Tranh cãi việc Tổng thống Philippines "lộ" cảnh báo chiến tranh ở Biển Đông

21/05/2017 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Có lẽ cũng cần phải cảm ơn Tổng thống Rodrigo Duterte khi ông cung cấp thông tin khá thẳng thắn, trực tiếp về thái độ và toan tính của Trung Quốc ở Biển Đông.

InterAksyon ngày 20/5 đưa tin, Thẩm phán Cấp cao Tòa án tối cao Philippines, ông Antonio T. Carpio hôm qua thứ Bảy đã lên tiếng hối thúc Điện Manacanang kiện tiếp Trung Quốc.

Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte tiết lộ, ông Tập Cận Bình cảnh báo sẽ có chiến tranh ở Biển Đông nếu Philippines thúc đẩy Phán quyết Trọng tài hoặc khoan dầu.

Hôm thứ Sáu 19/5, Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu trong một cuộc họp với lực lượng Cảnh sát biển ở Davao về một phần cuộc hội đàm của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, xung quanh vấn đề Biển Đông ở Bắc Kinh thứ Hai tuần qua.

Thẩm phán Antonio T. Carpio bình luận:

"Cảnh báo chiến tranh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Rodrigo Duterte cho thấy sự hiếu chiến của nước này chống lại Philippines.

Diễn biến mới cực kỳ phiền toái này cho thấy, tất cả người dân Philippines phải đoàn kết lại để bảo vệ (vùng đặc quyền kinh tế và yêu sách của Philippines ở) Biển Đông theo Hiến pháp, cũng như luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Trung Quốc đe dọa sẵn sàng đi đến chiến tranh chống lại Philippines nếu Manila thăm dò khai thác dầu và khí đốt ở bãi Cỏ Rong, hay bất kỳ khu vực nào thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình trên Biển Đông.

Thẩm phán cấp cao Antonio T. Carpio, ảnh: Philstar.
Thẩm phán cấp cao Antonio T. Carpio, ảnh: Philstar.

Đây là một sự vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á mà Trung Quốc và Philippines là thành viên.

Là một quốc gia mà Hiến pháp đã từ bỏ việc lấy chiến tranh làm công cụ chính sách, cái Philippines có thể trông cậy là đưa vụ Trung Quốc dọa tiến hành chiến tranh ra một Tòa Trọng tài khác của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Việc này sẽ giúp có một phán quyết buộc Trung Quốc tuân thủ Phán quyết Trọng tài (12/7/2016) trong đó tuyên bố bãi Cỏ Rong là một phần vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Philippines cũng có thể đưa việc Trung Quốc đe dọa tiến hành chiến tranh ra trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và bảo trợ cho một nghị quyết lên án mối đe dọa này, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Phán quyết Trọng tài.

Trung Quốc không có quyền phủ quyết tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tổng thống có nghĩa vụ sử dụng tất cả các biện pháp mà luật pháp cho phép để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, điều này được quy định trong Hiến pháp.

Đối mặt với mối đe dọa của Trung Quốc có thể tiến hành chiến tranh để chiếm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông, khu vực có diện tích lớn hơn cả diện tích lãnh thổ đất liền của Philippines, Tổng thống không thể ngồi im không làm gì cả.

Hoặc tệ hơn nữa là mặc nhiên chấp nhận hành động của Trung Quốc.

Theo luật pháp quốc tế, việc một quốc gia không có hành động nào khi đối mặt với các mối đe dọa về quyền và lợi ích hợp pháp của mình là một sự mặc nhiên thừa nhận.

Điều này có nghĩa là Philippines có thể mất vĩnh viễn vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông vào tay Trung Quốc.

Tranh cãi việc Tổng thống Philippines "lộ" cảnh báo chiến tranh ở Biển Đông  ảnh 2

Ông Duterte và khả năng bị Quốc hội luận tội vì chính sách với Trung Quốc

Đặc biệt Philippines cần phải tăng cường liên minh với Hoa Kỳ, nước duy nhất có hiệp ước quốc phòng với Philippines.

Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận quyền của các quốc gia tự bảo vệ và bảo vệ nhau chống lại các cuộc xâm lược vũ trang.

Philippines có thể liên minh với Hoa Kỳ vì Mỹ không có yêu sách ở Biển Đông hay bất cứ vùng lãnh thổ của Philippines.

Nhưng Philippines không thể liên minh với Trung Quốc khi Trung Quốc muốn chiếm cả Biển Đông và Trường Sa.

Chừng nào Trung Quốc còn đe dọa sẵn sàng chiến tranh với Philippines ở Biển Đông, Philippines không bao giờ được hạ thấp vai trò của mình trong các hoạt động với Trung Quốc.

Trong số tất cả các quốc gia trên thế giới, chỉ có Trung Quốc là đe dọa sẵn sàng gây chiến tranh với Philippines trên vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.

Các nước yêu sách khác ở Trường Sa như Việt Nam, Malaysia, Brunei công nhận vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông, bao gồm bãi Cỏ Rong. 

Tranh chấp duy nhất giữa Philippines với Việt Nam, Malaysia là các cấu trúc nổi trên mặt nước cùng lãnh hải 12 hải lý ở Trường Sa. 

Việt Nam và Malaysia chắc chắn không yêu sách với bãi Cỏ Rong. Philippines không có tranh chấp với Brunei.

(Chúng tôi xin lưu ý, các thông tin về bãi Cỏ Rong trong bài này chỉ phản ánh quan điểm của cá nhân Thẩm phán Antonio T. Carpio.

Việc đề cập thông tin này chỉ nhằm mục đích cung cấp cho bạn đọc đầy đủ quan điểm và lập luận của ông Carpio mà không mang bất kỳ ý nghĩa nào của sự thừa nhận, ủng hộ quan điểm của ông về vấn đề bãi Cỏ Rong).

Bãi Cỏ Rong đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Philippines. Đây là nguồn thay thế duy nhất cho mỏ Malampaya vốn cung cấp 40% nhu cầu năng lượng cho đảo Luzon.

Mỏ Malampaya sẽ hết trữ lượng nhiên liệu trong vòng chưa đầy 10 năm tới.

Trừ phi khai thác năng lượng ở bãi Cỏ Rong, nếu không Luzon sẽ bị thiếu năng lượng 10 đến 12 h mỗi ngày kể từ bây giờ. Điều này sẽ phá hủy nền kinh tế Philippines.".

Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trong phiên tòa lịch sử vụ kiện Biển Đông, ảnh: Philstar.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trong phiên tòa lịch sử vụ kiện Biển Đông, ảnh: Philstar.

Về phần mình, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng, mối đe dọa của Trung Quốc cho thế giới thấy tầm quan trọng của Phán quyết Trọng tài và sự phù hợp của nó với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Điều này cũng cho thấy, trừ phi có lợi cho mình, nếu không Trung Quốc sẽ không có ý tôn trọng luật pháp quốc tế. [1]

Giải thích của ông Rodrigo Duterte

Hãng tin GMA News Online ngày 19/5 dẫn lời Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng:

"Tôi đã tuyên bố yêu sách của Philippines, Trung Quốc đã cảnh báo về chiến tranh, tôi có thể nói gì được nữa?"

Cùng tường thuật về phát biểu của ông Duterte với lực lượng Cảnh sát biển Philippines tại Davao, GMA News Online dẫn lời Tổng thống khẳng định:

Ông đã đặt thẳng vấn đề Biển Đông lên bàn đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc chứ không phải "không làm gì" như chỉ trích của Thẩm phán Antonio T. Carpio và cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario.

"Các bạn có tin tôi yếu đuối đến mức không dùng đến Phán quyết Trọng tài như một đòn bẩy, giống như ông del Rosario và Thẩm phán Carpio vẫn nói? 

Các bạn biết rằng, với sự hiện diện và chứng kiến của tướng Esperon và tướng Lorenzana (Bộ trưởng Quốc phòng), tôi đã nói thẳng với họ, mặt đối mặt.

Nếu họ (Carpio, Del Rosario) nói tôi đã làm gì ở Trung Quốc, các bạn có thể hỏi hai tướng, Cố vấn An ninh quốc gia Esperon và Lorenzana. Tôi thực sự nói (với ông Tập Cận Bình):

Đó là của chúng tôi, tôi muốn ngài lắng nghe một chút, Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi sẽ nhấn mạnh rằng đó là của chúng tôi và chúng tôi sẽ khoan dầu ở đó.

Thực sự là mặt đối mặt. Ông ấy (Tập Cận Bình) trả lời tôi:

"Chúng ta là bạn tốt của nhau, chúng tôi không muốn tranh cãi với ngài. Chúng tôi muốn duy trì mối quan hệ ấm áp hiện tại, nhưng nếu các ngài cứ ép, chúng ta sẽ đi đến chiến tranh."

Tôi còn nói được gì nữa? Chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ, nỗ lực phối hợp với các thành viên của Liên Hợp Quốc.

Nhưng liệu họ có sẵn sàng chiến đấu với Trung Quốc?

Bởi vì nếu họ sẵn sàng, chúng ta cũng sẵn sàng.

Tranh cãi việc Tổng thống Philippines "lộ" cảnh báo chiến tranh ở Biển Đông  ảnh 4

Chớ mơ hồ trong quan hệ với 2 siêu cường Hoa Kỳ, Trung Quốc

Nhưng với (mình) tôi, tại sao tôi lại làm điều đó? Nó sẽ là một cuộc tàn sát và phá hủy tất cả.

Còn Del Rosario và những người như ông ấy, họ đã ở đâu?

Nếu thực sự nó là của chúng ta từ đầu, nó vẫn là của chúng ta. 

Nhưng thay vì đệ đơn kiện, Philippines đã có thể kêu gọi Mỹ tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các bên yêu sách còn lại trong ASEAN để thảo luận những gì chúng ta sẽ làm.

Ngay cả khi không có Phán quyết Trọng tài hoặc bất cứ điều gì tương tự, luật biển không cho phép bạn xây dựng một cấu trúc nhân tạo ở trong vùng biển tranh chấp.

Mỹ là siêu cường duy nhất có thể làm việc này: đối đầu với Trung Quốc, điều đó có thể xảy ra với sự thúc giục của chính phủ Philippines.

Sao trước đây họ (chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Aquino) không làm điều này?

Khi Phán quyết Trọng tài được đưa ra, họ vẫn ở đó. Sau đó họ rời văn phòng. Ông Del Rosario, tại sao ông không làm điều này khi còn đương chức?

Tại sao ông để các công trình xây dựng trái phép mọc lên thành một cái gì đó giống như một pháo đài, và hiện diện một đội quân có vũ trang? Tôi không thể đánh." [2]

Trước đó cả hai ông Antonio T. Carpio và Albert del Rosario đều chỉ trích ông Rodrigo Duterte đã không nêu Phán quyết Trọng tài với chiến thắng thuộc về Philippines ra, khi đàm phán với Trung Quốc.

Hạ nghị sĩ Gary Alejano, người đã khởi kiện Tổng thống Rodrigo Duterte, được trang Journal.com.ph ngày 20/5 dẫn lời bình luận:

"Tôi không tin Duterte trực tiếp khẳng định quyền tài phán của chúng tôi trước mặt Tập Cận Bình. Đó là điều chắc chắn sẽ khiến lãnh đạo Trung Quốc phản đối.

Đó là lý do tại sao phải có một diễn đàn đa phương và thống nhất giữa các bên yêu sách trong khuôn khổ ASEAN, thậm chí là Liên Hợp Quốc để chúng ta có thể đàm phán với kẻ mạnh.

Duterte đã chọn điều ngược lại, ông để đất nước chúng ta đàm phán song phương với Trung Quốc. Với tôi, ông ta lúc nào cũng chỉ tìm cách bào chữa cho Trung Quốc". [3]

Tranh cãi việc Tổng thống Philippines "lộ" cảnh báo chiến tranh ở Biển Đông  ảnh 5

Ông Duterte ngầm cảnh báo: Trung Quốc sẽ chiếm nốt các bãi cạn ở Nam Biển Đông?

Cá nhân người viết cho rằng, trong chuyện Philippines đối phó với tham vọng của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, mỗi người đều có lập luận và góc nhìn của riêng mình.

Chỉ có điều, trong lúc các quan điểm khác nhau giữa chính phủ và một bộ phận giới tinh hoa Philippines được công khai bộc lộ trên truyền thông, thì kẻ hưởng lợi ở đây không ai khác sẽ chính là Trung Quốc.

Đường đi nước bước của kẻ yếu được thể hiện công khai, cặn kẽ trước mặt kẻ mạnh không phải là một lựa chọn khôn ngoan.

Cả 3 ông Rodrigo Duterte, Antonio T. Carpio và Albert del Rosario đều yêu nước và có quyền tìm cách bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của quốc gia, dân tộc mình.

Trước khi kêu gọi dân chúng Philippines đoàn kết, thiết nghĩ cả 3 vị nên ngồi với nhau. Thực sự vì nước thì sớm muộn họ cũng sẽ tìm được tiếng nói chung.

Người viết không nghĩ là ông Rodrigo Duterte nói dối về cảnh báo của ông Tập Cận Bình, không chỉ bởi "vua không nói chơi", mà vì đối phương có thể chứng minh điều ngược lại một cách dễ dàng, nếu không có chuyện ấy.

Cho đến giờ Bắc Kinh im lặng.

Trong cuộc họp báo ngày 19/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ thấy ca ngợi quan hệ song phương với Philippines, và những cái bà gọi là tiến triển trong quá trình đàm phán COC, cũng như phiên tham vấn đầu tiên với Manila về Biển Đông. [4]

Với cá tính của mình, ông Duterte có lẽ buộc phải chứng minh cho những chính trị gia cáo buộc ông "chẳng làm gì cả", thậm chí là "bật đèn xanh cho Trung Quốc" bằng việc thuật lại một phần cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, các bên liên quan có lẽ cũng cần phải cảm ơn Tổng thống Rodrigo Duterte khi ông cung cấp thông tin khá thẳng thắn, trực tiếp về thái độ và toan tính của Trung Quốc ở Biển Đông.

Có lẽ ngay cả các lực lượng tình báo cũng không dễ gì có được những đánh giá hay phát biểu của ông Tập Cận Bình về Biển Đông trong phòng kín. 

Phải chăng đây cũng chính là một cách khéo léo để ông chủ Điện Manacanang cho các đối tác biết, ông Tập Cận Bình tính toán gì ở Biển Đông?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.interaksyon.com/whiff-of-war-justice-carpio-bring-chinas-threat-to-united-nations/

[2]http://www.gmanetwork.com/news/news/nation/611481/duterte-i-pushed-phl-claim-china-warned-of-war-what-else-could-i-say/story/

[3]http://www.journal.com.ph/news/top-stories/duterte-slams-critics-of-his-china-tack

[4]http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/t1463588.shtml

Hồng Thủy