Giáo dục là phải biến những cậu bé chăn bò thành kỹ sư công nghệ

16/02/2017 07:24
An Nguyên
(GDVN) - Ngành giáo dục phải đào tạo làm sao để hàng triệu người dân bình thường cũng có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.

Đó là chia sẻ của Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT, người sáng lập Đai học trực tuyến FUNiX tại hội thảo: “mô hình mới trong đào tạo nhân lực công nghệ thông tin” do Đại học FPT tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 15/2.

Tham gia hội thảo còn có nhiều Trường Đại học ở khu vực miền Trung, các trường THPT và lãnh đạo chính quyền địa phương.

Chương trình đào tạo đặc thù

Theo mô hình mới này thì Đại học FPT Đà Nẵng sẽ thiết kế một chương trình đào tạo đặc thù theo yêu cầu của Công ty FPT Software (doanh nghiệp phần mềm) với bốn học kỳ.

Nội dung chương trình do phía doanh nghiệp đề xuất, xuất phát từ yêu cầu thực tế của ngành công nghiệp phần mềm.

Đại diện Trường Đại học FPT ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: An Nguyên
Đại diện Trường Đại học FPT ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: An Nguyên

“Doanh nghiệp cũng sẽ tham gia tích cực vào quá trình đào tạo bao gồm: cung cấp các công cụ quản trị, cử các chuyên gia làm mentor (hướng đạo), kiểm soát chất lượng và đánh giá đầu ra.

Sinh viên còn được thực tập tại doanh nghiệp và tham gia vào các dự án thực tế.

Sinh viên chưa ra trường đã có việc làm, chuyện ở một trường Đại học

Sinh viên chưa ra trường đã có việc làm, chuyện ở một trường Đại học

Hàng tuần, các sinh viên được đào tạo kũ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp, giáo dục thể chất, văn hóa và ngoại ngữ theo tiêu chuẩn của Đại học FPT” đại diện Đại học FPT cho biết.

Những sinh viên hoàn thành chương trình 4 học kỳ nói trên được công nhận trình độ tương đương cấp bậc nhân viên đầu vào của FPT Software.

Được nhận chứng chỉ “Junior SE” do Đại học FPT Đà Nẵng và FPT Software đồng chứng nhận.

Đồng thời, FPT Software cam kết tuyển dụng chính thức những sinh viên này.

“Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên có thể lựa chọn vừa đi làm vừa học theo chương trình của Đại học trực tuyến FUNIX hoặc quay về trường học theo chương trình chính quy của Đại học FPT để lấy bằng Kỹ sư Công nghệ thông tin” vị đại diện này thông tin thêm.

Cũng theo vị đại diện này thì mô hình mới nhằm tạo điều kiện cho đông đảo các bạn sinh viên có cơ hội tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Với thời gian từ khoảng 16-20 tháng và khoản đầu tư khoảng 40-50 triệu đồng, sinh viên đã có thể tham giam vào ngành công nghiệp phần mềm và cơ hội tự nâng cao năng lực của mình.

Những chú bé chăn bò cũng có thể vào làm việc ở công ty phần mềm

Tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia đưa ra thực tế là có một khoảng cách khá lớn giữa nhu cầu của doanh nghiệp phần mềm với số lượng và chất lượng sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin.

Học, học nữa, học mãi và sự tự học của người Việt Nam hiện nay

Học, học nữa, học mãi và sự tự học của người Việt Nam hiện nay

Nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ thông tin trong những năm gần đây tăng lên rất cao.

Trong khi đó, nguồn sinh viên tốt nghiệp ngành này từ các trường Đại học, Cao đẳng còn rất ít, không đảm bảo yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT, người sáng lập Đai học trực tuyến FUNiX cho rằng, ngành giáo dục chúng ta phải làm sao đào tạo được người dân bình thường có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Dẫn lại ý của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại buổi làm việc trước đó như sau: “Tôi muốn những cậu bé chăn bò miền trung có thể vào làm việc ở các công ty phần mềm”.

Ông Nam phân tích, ngành công nghệ thông tin đang phát triển, thay đổi hàng ngày, hàng giờ.

Và liệu những chú bé chăn bò kia có thể vào làm việc ở đấy không? họ cần trang bị những gì để vào đó?

“Cơ hội cực kỳ to lớn và cực kỳ nhiều. Nhưng chúng ta cứ loay hoay tranh luận là làm thế nào cho tốt nhưng kết quả lại cực kỳ ít.

Chúng ta phải đưa ra phương pháp đào tạo như thế nào để thu hút được người dân vào đó mới quan trọng”.

Ông Nam nói tiếp, chúng ta phải có phương án đào tạo hợp lý, trong thời gian ngắn nhất để những người dân bình thường cũng có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp.

“Cuộc cách mạng lần này diễn ra rất nhanh nên chúng ta phải tham gia vào đó. Và khi tham gia vào rồi thì chúng ta học cách biến đổi theo nó.

Chúng ta không phải cứ ngồi trên ghế nhà trường nghiên cứu, nghiên cứu, đến khi xong thì nó đã chạy đến đâu mất rồi” ông Nam chia sẻ.

Cũng theo ông Nam, mô hình mới đưa ra của Trường Đại học FPT sẽ giải quyết phần nào những vướng mắc ấy, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Software cũng đặt vấn đề, hiện chúng ta thiếu cái gì?

“Chúng ta thiếu tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Đức, thiếu cập nhật công nghệ thông tin...

Trong các trường đại học chúng ta có sự thay đổi rất lớn trong 10 năm qua nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của nền công nghệ thông tin thế giới.

Tất nhiên, các trường đại học không thể dạy được những gì mới nhất. Nhưng phải dạy cho sinh viên làm sao có thể tự học được một cách nhanh nhất” ông Tiến nói.

Nếu chúng ta có phương pháp đào tạo tốt, nhanh chóng thì ngay lập tức sẽ có hàng ngàn việc làm mới.

“Tất cả thế giới đang thay đổi, trong ba cuộc cách mạng trước đây, chúng ta đã “lỡ chuyến tàu”.

Còn đến cuộc cách mạng thứ 4 (Digital Transformation) thì chúng ta có lỡ không?

Tôi tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, chúng ta sẽ không lỡ. Sẽ có hàng triệu người tham gia cuộc chơi mới” ông Tiến nói.

An Nguyên