Thế “lưỡng long tranh châu” trên Biển Đông và lựa chọn nào cho Việt Nam?

12/06/2017 06:48
TS Trần Công Trục
(GDVN) - Thành công tốt đẹp của những chuyến công du các lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang Trung Quốc, Mỹ, Nhật đã cho thấy khả năng làm chủ tình thế, cân bằng quan hệ.

1. Cạnh tranh địa-chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương đang trong thế “lưỡng long tranh châu” hay “lưỡng long chầu nguyệt”?

Hình ảnh hai rồng chầu vào vòng tròn chính giữa xuất hiện trên các nóc đình đền và chùa chiền một thời gây tranh cãi gáy gắt trong giới khoa học.

Nhiều người dùng thuật ngữ "lưỡng long chầu nguyệt" để chỉ đôi rồng chầu về mặt trăng. 

Nhưng theo ý kiến của các nhà nguyên cứu văn hóa dân gian, thì đó là một sai lầm, vì vòng tròn ở giữa không phải mặt trăng, trăng không thể có ánh lửa bùng cháy. 

Như vậy, đôi rồng hướng về "quả cầu lửa" không phải là "lưỡng long chầu nguyệt" mà có thể gọi đó là "lưỡng long tranh châu" thì có vẻ chính xác hơn. 

Tuy vậy, tùy theo hoàn cảnh của cuộc sống, hình tượng “lưỡng long tranh châu” hay “lưỡng long chầu nguyệt” trong tâm thức vẫn được người phương Đông trân trọng, ngưỡng mộ, ví von…

Lưỡng long tranh châu vẽ trên đĩa sứ, ảnh: gomsuphunggia.vn.
Lưỡng long tranh châu vẽ trên đĩa sứ, ảnh: gomsuphunggia.vn.

Đánh giá quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trong tình hình hiện nay tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhà báo Hồng Thủy đã sử dụng thế “lưỡng long tranh châu” để ám chỉ, chứ không phải bằng thế “lưỡng long chầu nguyệt”. 

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 08/06/2017 đã đăng bài: "Việt Nam không ngả sang Trung Quốc, và Mỹ không bỏ Biển Đông".

Trong bài viết này, nhà báo Hồng Thủy đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin cùng với những phân tích đánh giá khá chuẩn xác về tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây. 

Tôi rất tâm đắc với nhận định của Giáo sư Alexander L. Vuving được Hồng Thủy dẫn lại trong bài, rằng: 

"Trong một thời gian khá dài kể từ khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống, người ta đã dự đoán rằng chủ nhân mới của Nhà Trắng sẽ thay đổi triệt để chính sách, làm giảm sự tham gia của Mỹ ở châu Á. 

Nhiều người cũng tin rằng, hệ quả của sự thay đổi chính sách này sẽ khiến các quốc gia chủ chốt trong khu vực, chẳng hạn như Việt Nam, sẽ phải điều chỉnh các mối quan hệ của họ theo hướng xích lại gần hơn với Trung Quốc. 

Nhưng ấn tượng này đã được chứng minh là sai với hội nghị giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng hôm 31/5.

Chính quyền mới của ông Donald Trump không đảo ngược quá trình chính sách của Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thậm chí họ có thể mạnh mẽ hơn chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama ở Biển Đông.".

Cá nhân tôi còn đặc biệt quan tâm tới nội dung phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ tại Diễn đàn Shangri-La 2017.

Những nội dung này đã chứng minh chính quyền mới của ông Donald Trump không hề đảo ngược lại chính sách của Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được định hình từ trước. 

Thậm chí nó còn mạnh mẽ hơn chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama ở Biển Đông cả trên phương diện ngoại giao, lẫn trong hành xử thực tế. 

Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh khu vực năm 2017 vừa kết thúc đã phản ánh lập trường của Hoa Kỳ đối với những căng thẳng ở Biển Đông.

Trong bài phát biểu sáng 3/6 trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis, nhiều lần nhấn mạnh đến nguyên tắc duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc và luật lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích bình đẳng của tất cả các nước. 

Mỹ bảo vệ lợi ích của mình và của những đồng minh, duy trì một sự hiện diện quân sự trong khu vực. 

Lâu nay Hoa Kỳ vẫn nói rằng họ không có lập trường chính thức về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

Tuy vậy, Mỹ vẫn  chỉ trích mạnh mẽ những hành vi của Trung Quốc ở đó và đã mở rộng những liên minh quốc phòng với những nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn. 

Các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải mà Mỹ tiến hành trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông vừa qua là việc rất quan trọng để kiềm chế các yêu sách bành trướng của Trung Quốc. 

Đây cũng là một phép thử đối với sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình khi sức mạnh của họ liên tục gia tăng. 

Quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho phép Hải quân Mỹ tiến hành một hoạt động tuần tra tự do hàng hải bên trong 12 hải lý ở bãi Vành Khăn hôm 24/5 là một dấu hiệu cho thấy sự liên tục trong chính sách lâu dài này.

Tuy nhiên, tính toán lợi ích chiến lược của mình trong khu vực trước mối đe dọa chiến tranh hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Mỹ đã một lần nữa sử dụng Biển Đông như là một con bài chiến lược để mặc cả với Trung Quốc. 

Thế “lưỡng long tranh châu” trên Biển Đông và lựa chọn nào cho Việt Nam? ảnh 2

"Việt Nam không ngả sang Trung Quốc, và Mỹ không bỏ Biển Đông"

Chính điều này khiến nhiều đồng minh, đối tác của Mỹ lo ngại khi thấy Tổng thống Donald Trump tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, chấp nhận tạm gác Biển Đông qua một bên…

Vì vậy, tại Diễn đàn này, để trấn an các đồng minh và đối tác, Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích của mình và của những đồng minh, duy trì một sự hiện diện quân sự trong khu vực. 

Giới chức Hải quân Mỹ dự định mở rộng lực lượng điều động ra nước ngoài của Hạm đội Thái Bình Dương thêm khoảng 30% nữa đến trước năm 2021. 

Những vụ đụng độ giữa tàu tuần tra hải quân Trung Quốc và tàu đánh cá của những nước lân cận cho thấy, nhiều nguy cơ châm ngòi xung đột quốc tế và đẩy những cam kết an ninh của Washington lên hàng đầu. 

Những vụ việc như vậy có thể tiếp tục định hình những tranh chấp khi nó diễn ra trên biển.   

Vì vậy, nhìn nhận một cách khách quan về mối tương quan thế và lực hiện nay, dư luận cho rằng cục diện Biển Đông hay bán đảo Triều Tiên sẽ vẫn tiếp tục xu thế cạnh tranh vì lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ, trong thế "lưỡng long tranh châu", không hòa - không chiến…

Nhưng với những gì đã và đang diễn ra tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương khiến người ta quan ngại, rằng trạng thái “gầm gừ” của “lưỡng long” có thể chuyển sang trạng thái “phun lửa” bất cứ lúc nào… 

2. Việt Nam và các nước khác trong khu vực cần làm gì trước tình thế “lưỡng long tranh châu”? 

Phát biểu đề dẫn Đối thoại An ninh Shangri-la lần thứ 16 vừa qua, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã nhận xét: 

"Trong thế giới mới bất ổn này, chúng ta không thể dựa vào một sức mạnh tuyệt đối để bảo vệ lợi ích của mình. 

Chúng ta phải chịu trách nhiệm với an ninh và thịnh vượng của chính mình, trong khi thấy rõ rằng chúng ta sẽ trở nên mạnh hơn khi chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo tập thể với các bạn bè và đối tác tin cậy.".  

Đề dẫn này đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của tất các đại biểu tham dự Diễn đàn, trừ đoàn Trung Quốc. 

Bởi vì, mọi người đều đã chứng kiến thế giới đang cận kề một cuộc chiến tranh tàn khốc. Ông Malcolm Turnbull đánh giá:

“Các điểm nóng trong khu vực gia tăng, mâu thuẫn dường như vô tận ở Trung Đông và châu Phi, sự điên rồ và bệnh hoạn của chủ nghĩa khủng bố, sự biến đổi kinh tế và biên giới ở châu Âu;

Sự can thiệp bên ngoài và mức độ tha hóa chính trị hay chủ nghĩa dân túy đang ngày càng thấm sâu trong đời sống xã hội hơn những gì chúng ta từng thấy kể từ năm 1930.

Hình minh họa: Internal Exile.
Hình minh họa: Internal Exile.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ tham gia hàng ngũ những nền kinh tế lớn với sức mạnh và ảnh hưởng đến cán cân địa-chính trị toàn cầu. 

Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong định hình khu vực và họ sẽ tìm cách tăng ảnh hưởng chiến lược để phù hợp với sức mạnh kinh tế mới.

Vì vậy, các nước khác trong khu vực sẽ tìm cách cân bằng với sức mạnh của Bắc Kinh bằng cách củng cố liên minh hay hợp tác đặc biệt giữa họ với Hoa Kỳ.”.

Đây là một xu hướng tất yếu phù hợp với quy luật đấu tranh sinh tồn của muôn loài, vạn vật.  

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng vận dụng quy luật đấu tranh sinh tồn đó để làm cho những con "tép riu" hay “cá nhỏ” trở nên "khó nuốt" trước sự thèm khát của những con “cá lớn”.

Khả năng tự vệ đó chình là nhờ ở tinh thần tự lực tự cường, tự chủ và mạnh mẽ, đồng thời chơi được với tất cả “cá lớn” và “cá nhỏ”…

Tầm nhìn của Lý Quang Diệu không chỉ mang lại sự hòa bình và thịnh vượng, vị thế cho Singapore suốt mấy chục năm qua.

Tầm nhìn ấy còn giúp quốc đảo Sư tử tiếp tục đứng vững, phát triển trước những biến động quá nhanh của thời cuộc, nhất là các tranh chấp quyết liệt giữa 2 siêu cường Trung - Mỹ. 

Vì vậy, một mặt các nhà lãnh đạo khu vực cần tận dụng mọi diễn đàn để kêu gọi, giải thích và bảo vệ luật pháp cũng như trật tự quốc tế.

Mặt khác, cần thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương và đa phương trong khu vực một cách chủ động. 

Đó chính là trách nhiệm với tương lai vận mệnh của chính mình, đặt trong mối quan tâm chung về bảo vệ hòa bình ổn định của cả khu vực. 

Phải chăng đó chính là cách góp phần tạo thế “lưỡng long chầu nguyệt” trên Biển Đông từ các nước nhỏ trong khu vực, thay vì thế “lưỡng long tranh châu”, mà người phương Đông tôn thờ như là biểu tượng của sự cân bằng âm dương, sự hài hòa quyền lực, yên bình và hòa hợp…? 

Và phải chăng đó là thế mà các nước trong khu vực và quốc tế mong muốn duy trì để tạo ra sự cân bằng sức mạnh giữa các siêu cường, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, trong cuộc cạnh tranh đang diễn ra rất khốc liệt tại một số khu vực trọng yếu về địa-chiến lược, địa-chính trị, địa-kinh tế…của thế giới ? 

Trong thời gian qua, thành công tốt đẹp của những chuyến công du các lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang Trung Quốc, Mỹ, Nhật đã cho thấy khả năng làm chủ tình thế, cân bằng quan hệ giữa các siêu cường để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực, nguy cơ phán đoán sai lầm trên Biển Đông.

Nguồn vốn và công nghệ Nhật Bản, các sản phẩm thiết bị công nghệ cao từ Hoa Kỳ sẽ là một đòn bẩy giúp Việt Nam canh tân đất nước, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng.

Bên cạnh đó là mối quan tâm lợi ích địa chiến lược và sự tham dự, can thiệp mạnh mẽ bảo vệ tự do - an ninh hàng hải, hàng không, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông của Mỹ - Nhật - Australia - Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam và các nước nhỏ ven Biển Đông rất nhiều trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thế “lưỡng long tranh châu” trên Biển Đông và lựa chọn nào cho Việt Nam? ảnh 4

Mỹ đã lật bài ngửa về Biển Đông tại Đối thoại An ninh Shangri-la

Do đó chúng tôi thiết nghĩ, chính chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, bảo vệ thành quả của Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.

Bảo vệ công lý, lẽ phải cũng là bảo vệ chính mình.

Với Trung Quốc, bên cạnh việc đấu tranh chống lại các quan điểm và hành vi đi ngược luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Phán quyết Trọng tài thông qua các biện pháp hòa bình, chúng ta cũng phải học hỏi họ trong một số lĩnh vực.

Đầu tiên và dễ thấy nhất, chính là chính sách thu hút nhân tài, phát triển khoa khọc công nghệ.

Những tiến bộ vượt bậc của họ trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng ở Biển Đông như khai thác băng cháy, phát triển thiết bị bay không người lái chạy bằng quang năng, thăm dò biển sâu...là những điều trước đây người ta khó có thể hình dung nổi, thì nay họ đã làm được.

Bên cạnh nguy cơ căng thẳng leo thang trên Biển Đông khi những kĩ thuật và công nghệ tiên tiến có trong tay Trung Quốc, chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật về tốc độ phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật của họ để học cách nghiên cứu, triển khai.

Thứ hai là đấu tranh với quốc nạn tham nhũng. 

Cho dù đây đó vẫn còn những nhận xét về “phe phái chính trị” hay “thanh trừng”, nhưng không ai phủ nhận được rằng chiến dịch đả hổ đập ruồi của ông Tập Cận Bình đã và đang góp phần làm trong sạch bộ máy quản lý ở đất nước khổng lồ này.

Quan điểm tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật đang được Trung Quốc hiện thực hóa.

Họ không có chuyện "rút kinh nghiệm" hoặc "rút kinh nghiệm sâu sắc" sau những hành động vi phạm pháp luật rõ ràng và để lại hậu quả của các quan chức, lãnh đạo.

Thứ ba là khả năng quản lý.

Bên cạnh chống tham nhũng, khả năng quản lý đất nước và đô thị của Trung Quốc cũng là cái chúng ta cần nghiên cứu, học hỏi.

Thượng Hải hiện đại không kém gì Singapore, Quảng Đông thực sự là đầu tàu phát triển kinh tế của toàn Trung Quốc.

Cơ sở hạ tầng tại 2 tỉnh thành này rất hiện đại, có lẽ chúng ta còn thua họ rất xa.

Làm được như vậy cho thấy tầm nhìn, khả năng quản lý của người Trung Quốc để thu hút doanh nghiệp, nguồn vốn, nhân tài.

Không có tham nhũng và "tham nhũng vặt", càng không có những rào cản vô lý từ chính sách, hành chính công thì mới có được một nền kinh tế phát triển và những đô thị văn minh, hiện đại.

Theo cái thấy, cái biết của chúng tôi, người Việt ta có rất nhiều bà con đã thành công trên con đường học thuật hoặc kinh doanh ở các nước phát triển trên thế giới, rất mong muốn đóng góp cho sự phát triển quê nhà.

Nhưng ngoài chủ trương chung, chúng ta đang rất thiếu các chính sách để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám quý giá ấy. 

Ngay trong lĩnh vực nghiên cứu về an ninh hàng hải, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Phán quyết Trọng tài và thụ đắc lãnh thổ - các phương thức giải quyết tranh chấp lãnh thổ…, phải thừa nhận một thực tế rằng chúng ta chưa làm tốt bằng Trung Quốc, không phải vì ta ít quan tâm hay ít đầu tư.

Ngược lại, chúng ta rất quan tâm và đầu tư không ít, nhưng quản lý của Việt Nam đối với các hoạt động này còn lỏng lẻo, còn những kẽ hở cho một số cá nhân cơ hội trục lợi.

Trên Biển Đông, bên cạnh việc nâng cao khả năng phòng thủ chính đáng và hoạch định chiến lược, chúng ta cũng cần chung tay bảo vệ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Phán quyết Trọng tài, phát triển và củng cố quan hệ hợp tác với các nước lớn và ASEAN.

Đó chính là cách tốt nhất để góp phần giúp quan hệ Mỹ- Trung trên Biển Đông sẽ được duy trì ở tư thế “lưỡng long chầu nguyệt”, và cũng là cách bảo vệ chính mình!

TS Trần Công Trục