Ban quản lý Cúc Phương “cưa nhầm” gỗ quý

29/04/2011 07:06
Tự lập kế hoạch “tu bổ” vườn thực vật, tự tay bài chặt vào “cây ngoại lai”, rồi tự tay chặt cây, dường như Ban quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương đã “cưa nhầm”.
Tự lập kế hoạch “tu bổ” vườn thực vật, tự tay bài chặt vào “cây ngoại lai”, rồi tự tay chặt cây, dường như Ban quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương đã “cưa nhầm” nhiều cây gỗ quý...
Vườn thực vật… nham nhở
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương (huyện Nho Quan, Ninh Bình) và giật mình bởi những đống gỗ, củi to được chất 2 bên đường. Theo quan sát của chúng tôi và một số người dân có kinh nghiệm về cây rừng, trong những đống gỗ, củi này có lẫn cả những cây gỗ quý. Số gỗ, củi ấy được lấy từ trong rừng thực vật của VQG Cúc Phương.
Rất nhiều gốc cây to như thế này bị đốn hạ trong VQG Cúc Phương
Rất nhiều gốc cây to như thế này bị đốn hạ trong VQG Cúc Phương
Trao đổi với PV, ông Trương Quang Bích - Giám đốc VQG Cúc Phương cho biết, dựa vào kết quả đánh giá của nhóm kỹ thuật, đại diện Hội đồng khoa học VQG Cúc Phương và đề xuất của Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế về tình hình sinh trưởng, phát triển của các loài cây trồng bảo tồn trong vườn thực vật, ngày 17.1.2011 VQG Cúc Phương đã ra Thông báo số 02/TB/VCP, về kế hoạch chăm sóc vườn thực vật.
Vô tình chúng tôi bắt gặp một bộ bàn ghế bằng gốc cây khá to vẫn còn rỉ nhựa, đường kính khoảng 70 – 80cm, có hình dạng khá tương thích với mẫu và những cái hố được cho là gốc chò chỉ trong vườn thực vật. Ấy vậy mà khi hỏi, ông Cường bảo đây là… gốc mít.
Theo đó, những cây ngoại lai, cây phi mục đích sẽ được chặt bỏ, nhường không gian cho những lô cây bảo tồn phát triển. Những cây được bài chặt là keo, phượng, xoan, tre, sau sau và cọt khẹt. Việc cưa chặt cây được giao cho Công đoàn, Hạt Kiểm lâm và Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Thời gian “dọn vệ sinh” rừng từ ngày 10.2.2011 đến 31.3.2011.
Có mặt tại rừng thực vật, cái đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là cảnh nham nhở, như vừa có bàn tay “lâm tặc” nhúng vào. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn gốc cây đã bị cắt đi phần thân và nhiều gốc cây bị đào trọn bộ gốc, để lại những cái hố rộng gần gian nhà. Với những gốc cây còn sót lại, đa số đều có đường kính từ 30 – 70cm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, thì đây là những gốc cây sau sau (cây ngoại lai). “Các hố này là do chúng tôi bứng cây sang trồng ở chỗ khác cho đúng quy hoạch” – ông Cường giải thích.
Tuy nhiên, hỏi trồng ở đâu thì ông Cường không tiết lộ. Hoài nghi “chủ nhân” của những cái hố này là những cây… gỗ quý, chúng tôi đã lấy mẫu để hỏi những người có kinh nghiệm về cây rừng, thì họ đều khẳng định một số mẫu thuộc nhóm gỗ quý, trong đó có cây chò chỉ. Tiến sâu vào rừng, chúng tôi còn bắt gặp cả những khúc gỗ có dấu cưa xẻ vuông vắn, mẫu những khúc gỗ này được nhiều người cho là gỗ chò chỉ.
Bán gỗ VQG để đi… du lịch
Ông Bích cho biết, hàng năm VQG vẫn tiến hành “dọn vệ sinh” những cây ngoại lai, cây phi mục đích. Và lần “dọn vệ sinh” này được tiến hành trên diện tích khoảng 50ha.
Cứ như ông Bích nói, năm nào cũng dọn vệ sinh, thì tại sao khi phát hiện những cây ngoại lai, cây phi mục đích, cán bộ, công nhân viên VQG không loại bỏ ngay mà phải đợi đến khi hàng nghìn “cây ngoại lai” lớn lấn át (to gấp đôi, gấp ba) cây bảo tồn, lãnh đạo VQG mới tiến hành chặt đồng loạt?
“Cây ngoại lai, cây tiên phong thường lớn nhanh hơn cây bản địa, chỉ sau 5 – 6 năm là nó lấn át cây bảo tồn” – ông Bích nói. Tuy nhiên, nhìn vào thớ vân, độ lớn của gốc cây, tôi đoán những cây này chí ít cũng vài chục năm tuổi.
Bộ bàn ghế bằng gốc cây được cho là gốc chò chỉ.
Bộ bàn ghế bằng gốc cây được cho là gốc chò chỉ.
Phạm vi “dọn vệ sinh” là 50ha, với mật độ cây bị cưa đổ khá dày đặc, ấy thế mà khi hỏi về khối lượng, ông Bích cho hay: “Tổng khối lượng gỗ thu được là 30m3, bán với giá 500.000 đồng/m3; củi là 120 ster, bán giá 300.000 đồng/m3. Trừ hết chi phí còn 41 triệu đồng. Số tiền này một phần dành để tu bổ vườn thực vật, phần còn lại cho anh em đi… du lịch.
Người dân ở đây cho biết, hiện phía sau trại lợn và Trạm kiểm lâm VQG đang “cất” một đống gỗ rất lớn chưa rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị vào “thăm” trại lợn, không hiểu vì lý do gì, ông Cường bảo trại lợn bị dịch chết hết rồi, chỉ còn 2 con, nên không dẫn chúng tôi đến. Rồi ông đưa đến một trang trại lợn rừng, cách cổng VQG khoảng 500m.
Vẫn biết việc “dọn vệ sinh” vườn thực vật của VQG là cần thiết. Tuy nhiên, nếu “dọn vệ sinh” mà chặt bỏ những cây gỗ đã hàng chục năm tuổi (kể cả cây ngoại lai, cây phi mục đích) thì cần phải cân nhắc kỹ. Bởi bao giờ bảo tồn cũng phải gắn với sự phát triển và đa dạng sinh học thực vật! Đáng tiếc là hàng trăm cây trong VQG Cúc Phương, có độ tuổi hàng chục năm đã ngã xuống...!
Theo Việt Tùng/NTNN