Chiều là nhằm đối phó với không quân Việt Nam, cắm chân lâu dài, độc chiếm Biển Đông.
Đá Gạc Ma, Trường Sa bị Trung Quốc cất quân xâm lược năm 1988 và chiếm đóng trái phép từ đó đến nay. Ngoài một công sự nhà nổi kiên cố, Trung Quốc đang âm mưu biến bãi đá này và đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo, mà theo Đa Chiều là nhằm đối phó với không quân Việt Nam, cắm chân lâu dài, độc chiếm Biển Đông.

Hôm 9/5, Trương Hoài Đông đã bình luận trên Đa Chiều, một khi nổ ra xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Dông thì chắc chắn không phải là va chạm thông thường, quy mô có khả năng còn lớn hơn trận hải chiến 1974, 1988 (Trung Quốc cất quân xâm lược Hoàng Sa và một số bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam - PV).

Tuy nhiên, ông Đông lưu ý rằng mặc dù Trung Quốc "chiến thắng" trong 2 trận hải chiến này (thực tế là xâm lược - PV), nhưng lần này thì khác. Quần đảo Hoàng Sa gần Việt Nam, nếu nổ ra xung đột thì quân đội Trung Quốc khó lòng thoát thân khỏi sự truy kích của không quân Việt Nam.

Cũng tương tự như vậy, đá Chữ Thập (1 trong 6 bãi đá ở Trường Sa mà Trung Quốc xâm lược năm 1988, chiếm đóng và xây dựng căn cứ quân sự trái phép - PV) cách điểm cực Nam đảo Hải Nam khoảng 1000 km trong khi bán kính tác chiến của các máy bay chủ lực Su-27, J-11 Trung Quốc trong điều kiện không mang theo vũ khí đạn dược mới chỉ đạt 1500 km, quân Trung Quốc cơ động xa mỏi mệt trong khi Việt Nam ở gần chờ sẵn, một khi nổ ra xung đột rõ ràng Trung Quốc không có nhiều ưu thế.

Chính vì điều này, Trương Hoài Đông cho rằng Trung Quốc đã đẩy mạnh chế tạo tàu sân bay và lấn biển biến đá thành đảo nhân tạo (bất hợp pháp trên một số bãi đá họ đang chiếm đóng ở Trường Sa) làm chỗ cắm chân, hình thành khả năng đối phó với không quân Việt Nam.

Hồng Thủy