Trung Quốc không hiểu Kim Jong-un muốn gì, tránh kích động hoang mang

15/12/2013 13:50
Hồng Thủy (Nguồn: Yomiuri)
(GDVN) - "Nó giống như khi bạn đối mặt với một vụ rò rỉ khí gas, bạn sẽ phải rất cẩn thật để không phát ra bất kỳ tia lửa nào", giáo sư Jingdong Yuan, một chuyên gia về an ninh Đông Bắc Á tại đại học Sydney cho biết.
Giáo sư Jingdong Yuan, một nhà quan sát Bắc Triều Tiên từ Sydney.
Giáo sư Jingdong Yuan, một nhà quan sát Bắc Triều Tiên từ Sydney.
Tờ Yomiuri Shimbun ngày 15/12 đưa tin, phải đối mặt với sự bấp bênh cao độ từ hàng xóm ngang bướng, Bắc Kinh đang cố tránh bất kỳ phản ứng nào có thể khiến Bình Nhưỡng hoảng sợ hay hoang tưởng sau vụ tử hình Jang Song-thaek. "Nó giống như khi bạn đối mặt với một vụ rò rỉ khí gas, bạn sẽ phải rất cẩn thật để không phát ra bất kỳ tia lửa nào", giáo sư Jingdong Yuan, một chuyên gia về an ninh Đông Bắc Á tại đại học Sydney cho biết. Nếu bất ổn tại Bắc Triều Tiên gây ra sụp đổ bộ máy chính quyền Bình Nhưỡng có thể khiến hàng ngàn người tị nạn tràn sang Trung Quốc và đặt các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên đối diện với nguy hiểm, trong khi Mỹ, Hàn Quốc có thể hành động kịp thời, đây hoàn toàn không phải một diễn biến mà Trung Quốc mong muốn. Jang Song-thaek từ lâu đã được xem là cố vấn của Kim Jong-un và là nhân vật số 2 ở Bắc Triều Tiên, đồng thời ông cũng là cầu nối giữa Bình Nhưỡng với Bắc Kinh. Vụ tử hình ông đã làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chính phủ Kim Jong-un bất chấp Bắc Kinh là đồng minh và nguồn viện trợ quan trọng. Vụ lật đổ và hành quyết Jang Song-thaek diễn ra trong thời điểm nhạy cảm của quan hệ Trung - Triều, tuy nhiên nó sẽ không gây ra một sự thay đổi quan trọng ngay lập tức giữa 2 nước.
Dân Hàn Quốc theo dõi thông tin vụ Jang Song-thaek bị tử hình.
Dân Hàn Quốc theo dõi thông tin vụ Jang Song-thaek bị tử hình.
Vương Tuấn Sinh, một nhà quan sát vấn đề Bắc Triều Tiên từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết mối quan hệ Trung - Triều có thể còn được hưởng lợi sau động thái này khi Kim Jong-un củng cố quyền lực mạnh hơn bao giờ hết, việc tăng cường kiểm soát quyền lực của ông có lợi cho cả hai bên. "Kim Jong-un đã hoàn thành việc củng cố quyền lực của mình và không cần phải thay đổi mạnh trong chính sách đối ngoại. Jang Song-thaek chỉ là một người tư vấn và thực hiện chính sách", Vương Tuấn Sinh nhận xét. Phản ứng của Trung Quốc là tránh đẩy kịch tính vụ Jang Song-thaek, nhấn mạnh đây là chuyện nội bộ của Bắc Triều Tiên và hy vọng Bình Nhưỡng duy trì ổn định, phá triển kinh tế. Bắc Kinh có thể đang hy vọng rằng việc không can thiệp sẽ giúp cho các công ty liên doanh Trung Quốc - Triều Tiên từng được Jang Song-thaek ủng hộ sẽ không nằm trong danh sách mục tiêu thanh trừng tập thể của Bình Nhưỡng. Cũng giống như Hàn Quốc, Mỹ và các bên quan tâm khác, Bắc Kinh đang phải vật lộn để phân tích hiện trạng của Bình Nhưỡng và xác định quan điểm của Kim Jong-un trong các vấn đề quan trọng. Trong khi Kim Jong-un đã đề ra một chính sách chung phát triển vũ khí hạt nhân, ông cũng tuyên bố tập trung xây dựng nền kinh tế nhưng ít dấu hiệu rõ ràng cho thấy điều này. "Bắc Triều Tiên không thể sống mà không có Trung Quốc, nhưng hợp tác trong việc phát triển các đặc khu kinh tế có thể bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó", Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên tại đại học Phúc Đán nói.
Hồng Thủy (Nguồn: Yomiuri)