Thái Lan đối mặt với khủng hoảng xã hội chứ không chỉ là tấn công khủng bố?

28/08/2016 10:38
Ngọc Việt
(GDVN) - Hiến pháp không phải là chiếc đũa thần, không phải là chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mâu thuẫn xã hội, đảm bảo quyền lực cho quân đội Thái Lan.

Thái Lan vừa phải hứng chịu hậu quả của các cuộc đánh bom thảm sát diễn ra gần như tiên tục trong tháng 8 này. Ngày 12/8 nước Thái rung chuyển bởi 11 quả bom được kích hoạt, làm hơn chục người thương vong chỉ trong một ngày tại Hua Hin và Phuket. [1]

Trong khi cơ quan an ninh còn chưa hoàn tất điều tra nghi phạm, thì ngày 23/8 một vụ nổ bom xe xảy ra bên ngoài khách sạn Southern ở Pattani, giết chết ít nhất một người và làm bị thương 29 người khác. [3] 

Dù chưa có kết luận đầy đủ, nhưng chính quyền Thái Lan nhận định các vụ tấn công không phải do lực lượng khủng bố quốc tế xâm nhập vào nước này thực hiện.

Nhà chức trách Thái Lan cũng không phát hiện ra sự liên hệ giữa các phần tử cực đoan trong nước với bất cứ tổ chức khủng bố quốc tế nào.

Tình hình an ninh bất ổn tại đất nước Thái Lan khiến cho chính quyền nước này phải lập Sở chỉ huy tiền phương tại 3 tỉnh miền Nam là Pattani, Narathiwat và Yala nhằm kiểm soát tình hình, cứu vãn ngành công nghiệp du lịch đang bị thiệt hại nặng nề.

Lực lượng an ninh Thái Lan đang truy tìm dấu vết của các cuộc đánh bom thảm sát vừa qua. Ảnh: Reuters.
Lực lượng an ninh Thái Lan đang truy tìm dấu vết của các cuộc đánh bom thảm sát vừa qua. Ảnh: Reuters.

Có nhận định cho rằng, các vụ tấn công bằng bom vừa qua tại Thái Lan là do lực lượng ly khai tại nước này thực hiện, thể hiện sự thất vọng với bản Hiến pháp mới vừa được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý hồi đầu tháng 8 này.[2]

Người viết cho rằng, những tiếng bom nổ tại Thái Lan thời gian này là dấu hiệu của sự khủng hoảng nghiêm trọng trong lòng xã hội nước Thái, chứ không chỉ là các cuộc tấn công khủng bố bởi những kẻ bất mãn với chính quyền quân đội – tác giả bản Hiến pháp thứ 19 này.

Hiến pháp mới đã hợp pháp hoá vai trò của quân đội như một lực lượng chính trị tại Thái Lan

Theo The Nation ngày 24/3, cựu Thủ tướng Thái Lan Anand Panyarachun – người được xem là kiến trúc sư của Hiến pháp năm 1997 đã nhận xét rằng, chế độ chính trị tại Thái Lan hiện nay có xu hướng dân chủ hình thức hơn là thực chất. [4] 

Hiến pháp mới quy định: 250 thành viên Thượng viện được đề cử bởi chính quân đội. Thượng viện được trao thẩm quyền chưa từng có là có thể giám sát chính phủ sau bầu cử.

Điều đó cho thấy Thượng viện như một đảng chính trị của riêng quân đội ẩn mình trong cơ quan lập pháp.

Tòa án Hiến pháp được trao quá nhiều quyền lực, có thể kiểm soát hoạt động của chính phủ. Thậm chí Tòa án Hiến pháp có thể can thiệp vào những tình huống khủng hoảng, đưa ra những quyết định đối với đời sống chính trị của Thái Lan.

Trong khi đó, 500 thành viên Hạ viện được dân bầu thì lại có những quy định phân chia rắc rối cho các lực lượng, đảng phái chính trị.

Đặc biệt gây tranh cãi nhất là Thủ tướng Thái Lan trong tương lai không nhất thiết phải là một trong số các đại biểu được dân bầu.

Người viết cho rằng, quân đội Thái Lan đã nhận thấy Hiến pháp năm 1997 – bản Hiến pháp hoàn hảo nhất tại Thái Lan – làm giảm ảnh hưởng của quân đội với chính trường.

Vì vậy, sau khi lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, quân đội đã vội ban hành Hiến pháp năm 2007.

Tuy nhiên, Hiến pháp 2007 đã tạo cơ hội cho em gái ông Thaksin là bà Yingluck đưa gia tộc Shinawatra quay trở lại chính trường. Điều đó mở ra một thời kỳ bất ổn chính trị kéo dài không lối thoát, trong khi quân đội lại chỉ được xem như người trung gian hoà giải.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Anand Panyarachun– người được xem là kiến trúc sư cho sự ổn định chính trị tại Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Anand Panyarachun– người được xem là kiến trúc sư cho sự ổn định chính trị tại Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post.

Vì vậy, sau khi lật đổ nữ Thủ tướng đầu tiên tại đất nước Thái Lan, quân đội quyết tâm loại hẳn gia tộc Shinawatra khỏi đời sống chính trị bằng một bản Hiến pháp mới, hợp pháp hoá vai trò của quân đội quyết định chính trường như một lực lượng chính trị cầm quyền.

Có thể thấy rằng, việc quân đội Thái Lan đạo diễn soạn thảo và đưa ra trưng cầu ý dân bản Hiến pháp 2016 không khác gì việc quân đội Myanmar soạn thảo và thông qua Hiến pháp 2008 tại nước này.

Cả hai bản Hiến pháp đều đảm bảo quyền lực cho quân đội.

Chỉ có điều, quân đội Myanmar đã dùng Hiến pháp đưa đất nước Myanmar đến với nền dân chủ thì ngược lại, quân đội Thái Lan dùng Hiến pháp đưa đất nước Thái Lan vào một nền chuyên chế mới – xây dựng một thể chế nhằm chính trị hoá quyền lực quân đội.

Và đó chính là nguyên nhân khiến người dân Thái Lan thất vọng với quân đội nước này hơn tại Myanmar. Cho dù quân đội Myanmar được Hiến pháp quy định nắm 25% số ghế tại lưỡng viện quốc hội không qua bầu cử và nắm giữ các bộ sức mạnh trong chính chính phủ nước này.

Hiến pháp mới không giải quyết được nguyên nhân gây nên bất ổn xã hội, khiến cho người dân Thái Lan khủng hoảng niềm tin vào chính quyền

Có thể thấy rằng, dù có tới hơn 61% cử tri Thái Lan tham gia cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ bản Hiến pháp mới, nhưng thực sự chỉ có hơn 30% cử trị Thái Lan ủng hộ Hiến pháp 2016.

Bởi lẽ, chỉ có hơn 55% cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý.

Như vậy là chỉ có hơn 16 triệu trong số hơn 50 triệu cử tri Thái Lan ủng hộ Hiến pháp mới. Điều đó cho thấy, nhân dân Thái Lan không đặt niềm tin vào chính quyền quân đội.

Tỷ lệ ủng hộ quá ít ỏi mà Hiến pháp được thông qua khíến cho xã hội Thái Lan bất ổn.

Thực ra không có nhiều cuộc trưng cầu dân ý về một vấn đề “quốc gia đại sự” nào đó tại một quốc gia mà được đa số cử tri của quốc gia ấy ủng hộ. Tuy nhiên, quan trọng là mấu chốt của vấn đề “quốc gia đại sự” ấy có được giải quyết hay không.

Cựu Thủ tướng Anand cho rằng: "Nghèo đói và bất công xã hội là thể hiện sự không công bằng về quyền và cơ hội của công dân. Sự phân chia lợi ích giữa nhà nước với nhân dân thực ra chỉ là dành đặc quyền, đặc lợi cho một nhóm người mà thôi”. [4]

Đây là mấu chốt của vấn đề.

Khi chế độ chính trị có cơ chế đảm bảo sự bình đẳng cho nhiều lực lượng tham gia vào hệ thống chính trị thì có nghĩa sự công bằng xã hội sẽ gia tăng.

Bởi lẽ, lúc đó nhóm được hưởng đặc quyền sẽ lớn hơn, giống như việc trung ương tập quyền thay bằng trung ương phân quyền. 

Do vậy, yêu cầu đặt ra với Thái Lan là phải cải cách cơ cấu quyền lực theo hướng gia tăng sự công bằng quyền lợi nhà nước – nhân dân. Song với Hiến pháp mới, quân đội đã đưa quyền lực về trung ương tập quyền, nhóm đặc quyền chỉ còn là quân đội, vì vậy bất bình đẳng gia tăng.

Việc quân đội quyết tâm gạt gia tộc Shinawatra khỏi đời sống chính trị tại Thái Lan là nguyên nhân gây bất ổn cho đất nước Thái Lan. Ảnh: Reuters.
Việc quân đội quyết tâm gạt gia tộc Shinawatra khỏi đời sống chính trị tại Thái Lan là nguyên nhân gây bất ổn cho đất nước Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Có thể thấy rằng, việc một bản Hiến pháp tập trung đặc quyền đặc lợi vào một nhóm nhỏ - quân đội, và chỉ được ủng hộ với tỷ lệ rất ít ỏi trong dân chúng, điều đó khiến cho mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân tại Thái Lan gia tăng.

Vì vậy, người viết cho rằng các vụ đánh bom thảm sát tại Thái Lan sau cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng xã hội, chứ không chỉ là thể hiện sự bất mãn của các nhóm lý khai ở miền nam nước này.

Tình hình khủng bố tại Thái Lan sẽ ra sao?

Có thể thấy rằng, ngoài các nước Syria, Libya, Afghanistan, Nigeria và Iraq là những nơi được xem là sào huyệt của khủng bố, thì hiện nay Thái Lan nằm trong số các quốc gia và khu vực có nguy cơ khủng bố tấn công cao nhất, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, EU và Mỹ.

Nếu như Hoa Kỳ là nơi khủng bố nhắm tới để trả đũa những gì Washington đã làm bên ngoài nước Mỹ, EU thì do cơ chế liên minh khiến cho khủng bố dễ trà trộn với công dân EU tiến hành các cuộc tấn công, thì ba nước còn lại khủng bố hầu hết đều từ nguyên nhân nội tại nhiều hơn.

Như vậy, nếu muốn tránh được các vụ tấn công khủng bố thì phải giải quyết vấn đề có thể gây nên bất ổn trong nước, giảm bất mãn có thể hình thành tư tưởng cực đoan – yếu tố tinh thần quan trọng nhất hình thành nên chủ thuyết của khủng bố.

Tuy nhiên, khi bản Hiến pháp mới được thông qua thì nguy cơ bất ổn tại Thái Lan lại gia tăng.

Lúc này, lực lượng bất mãn với chính quyền quân sự sẽ trở nên cực đoan hơn vì họ không còn cơ hội và hy vọng vào những gì có lợi hơn đối với họ và thành phần mà họ đại diện.

Điều đó cho thấy lực lượng khủng bố quốc nội đã có cả hai điều kiện quan trọng nhất để thành hình: lực lượng và tư tưởng cực đoan.

Khi lực lượng khủng bố trong nước kết nối với khủng bố quốc tế sẽ đưa Thái Lan vào vòng xoáy bạo lực, gây bất ổn cho cả khu vực Đông Nam Á.  

Người viết đồng tình với nhận định của cựu Thủ tướng Thái lan Anand rằng, chính quyền Thái Lan quá chú trọng vào việc sửa đổi Hiến pháp, họ xem đạo luật cơ bản này có thể giải quyết được mọi vấn đề của đất nước Thái Lan. Đó là sự nhìn nhận không chuẩn xác.

Bởi lẽ, Hiến pháp không phải là chiếc đũa thần, không phải là chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mâu thuẫn xã hội, đảm bảo quyền lực cho quân đội Thái Lan.

Vì vậy, khi người dân bất mãn thì nghĩa là quân đội đã đưa đất nước Thái Lan đối mặt với hiểm nguy.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://edition.cnn.com/2016/08/12/asia/thailand-explosions/

[2]http://www.bbc.com/news/world-asia-37091825

[3]http://www.express.co.uk/news/world/703258/Thailand-car-bomb-Pattani-explosion-one-dead-29-injured-terror

[4]http://www.nationmultimedia.com/opinion/Democratic-governance-Striving-for-Thailands-new-n-30282328.html

Ngọc Việt