Tranh cãi về niềm tin một ngày Trung Quốc sẽ "trả" đảo nhân tạo

11/02/2018 07:15
Hồng Thủy
(GDVN) - Theo người phát ngôn của Điện Manacanang, gọi một cường quốc khu vực đang nổi lên là một "tên cướp" là phản ngoại giao.

Philippines Daily Inquirer ngày 10/2 đưa tin, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque hôm thứ Sáu 9/2 kêu gọi:

Những người Philippines lên án hoạt động quân sự hóa trái phép trên Biển Đông của Bắc Kinh nên kiềm chế, không nên gọi Trung Quốc là "tên cướp", "kẻ trộm".

Theo người phát ngôn của Điện Manacanang, gọi một cường quốc khu vực đang nổi lên là một "tên cướp" là phản ngoại giao, vì Philippines và Trung Quốc có thể xử lý các tranh chấp một cách hòa bình.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque, ảnh: Philstar.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque, ảnh: Philstar.

Thay vì gọi Trung Quốc là "tên cướp", hãy nói rằng thực sự đang có những tranh chấp, có sự khác biệt về quan điểm, có cạnh tranh, nhưng tất cả mọi thứ có thể được giải quyết một cách hòa bình.

Phát biểu của ông Harry Roque nhằm phản ứng với tuyên bố của Thượng nghị sĩ Grace Poe, người đã chỉ trích, nhạo báng phát biểu trước đó của ông Harry Roque về việc Trung Quốc hoàn thành quân sự hóa ở Biển Đông.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines đã nói với báo giới những điều gây tranh cãi sau khi Philippines Daily Inquirer đăng tải các hình ảnh và mô tả chi tiết về 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) cũng như các thiết bị quân sự đã bố trí tại đây.

Theo ông Harry Roque, một ngày nào đó Trung Quốc "sẽ trả các đảo nhân tạo này cho Philippines" nếu Manila có thể "yêu cầu Trung Quốc phải ra đi".

Người phát ngôn Điện Manacanang phát biểu những điều gây tranh cãi này để "hạ nhiệt" dư luận Philippines xung quanh việc Trung Quốc hoàn thành quân sự hóa 7 cấu trúc địa lý họ chiếm đóng trái phép ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) mà Manila cũng yêu sách.

Vì vậy, ông Harry Roque cho rằng, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo không xấu, vì trước sau gì chúng cũng thuộc về Manila. [1]

Cụ thể, theo tường thuật của đài CNN Philippines hôm 8/2, trước đó hôm thứ Tư 7/2 ông Harry Roque tải lên trang Facebook cá nhân đoạn trả lời phỏng vấn truyền thông rằng:

"Rõ ràng cuối cùng những hòn đảo nhân tạo sẽ là của chúng ta nếu chúng ta có thể yêu cầu Trung Quốc rời khỏi đảo. Chỉ có Philippines mới được xây dựng những đảo nhân tạo, họ không có quyền làm việc này."

Một góc đá Vành Khăn, Trường Sa bị Trung Quốc quân sự hóa bất hợp pháp, ảnh: Philippines Daily Inquirer.
Một góc đá Vành Khăn, Trường Sa bị Trung Quốc quân sự hóa bất hợp pháp, ảnh: Philippines Daily Inquirer.

Ông nhắc lại lập trường của Tổng thống Rodrigo Duterte về xử lý quan hệ với Trung Quốc, rằng tốt nhất là nghĩ đến việc kết bạn với người khổng lồ châu Á:

"Khi chúng ta giữ lập trường đối đầu với Trung Quốc, ngư dân của chúng ta từ Zambales, Pangasinan đã không thể đánh bắt ở Scarborough, và bây giờ họ có thể đến đó đánh bắt."

Nhà phân tích Jose Custodio bình luận trên CNN Philippines ngày 8/2, phát biểu này thể hiện thái độ "thiếu nghiêm túc" của một chính phủ, có thể gửi thông điệp sai lầm đến không chỉ người dân Philippines, mà còn các nước láng giềng.

"Đất nước chúng tôi (Philippines) có thể bị các nước khác trong khu vực xem như một mối đe dọa an ninh vì đồng ý để Trung Quốc quân sự hóa khu vực mà không làm bất cứ điều gì.

Đó là một thái độ rất thiếu nghiêm túc trước các mối đe dọa an ninh rất nghiêm trọng không chỉ với nước ta, mà còn với khu vực.

Câu nói này không chỉ đến tai những người Philippines chúng ta, mà người Việt Nam, Indonesia cũng nghe thấy. Họ sẽ tự hỏi không biết Philippines định làm gì?"

Jose Custodio cho rằng, ngoài việc phản đối ngoại giao, Philippines cần huy động dư luận quốc tế gây sức ép để Trung Quốc thực hiện Phán quyết Trọng tài 12/7/2016. [2]

Thượng nghị sĩ Grace Poe, ảnh: Philnews.ph.
Thượng nghị sĩ Grace Poe, ảnh: Philnews.ph.

Thượng nghị sĩ Grace Poe đã ví von bình luận nói trên của người phát ngôn Phủ Tổng thống, rằng "chủ nhà lại phải biết ơn một băng đảng đầy đủ vũ trang xâm nhập bất hợp pháp để bảo vệ an toàn cho ngôi nhà khỏi các tổ chức tội phạm khác".

Ông Harry Roque đã sai lầm với hy vọng rằng một ngày nào đó băng đảng kia sẽ trả lại ngôi nhà ấy cho "chủ".

Ngày 9/2, ông Harry Roque tiếp tục giải thích thêm về phát biểu trước đó của mình, rằng Tòa Trọng tài đã ra phán quyết, vùng biển xung quanh các đảo nhân tạo này là một phần vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

"Đối với tôi, không ai đánh thuế việc mơ ước, tại sao chúng ta không mơ về điều đó (một ngày nào đó làm chủ các đảo nhân tạo Trung Quốc đã xây dựng)?\

Khi có một cơ hội, những hòn đảo nhân tạo này sẽ là của chúng ta". [1]

Trong một động thái khác có liên quan, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila đang kêu gọi Trung Quốc và các bên yêu sách khác ở Biển Đông hãy kiềm chế, không tiến hành các hoạt động xây dựng, cải tạo và quân sự hóa trên tuyến đường hàng hải quan trọng này.

Phó tùy viên báo chí của Đại sứ quán Mỹ Molly Koscina đã trả lời Philippines Daily Inquirer như vậy khi báo này đề nghị Đại sứ quán Mỹ bình luận về những bức ảnh báo đã đăng ngày 5/2 cho thấy bước tiến đáng kể của Trung Quốc trong quân sự hóa Biển Đông.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Philstar.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Philstar.

Tờ báo viết: Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã đánh giá thấp các tranh chấp biển kể từ khi ông nhậm chức năm 2016, đã nhắc lại rằng Philippines sẽ tiếp tục theo đuổi các mối quan hệ thân thiện với siêu cường khu vực, vì không thể tiến hành chiến tranh với Trung Quốc.

Philippines Daily Inquirer đưa tin, hôm thứ Sáu 9/2 ông Rodrigo Duterte nhắc lại lập trường trong một cuộc họp báo tại Davao:

"Chúng tôi trung lập. Chúng tôi sẽ tiếp tục nói chuyện với Trung Quốc. Đây không phải lúc đối đầu ở Biển Đông, vì nó chỉ dẫn đến 1 cuộc chiến tranh." [3]

Cũng đưa tin về các phát biểu của ông Rodrigo Duterte xung quanh vấn đề Biển Đông ngày 9/2 tại Davao, hãng thông tấn Mỹ AP cho biết:

Tổng thống Philippines nói rằng ông không có ý định khơi mào chiến tranh vì tranh chấp lãnh thổ, nhưng sẽ ra lệnh cho hải quân nổ súng nếu quốc gia khác đến khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

"Như nhau cả thôi, chúng tôi không thể chống lại Mỹ, cũng không thể chống lại Trung Quốc. Tôi sẽ chỉ giữ im lặng.

Nhưng nếu ai đó lấy đi cái gì từ vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi, tôi sẽ ra lệnh cho hải quân nổ súng."

Ông cho rằng, các hành động của Trung Quốc bị chi phối bởi tham vọng cạnh tranh vị thế siêu cường với Hoa Kỳ và Philippines sẽ không tham gia vào cuộc đua này. [4]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://globalnation.inquirer.net/164029/palace-dont-call-china-bandit-sea-dispute

[2]http://cnnphilippines.com/news/2018/02/08/Roque-well-thank-China-someday-for-artificial-islands-in-South-China-Sea.html

[3]https://globalnation.inquirer.net/164034/breaking-us-embassy-stop-militarization-south-china-sea

[4]http://www.scmp.com/news/asia/southeast-asia/article/2132858/duterte-warns-hell-order-navy-fire-if-sea-resources-stolen

Hồng Thủy