Hội thảo bàn về những nội dung của cuộc cách mạng 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin, chiến lược liên kết giữa các trường Đại học, Cao đẳng sẽ diễn ra trong hai ngày 24-25/2.
Hôm khai mạc (24/2), tham dự hội thảo có Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; ông Hoàng Nam Nhất đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Giáo sư Mạc Văn Tiến Đại diện Tổng cục dạy nghề cùng đại diện các trường Đại học, Cao đẳng...
Tiến sĩ khoa học Phan Quang Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.
Phó giáo sư Mạc Văn Tiến giới thiệu về những nội dung liên quan đến cuộc cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.
Theo đó, cuộc cách mạng 4.0 được xây dựng trên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba là cuộc cách mạng kỹ thuật số và điện tử (máy tính, công nghệ viễn thông và Internet ra đời và phổ cập) đã xuất hiện từ giữa thế kỷ trước.
Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học mà với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, rô bốt, Internet vạn vật (IOT) khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây mang tính liên ngành sâu rộng...
Giáo sư Trần Hồng Quân phát biểu tại hội thảo: Ảnh: T.A |
Ngoài việc giới thiệu tổng quát và ảnh hưởng sâu rộng của nó tới xã hội loài người và giáo dục nói riêng, cuộc hội thảo lần này sẽ có thêm các workshop chuyên sâu dành riêng cho các chuyên đề như: Các trung tâm ứng dụng (application centres) dành cho các trường kỹ thuật – do Tập đoàn Phoenix contact của Cộng hòa Liên bang Đức giới thiệu một khái niệm hoàn toàn mới về các phòng thực hành, các phòng thí nghiệm… nay đã được thiết kế dưới dạng mô-đun để học sinh tự do sáng tạo…
Giáo trình các khóa online đào tạo trên mạng dành cho các trường đại học, cao đẳng nghề do tập đoàn CMS global của Mỹ kết hợp với một số trường đại học của Mỹ cùng với đối tác tại Việt Nam là trường Đại học FPT.
Theo đó, lần đầu tiên giới thiệu với các trường đại học Việt Nam về khả năng hợp tác để các trường trong nước tổ chức cho học sinh Việt Nam học tại chỗ online.
Các mô hình hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là chương trình của Language Links dành cho giáo viên và sinh viên các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, nhằm giúp nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh.
Điều đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng đại học Funix giới thiệu về những nguyên tắc hoạt động của đại học trực tuyến Funix. Đây là mô hình đào tạo mới, đang thu hút nhiều sinh viên tham gia.
Trong ngày thứ hai (25/2), Hội thảo sẽ diễn ra tại Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) với nhiều cuộc trao đổi, bàn luận giữa các trường đại học, cao đẳng và các đơn vị tuyển dụng, các tập đoàn sản xuất để bàn về định hướng cho các ngành nghề của tương lai.
Việc này nhằm giúp các trường hoạch định các khóa đào tạo cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất và tuyển dụng…
Nhận thấy tầm quan trọng của cuộc hội thảo này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đang bàn cách hợp tác với Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam để cùng phối hợp tổ chức nhằm nêu những vấn đề mà thành phố đang cần câu trả lời.
Qua đó, giúp cho thành phố phát triển bền vững theo hướng smart-city (thành phố thông minh) cũng như thắt chặt mối quan hệ giữa các nhà đào tạo và các tập đoàn sản xuất, các nhà tuyển dụng đóng trên địa bàn thành phố.
Với sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương và các nhà tuyển dụng, các trường đại học và cao đẳng Việt Nam sẽ đào tạo có chất lượng và đúng hướng hơn, tránh được việc các sinh viên thất nghiệp do định hướng chưa đúng hoặc do chất lượng sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.