Washington Post: Dù là đồng minh cũng phải theo dõi, gián điệp

30/10/2013 13:39
Nguyễn Hường
(GDVN) - Người ta vẫn cho rằng bạn bè không nên do thám lẫn nhau. Nhưng trên phương diện quan hệ quốc tế, luôn luôn tồn tại sự đối lập ngay cả ở giữa các đồng minh thân thiết. Việc gián điệp các quốc gia khác, dù là đồng mình thân thiện, không vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế. Và các đồng minh thân cận của Mỹ như Pháp và Israel cũng rất nổi tiếng về hành vi này.
Washington Post ngày 29/10 phân tích nguyên nhân việc Cơ quan  An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén hàng chục nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu bị lộ không chỉ gây tổn hại cho nước Mỹ mà còn thu hút cả sự thịnh nộ của giới chức nước này. 
Tuy nhiên, sự giận dữ ban đầu dường như đang nhường chỗ cho các cuộc tranh luận về việc tại sao Mỹ lại có ý tưởng tồi là theo dõi các nhà lãnh đạo nước ngoài, thậm chí cả những người thân thiện như Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Người ta vẫn cho rằng bạn bè không nên do thám lẫn nhau. Nhưng trên phương diện quan hệ quốc tế, luôn luôn tồn tại sự đối lập ngay cả ở giữa các đồng minh thân thiết. Việc gián điệp các quốc gia khác, dù là đồng mình thân thiện, không vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế. Và các đồng minh thân cận của Mỹ như Pháp và Israel cũng rất nổi tiếng về hành vi này.
Nhưng việc theo dõi điện thoại di động của bà Merkel là một bước tiến lớn trong một động thái được mô tả là đã đi quá xa. Lý giải việc Mỹ đã do thám và Merkel, Washington Post cho rằng mặc dù là đồng minh nhưng hai nước vẫn cạnh tranh với nhau, đôi khi là ở cả các vấn đề quan trọng. 
Trong năm 2011, Tổng thống Obama muốn can thiệp vào tình hình Libya nhưng bà Merkel không đồng ý và đã sử dụng ảnh hưởng của mình để hạn chế sự tham gia của NATO vào Libya. Đức cũng là quốc gia phương Tây duy nhất phản đối nghị quyết của LHQ về Libya và gần như không cung cấp nguồn lực quân sự nào hỗ trợ sự can thiệp của NATO.
Washington và Đức cũng bất đồng trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro đã gây tác động sâu sắc tới nền linh tế của cả hai nước. Do đó, nếu việc nghe lén điện thoại của bà Merkel có thể giúp Mỹ bảo vệ các lợi ích an ninh và kinh tế của mình, có vẻ như nó được xem là việc làm hiển nhiên và chính đáng. 
Trong trường hợp NSA do thám Pháp, hai nước đã có những bất đồng từ những năm 1960 dưới thời cựu Tổng thống Charles de Gaulle, người từ chối hợp tác về vũ khí hạt nhân với Washington và có những động thái đối đầu với Mỹ.
Việc nghe lén các nguyên thủ quốc gia thay vì các cơ quan tình báo và quân đội của họ được cho là hạnh động vi phạm đạo đức, nhưng không quá gây ngạc nhiên đối với giới chính khách quốc tế như lời Frederick Forsyth, một tiểu thuyết gia và cựu phóng viên tại Berlin đã nói với Reuters. Theo Forsyth, nhiều người hiểu biết về hoạt động gián điệp quốc tế đã bất ngờ khi vụ việc lại khiến nhiều người ngạc nhiên như vậy. Còn cựu Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner cho rằng sự phẫn nộ của châu Âu về đạo đức thì ít mà về mức độ thống trị của thông tin tình báo Mỹ thì nhiều hơn. "Thành thật mà nói, chúng tôi cũng nghe trộm",  ông nói với một đài phát thanh Pháp. "Mọi người đều nghe tất cả mọi người khác. Nhưng chúng tôi không có phương tiện như Hoa Kỳ và điều đó làm chúng tôi thấy ghen tị".
Nguyễn Hường