LTS: Ngày 26/11 báo Tuổi Trẻ đưa tin: "Tàu chiến Trung Quốc chĩa súng vào tàu tiếp tế Việt Nam" khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Từ góc độ một học giả nghiên cứu về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và là một luật sư, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông xoay quanh vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. |
Báo Tuổi Trẻ ngày 26/11 đưa tin: khoảng 9g30 sáng 13-11, khi tàu Hải Đăng 05 đi ngang qua bãi đá Xu Bi (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) khoảng 12 hải lý thì Trung Quốc xua một tàu nhỏ ra đuổi. Đến 11g cùng ngày, hai tàu hải cảnh mang số hiệu 2305 và 35115 xuất hiện và tổ chức vây ép từ mũi và đuôi tàu Hải Đăng 05.
Khoảng 30 phút sau, tàu chiến 995 xuất hiện. Theo thuyền trưởng Trần Văn Nga thì đây là tàu đổ bộ, có độ giãn nước khá lớn, màu xám và được trang bị pháo 37 ly, cùng nhiều loại vũ khí khác.
Tàu chiến 995 của Trung Quốc ngay lập tức vây ép tàu Hải đăng 05 của Việt Nam. Đồng thời bắn pháo hiệu liên tục qua tàu Hải Đăng 05 với hàm ý đe dọa, xua đuổi. Sau đó tàu chiến 995 phát loa bằng tiếng Trung. Tuy nhiên, các thuyền viên tàu Hải đăng 05 không hiểu được nội dung.
“Nhưng nghiêm trọng nhất là đến khoảng 12g thì tàu chiến 995 của Trung Quốc mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05”, thuyền trưởng Trần Văn Nga cho biết.
Có thể nói thông tin này đã lập tức thu hút sự quan tâm, lo ngại đặc biệt từ dư luận. Tuy nhiên trước những tình huống đặc biệt nhạy cảm trong bối cảnh căng thẳng tăng cao trên Biển Đông như hiện nay, chúng ta cần đặc biệt tỉnh táo phân tích vấn đề và tìm kiếm giải pháp tối ưu.
Xác minh thông tin và thu thập bằng chứng
Cá nhân tôi cho rằng, việc đầu tiên các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác minh thông tin trên đúng hay không và công khai tuyên bố để nhân dân yên lòng. Nếu đúng, chúng ta phải nhanh chóng thu thập các bằng chứng có giá trị làm sáng tỏ vụ việc.
Bởi khi nói chuyện với Trung Quốc chúng ta không thể nói suông, mà phải có bằng chứng rõ ràng. Mặt khác khi lên tiếng kêu gọi dư luận khu vực và quốc tế ủng hộ, bảo vệ Việt Nam, chúng ta cũng cần có bằng chứng xác đáng và thuyết phục.
Tàu chiến 995 của Trung Quốc đang đe dọa tàu Hải Đăng 05 - Ảnh do thuyền viên tàu Hải Đăng 05 cung cấp. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ. |
Ngoài ảnh, video quay lại nội dung diễn biến sự việc, lấy lời khai các nhân chứng còn phải xác định cụ thể tọa độ, hải trình của tàu Hải Đăng 05 lúc xảy ra sự cố để giao thiệp, không đối phương sẽ cãi bay cãi biến như trong thực tế thời gian vừa qua.
Thậm chí ngay cả khi sự việc diễn ra theo đúng những gì báo Tuổi Trẻ đã đưa và Việt Nam có bằng chứng, chúng ta cũng phải tính đến khả năng Trung Quốc gài bẫy, bởi khi họ chủ động khiêu khích ta thì họ cũng quay phim chụp ảnh, góc quay có thể đánh lừa người xem. Điều này đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 năm ngoái.
Lúc đó cần làm gì tiếp theo, thiết nghĩ các cơ quan chức năng đều đã có phương án sẵn sàng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, an toàn tính mạng và tài sản của công dân và tàu công vụ phi quân sự Việt Nam đang làm nhiệm vụ phi quân sự.
Điều quan trọng hơn cần tính đến và làm rõ là động cơ, mục đích, ý đồ của Trung Quốc đằng sau vụ việc này là gì, nếu thông tin trên là đúng sự thật? Đó là cái chúng ta cần nghiên cứu kỹ và tính toán phương án đối phó hiệu quả.
Bởi lẽ báo Tuổi Trẻ thuật lại lời ông Nguyễn Duy Hiết, giám đốc Công ty bảo đảm An toàn hàng hải biển Đông và hải đảo, cơ quan chủ quản tàu Hải Đăng 05 cho biết, đây không phải là lần đầu tiên tàu của công ty bảo đảm an toàn hàng hải Biển đông và hải đảo bị tàu Trung Quốc vây ép.
Trung Quốc muốn gài bẫy, tạo cớ mở đường dùng vũ lực ở Trường Sa?
Trong tình huống thông tin báo Tuổi Trẻ được xác minh là có thực thì ta không thể không tính tới khả năng này. Việc ông Tập Cận Bình gần đây 3 lần công khai tuyên bố với thế giới rằng Trung Quốc có cái gọi là "chủ quyền với các đảo ở Biển Đông/Trường Sa từ thời cổ đại" không phải ngẫu hứng.
Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. |
Tuyên bố và nhắc lại của ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc trước và sau hội nghị thượng đỉnh Đông Á hôm 22/11 rằng Trung Quốc đã "rất kiềm chế" ở Biển Đông "mới chưa thu hồi" các đảo đặc biệt đáng lưu ý. Ông Dân cũng không loại trừ khả năng đánh chiếm mà ông gọi bằng khái niệm sai lệch hoàn toàn về bản chất là "thu hồi" khi nói, Trung Quốc "có quyền và có khả năng" làm điều đó.
Vậy cái còn lại có lẽ chỉ cần một cái cớ thích hợp. Những cái bẫy khiêu khích ngoài thực địa thời gian tới có lẽ sẽ xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sắp tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, trong khi trên thế giới Nga và phương Tây đang có dấu hiệu sa lầy vào Trung Đông, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc Su-24 của Nga ở biên giới với Syria.
Mặc dù Mỹ luôn tuyên bố bảo vệ tự do hàng không, hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nhưng ngay cả Thượng nghị sĩ John McCain - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện cũng cảm thấy Nhà Trắng và Lầu Năm Góc hình như đang nói nhiều hơn làm ở Biển Đông.
Thái độ "ỡm ờ" của Washington đối với bản chất các hoạt động mà Mỹ công bố là "tự do đi lại", tuần tra bên trong 12 hải lý một số thực thể là bãi cạn lúc nổi lúc chìm bị Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa khiến dư luận nghi ngại. Có 2 khả năng đặt ra nếu Mỹ chỉ "đi qua vô hại" chứ không phải "đi lại tự do" trong sự kiện USS Lassen hôm 27/10.
Một là, Mỹ ngại phải đụng độ, đối đầu với một Trung Quốc hung hăng, mặc dù hoạt động của Mỹ ở Xu Bi hôm 27/10 theo chính học giả Trung Quốc là hoàn toàn hợp pháp. Hai là, đã có sự thỏa thuận nào đó giữa hai siêu cường như cái bắt tay xuyên Thái Bình Dương năm 1972.
Nếu Mỹ không giải thích rõ ràng và đưa ra bằng chứng, dư luận khu vực cũng như chính giới học giả, truyền thông Hoa Kỳ cũng không biết lý giải ra sao ngoài 2 khả năng này.
Ảnh chụp màn hình bài báo trên Tuổi Trẻ. |
Trung Quốc muốn dùng sức mạnh để khống chế, đe dọa buộc Việt Nam và các quốc gia liên quan khác phải chấp nhận các thực thể địa lý, không phải là đảo theo đúng quy định của UNCLOS 1982 ví dụ như đá Xu Bi, có lãnh hải 12 hải lý?
Có thể khẳng định đây là một trong những mục tiêu mà Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách thực hiện trong thực tế theo đúng phương thức “giành lấy sự công nhận trên thực tế” những yêu sách phi pháp của họ trong Biển Đông.
Rõ ràng là, nếu vì một lý do nào đó, xuất phát từ những động cơ khác nhau trong quan hệ với Trung Quốc, những hoạt động trên thực tế của một số bên liên quan, phải né tránh hoặc buộc phải né tránh, khi đi vào phạm vi vùng biển 12 hải lý quanh các thực thể này và chính hành vi “né tránh” đó được coi là đã tạo ra tiền lệ mặc nhiên thừa nhận “chủ quyền lãnh hải” của Trung Quốc.
“Giành lấy sự công nhận trên thực tế” là một chủ trương hết sức thâm hiểm, được Trung Quốc tính toán, áp dụng trên tất cả các lĩnh vực, mọi lúc, mọi nơi…
Phản ứng cần tỉnh táo, khôn khéo, mềm dẻo nhưng dứt khoát rõ ràng
Do đó, trong thời điểm nhạy cảm, căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, trước mọi hành động khiêu khích chúng ta cần bình tĩnh và xử lý khôn khéo. Những gì thủy thủ đoàn tàu Hải Đăng 05 đã làm được, nếu như đúng theo tường thuật của Tuổi Trẻ, đã thể hiện thái độ và phản ứng hết sức kiềm chế, mềm dẻo, rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, được đằng chân họ sẽ lân đằng đầu, một lần Trung Quốc làm được thì sẽ còn nhiều lần, mà không phải lúc nào tàu Việt Nam cũng "né" được mãi. Vì vậy cần sớm xác minh, nếu đúng thì có biện pháp giao thiệp nghiêm khắc với phía Trung Quốc, đồng thời kêu gọi dư luận khu vực và quốc tế ủng hộ, ngăn chặn các tình huống nguy hiểm tương tự tái diễn.
Cần vạch rõ hành vi bạo lực hung hãn và nguy hiểm của Trung Quốc nếu nó diễn ra, là đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC và thỏa thuận nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc mà lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã thống nhất.
Chúng ta sẵn sàng cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam luôn thiện chí giải quyết mọi bất đồng mâu thuẫn bằng biện pháp đàm phán hòa bình, bình đẳng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nhưng một khi sự sống còn của quốc gia, dân tộc bị đe dọa, thì người Việt sẽ làm tất cả để bảo vệ mình, lúc đó việc liên minh liên kết để tự vệ, bảo vệ phẩm giá của mình cũng như hòa bình, công lý sẽ là việc tất yếu.