Tại sao ông Duterte "lộ tin" ông Tập Cận Bình cảnh báo chiến tranh ở Biển Đông?

20/05/2017 13:52
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình đã cảnh báo ông rằng, sẽ nổ ra chiến tranh nếu Manila cố gắng tìm cách thực hiện Phán quyết Trọng tài và khoan dầu trong vùng biển tranh chấp.

Reuters ngày 19/5 đưa tin, cùng ngày Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo ông rằng, sẽ nổ ra chiến tranh nếu Manila cố gắng tìm cách thực hiện Phán quyết Trọng tài và khoan dầu trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Duterte nói rằng ông đã thảo luận với ông Tập Cận Bình khi hai người gặp nhau tại Bắc Kinh tuần trước, bên lề Diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường.

Và Tổng thống Philippines đã nhận được từ chủ nhà lời cảnh báo "mạnh mẽ, nhưng thân thiện". Duterte thuật lại một phần cuộc nói chuyện giữa ông với Tập Cận Bình:

"Chúng tôi dự định khoan dầu ở đó. Nếu nó là của các ngài, tốt thôi, nó là quan điểm của các ngài. Nhưng quan điểm của tôi là, tôi có thể khoan dầu nếu khu vực đáy biển đó thuộc về chúng tôi.

Ông ấy (Tập Cận Bình) trả lời tôi rằng: chúng ta là bạn bè, chúng tôi không muốn tranh cãi với ngài. Chúng tôi muốn duy trì mối quan hệ ấm áp hiện nay. Nhưng nếu các ngài cứ ép, chúng ta sẽ đi đến chiến tranh.".

Tổng thống Rodrigo Duterte tham dự Diễn đàn kinh tế tại Phnom Penh, Campuchia hôm 11/5 trước khi sang Bắc Kinh dự hội nghị Một vành đai, một con đường. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Rodrigo Duterte tham dự Diễn đàn kinh tế tại Phnom Penh, Campuchia hôm 11/5 trước khi sang Bắc Kinh dự hội nghị Một vành đai, một con đường. Ảnh: Reuters.

Tập Cận Bình nói với Rodrigo Duterte rằng: đừng động vào nó (khu vực tranh chấp trên Biển Đông). Chủ tịch Trung Quốc hứa rằng sẽ bàn về Phán quyết Trọng tài trong tương lai, nhưng không phải bây giờ.

Tổng thống Philippines tường thuật, nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn bàn về Phán quyết Trọng tài trong thời điểm các bên yêu sách khác, ví dụ Việt Nam, cũng có thể kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán.

Từ lâu Tổng thống Duterte đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Tập Cận Bình và sẽ nêu vấn đề Phán quyết Trọng tài với Chủ tịch Trung Quốc, nhưng trước hết cần củng cố quan hệ song phương.

Manila hy vọng sẽ có hàng tỉ USD đầu tư và cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc.

Rodrigo Duterte nổi tiếng về sự thẳng thắn của ông vào những thời điểm dễ gây hiềm khích, các cơ quan tham mưu giúp việc của ông thường phải thay mặt Tổng thống giải thích, đính chính, thậm chí đổ lỗi cho truyền thông "bóp méo" thông điệp của Duterte.

Đây không phải lần đầu tiên ông chủ Điện Manacanang công khai các nội dung thảo luận trong cuộc họp riêng với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới.

Nhận xét được ông đưa ra hôm qua đúng lúc Trung Quốc - Philippines tổ chức phiên đối thoại song phương đầu tiên về Biển Đông. [1]

Theo South China Morning Post ngày 19/2, chuyến đi Trung Quốc dự Diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường, ông Duterte đã mang về lời hứa từ Bắc Kinh về một khoản tín dụng 72 triệu USD.

Cùng ngày, Đại sứ Philippines tại Bắc Kinh Jose Santiago Sta. Romana đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tại một khách sạn sang trọng ở Quý Dương, Quý Châu.

Ông Romana nói với báo chí sau cuộc gặp:

"Mục đích của cơ chế tham vấn song phương này là để thảo luận các vấn đề gây tranh cãi, trong khi chúng tôi vẫn theo đuổi hợp tác trong các vấn đề không gây tranh cãi ở các lĩnh vực khác.

Nhưng chúng tôi không tập trung vào việc áp đặt lên Trung Quốc. Chúng tôi chỉ muốn trình bày quan điểm của Philippines.". [2]

Tại sao ông Duterte "lộ tin" ông Tập Cận Bình cảnh báo chiến tranh ở Biển Đông? ảnh 2

Những cơ hội và thách thức của sáng kiến “một vành đai, một con đường”

The New York Times ngày 19/5 bình luận về cảnh báo này của ông Tập Cận Bình với ông Rodrigo Duterte:

Mặc dù Bắc Kinh chưa lên tiếng xác nhận cảnh báo của ông Tập Cận Bình được Tổng thống Philippines tiết lộ, nhưng nó vẫn nhấn mạnh tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Hoa Kỳ trong chính sách với khu vực.

Mỹ đang cố gắng duy trì sự thống trị của hải quân ở Thái Bình Dương, trong khi phải đối mặt với sự tích tụ quân sự của Trung Quốc và xây dựng các hòn đảo nhân tạo (trái phép) trong vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp.

The New York Times cho biết thêm, khi tiết lộ cảnh báo của ông chủ Trung Nam Hải, hôm qua Tổng thống Duterte cũng nói rằng, nếu để xảy ra chiến tranh với Trung Quốc sẽ gây ra một vụ thảm sát và phá hủy tất cả. [3]

Bắc Kinh muốn phong tỏa và định hướng thông tin về Biển Đông, Manila "bật mí bí mật" có mục đích

South China Morning Post ngày 19/5 dẫn lời ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết:

"Khung dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) chỉ bao gồm các yếu tố và không phải các quy tắc cuối cùng.

Nhưng kết luận của khung dự thảo này là một cột mốc quan trọng trong quy trình. Nó sẽ tạo nền tảng tốt cho vòng đàm phán tiếp theo.

Khung dự thảo sẽ là một tài liệu nội bộ và không ai nên công bố nó.

Một lý do là chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn, và lý do khác là chúng tôi không muốn thấy bất kỳ sự can thiệp nào vào các cuộc tham vấn trong tương lai của chúng tôi". [4]

Cá nhân người viết cho rằng, phát biểu trên của ông Lưu Chấn Dân thể hiện ý đồ Bắc Kinh muốn phong tỏa thông tin về quá trình tham vấn liên quan đến COC.

Thông qua việc phong tỏa thông tin này, Trung Quốc dễ bề định hướng dư luận rằng, đây là một tiến triển đáng kể giữa ASEAN và Trung Quốc, vì thế Biển Đông vẫn hòa bình, ổn định.

Tuy nhiên tờ Rappler, Philippines ngày 19/5 dẫn lời tân Ngoại trưởng nước này, ông Alan Peter Cayetano cùng ngày cho biết:

"COC chắc chắn nó phải có ràng buộc. Câu hỏi bây giờ đặt ra là, COC có ràng buộc pháp lý hay không? Nếu một quốc gia không quan tâm, thì tòa án có thể làm được gì?

Tất cả chúng ta đều có gắng để tránh không chỉ một cuộc chiến tranh, mà còn tránh sự bất ổn.

Nhiều, rất nhiều quốc gia muốn nó (COC) có tính ràng buộc về pháp lý. Nhưng những gì tôi muốn nói là, nó nên bắt đầu từ sự ràng buộc bằng một sự đồng ý của các quý ông.

Khi COC không phải là ràng buộc pháp lý thì điều gì làm nên sự "ràng buộc"? Đó chính là cam kết giữa quốc gia với quốc gia.

Tân Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano phát biểu với báo giới về COC, ảnh: Rappler.
Tân Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano phát biểu với báo giới về COC, ảnh: Rappler.

Đó là vấn đề. Các bạn không có một tòa án quốc tế (có tính ràng buộc / cơ chế thi hành án bắt buộc với tất cả các bên?). Đó không chỉ là vấn đề của Biển Đông, mà còn là một vấn đề trong các mối quan hệ quốc tế.

Tôi xin hỏi các bạn, có phải hầu hết, thậm chí tất cả các nước muốn nó (COC) có tính ràng buộc pháp lý hay không? Có. Nhưng tiếng nói này có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết.

Bởi vì họ không tin rằng có thể có một tòa án độc lập, chúng ta sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Vậy chúng ta có nên đồng ý với COC mà sẽ được thực thi bởi cộng đồng các quốc gia ký kết nó?". [5]

Rappler đặt vấn đề, nếu COC không có sự ràng buộc về pháp lý, thì nó khác gì với Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002?

DOC kêu gọi các nước có yêu sách ở Biển Đông kiềm chế, không làm leo thang căng thẳng trong vùng biển tranh chấp.

Vì DOC không có gì ràng buộc, Trung Quốc đã liên tục tìm cách thay đổi hiện trạng, đặc biệt là việc bồi lấp đảo nhân tạo và liên tục quân sự hóa Biển Đông.

Lần trước, trong phiên họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 8 tháng Ba năm nay, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng từng ca ngợi về "khung dự thảo" COC như một bước tiến mới. 

Nói rồi ông Nghị dõng dạc tuyên bố: không cho phép bất kỳ ai "gây rối" Biển Đông.

Tại sao ông Duterte "lộ tin" ông Tập Cận Bình cảnh báo chiến tranh ở Biển Đông? ảnh 4

Cán cân Trung-Mỹ đang dịch chuyển và bài toán cho các nước ven Biển Đông

Tránh để Bắc Kinh một mình một ngựa "định hướng dư luận thế giới về Biển Đông", ngày 16/3, Quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo lên tiếng giải thích với báo giới:

"Đây (dự thảo khung COC mà ông Nghị nhắc đến) không phải là dự thảo COC. Đó là dự thảo các khuôn khổ cho COC, đó chỉ là bản thảo đầu tiên. 

Tầm quan trọng của nó là, nếu chúng ta có được một bộ khung quy tắc ứng xử, đó sẽ là cơ sở tiến hành các cuộc đàm phán trên thực tế về quy tắc ứng xử sau đó". [7]

Cá nhân người viết cho rằng, những phản ứng từ các nhà lãnh đạo Philippines như Quyền Ngoại trưởng Enrique Manalo hôm 16/3, Tổng thống Rodrigo Duterte và tân Ngoại trưởng Cayetano ngày hôm qua là có chủ ý.

Nếu như ông Enrique Manalo chỉ đơn giản muốn ngăn chặn Bắc Kinh phong tỏa thông tin và độc quyền định hướng dư luận về COC, thì thông điệp của ông Duterte và Cayetano ngày hôm qua có thể là dấu hiệu của một sự đổi thay.

Hiện không ai có thể xác minh nội dung cuộc trao đổi giữa Rodrigo Duterte với Tập Cận Bình về Biển Đông, và việc Tổng thống Philippines công bố lời đe dọa "mạnh mẽ nhưng thân thiện" là có sự trao đổi trước với Trung Nam Hải rồi hay không.

Nhưng rõ ràng về mặt đối nội, phát biểu này của ông Duterte là nhằm chứng minh cho những quan điểm trong nước phản đối chính sách của ông với Trung Quốc rằng, ông đang bảo vệ lợi ích của Philippines bằng giải pháp hòa bình và phù hợp nhất với thực tế.

Duterte dường như đang tìm cách chứng minh cho dư luận Philippines thấy:

(i) Chiến tranh với Trung Quốc thì Philippines chắc chắn thua; (ii) muốn bảo vệ quyền lợi của mình trước đối thủ bất đối xứng và đầy tham vọng như Bắc Kinh, không có cách nào khác là thông qua hợp tác với chính sách mềm dẻo.

Lạt mềm thì buộc chặt, răng cứng thì rụng lưỡi mềm thì còn.

Đáng lưu ý hơn cả là giải thích của tân Ngoại trưởng Cayetano về COC.

Nếu không có tính ràng buộc pháp lý, thì đúng là nó chẳng khác gì việc chép lại DOC và có bổ sung cho phù hợp với "trạng thái bình thường mới" mà Bắc Kinh đã tạo ra trên Biển Đông.

Diễn giải COC theo hướng này sẽ tác động ảnh hưởng như thế nào đến Biển Đông và phản ứng của các bên sẽ ra sao, cần có thêm thời gian và số liệu.

Nhưng có một điều chắc chắn diễn giải mới này của Manila phù hợp với mong muốn và toan tính của Bắc Kinh.

Tiếp tục củng cố quân sự hóa trước mắt, không ngừng thực hiện âm mưu lâu dài

Hai ngày qua truyền thông cũng rộ lên thông tin Trung Quốc đã bố trí hệ thống vũ khí chống người nhái trên đá Chữ Thập, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam, hiện cấu trúc này đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa bất hợp pháp).

Đa Chiều ngày 19/5 tổng hợp tin tức truyền thông cho rằng, hầu hết giới quan sát nhận định động thái này là một bước tiến mới trong việc quân sự hóa Biển Đông, chỉ riêng nhà bình luận người Nga Vasily Kashin nói trên Sputnik News rằng, thông tin này chẳng có gì mới.

Ông Kashin cho biết, hệ thống vũ khí chống người nhái DP-65 đã xuất hiện trên đá Chữ Thập trong bức ảnh chụp đoàn văn công Trung Quốc ra biểu diễn tại đây năm 2013.

Nếu như Reuters cho rằng, hệ thống vũ khí chống người nhái này được lắp đặt để đối phó với Việt Nam, thì Đa Chiều tin rằng chủ yếu nó chuẩn bị đề phòng lực lượng đặc nhiệm thủy quân lục chiến Mỹ (SEALs). [8]

Dàn khoan Trung Quốc tìm băng cháy trên Biển Đông, ảnh: SCMP.
Dàn khoan Trung Quốc tìm băng cháy trên Biển Đông, ảnh: SCMP.

Đó là những hành động quân sự hóa Biển Đông trước mắt, còn về lâu dài, South China Morning Post ngày 18/5 cho biết, tuần qua các kỹ sư Trung Quốc đã công bố thành tựu khai thác thử nghiệm băng cháy ở Biển Đông, biến nó thành khí đốt tự nhiên (metan hydrat) trong một quá trình liên tục. [9]

Băng cháy là một nguồn năng lượng sạch, được đánh giá là có trữ lượng lớn và là nguồn năng lượng thay thế trong tương lai. Tuy nhiên công nghệ khai thác nguồn năng lượng này rất phức tạp và có chi phí cao.

Hiện tại Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản đã tìm cách khai thác nguồn năng lượng này, nhưng mới ở quy mô hẹp.

Ở Biển Đông, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố họ tìm ra các mỏ băng cháy có hàm lượng năng lượng tương đương 70 tỉ tấn dầu.

Theo tuyên truyền của Bắc Kinh, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu, tìm kiếm nguồn năng lượng mới này từ năm 1995.

Mặc dù hiện tại giá năng lượng thấp khiến cho việc khai thác các mỏ băng cháy càng không khả thi về mặt kinh tế, nhưng Trung Quốc đang nhìn xa hơn về tương lai.

Bình luận về các công bố mới nhất của Trung Quốc về băng cháy, Alexey Grivach, Phó Giám đốc Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga cho rằng:

Công nghệ hiện nay không khai thác hiệu quả được khí metan hydrat từ băng cháy, chi phí khai thác đắt và kinh phí để cung cấp nguồn nhiên liệu này đến người tiêu dùng cũng không hề rẻ.

Tuyên bố của Trung Quốc gần đây có nghĩa là Bắc Kinh đã thất bại trong việc sản xuất thương mại dầu đá phiến.

Người phát ngôn tập đoàn Gazprom, Sergei Kupriyanov nói, không có dữ liệu nào về công nghệ sản xuất băng cháy của Trung Quốc được công bố. [10]

Cá nhân người viết cho rằng, việc Trung Quốc tuần qua tuyên bố họ có công nghệ khai thác liên tục băng cháy ở Biển Đông có hai mục đích.

Mục đích trước mắt là nhằm hỗ trợ cho ông Tập Cận Bình về mặt truyền thông với "Trung Quốc mộng" hay "phục hưng dân tộc Trung Hoa" trước thềm Đại hội 19, khẳng định những đột phá về mặt công nghệ năng lượng.

Tuy nhiên thành tựu đó đến đâu cần phải có số liệu và thời gian kiểm chứng.

Mục đích lâu dài, Trung Quốc sẽ tìm cách phát triển công nghệ để khai thác nguồn năng lượng mới này trong tương lai.

Do đó có thể thấy rõ mối liên hệ của tuyên bố về thành tựu công nghệ khai thác băng cháy với cảnh báo chiến tranh mà ông Rodrigo Duterte tiết lộ.

Có thể các nhà lãnh đạo Philippines có tính toán của riêng họ khi công bố cảnh báo "mạnh mẽ nhưng thân thiện" của ông Tập Cận Bình.

Tại sao ông Duterte "lộ tin" ông Tập Cận Bình cảnh báo chiến tranh ở Biển Đông? ảnh 6

Một vành đai, một con đường và chiến lược cò gỗ mổ cò thật

Nhưng có thể cũng sẽ có một hiệu ứng khác từ tiết lộ của ông Duterte, đó là các bên liên quan còn lại ở Biển Đông sẽ đặt câu hỏi, phải chăng cảnh báo của Trung Nam Hải không chỉ nhằm riêng vào Philippines, mà có cả mình trong đó?

Chỉ có điều người viết xin lưu ý: năm 2014 khi nổ ra khủng hoảng giàn khoan 981, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ra văn bản “Lập trường chính thức của Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Theo đó, tháng 9/1975 lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với Tổng bí thư Lê Duẩn tại Bắc Kinh rằng:

“Trung Quốc có đầy đủ tài liệu chứng minh quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) từ xưa đến nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng với nguyên tắc thông qua hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng, sau này hai nước sẽ bàn bạc giải quyết”.

Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5/1988 đã ghi nhận rõ ràng nội dung phát biểu này của Đặng Tiểu Bình, thừa nhận rất rõ hai nước có bất đồng / tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa và để lại sau này bàn bạc giải quyết.

Tuy nhiên ngày nay Trung Quốc luôn phớt lờ các yêu cầu của Việt Nam đề nghị hai nước ngồi vào bàn đàm phán "song phương, trực tiếp" giải quyết vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. [11]

Nhắc lại chuyện này biết đâu lại giúp các bạn Philippines tìm thấy những điều gì đó có ích, mỗi khi nhận được những lời hứa từ Trung Nam Hải, nhất là việc hứa gác lại Phán quyết Trọng tài để xem xét sau?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://uk.reuters.com/article/uk-southchinasea-philippines-china-idUKKCN18F1E9

[2]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2095016/beijing-and-manila-end-talks-war-threat-recalled

[3]https://www.nytimes.com/2017/05/19/world/asia/philippines-south-china-sea-duterte-war.html?_r=0

[4]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2094873/china-and-asean-agree-draft-code-conduct-south-china

[5]http://www.rappler.com/nation/170373-dfa-cayetano-code-conduct-south-china-sea

[6]http://news.xinhuanet.com/english/2017-03/08/c_136112403.htm

[7]http://www.philstar.com/headlines/2017/03/16/1681874/dfa-mum-inclusion-tribunal-ruling-code-conduct-talks

[8]http://global.dwnews.com/news/2017-05-19/59815939.html

[9]http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2094843/china-taps-cool-future-global-energy

[10]http://tass.com/pressreview/

[11]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/luan-dieu-tq-mau-thuan-chinh-loi-dang-tieu-binh-184980.html

Hồng Thủy