Những người chỉ đường "vô danh" trong ngày chiến thắng

01/05/2011 08:11
Trong giờ phút lịch sử, bất kỳ ai: anh xích lô, cô sinh viên hay một bà má...đều là một "chiến sĩ vô danh" chỉ đường cho quân giải phóng.

Ngày 30/4/1975, hầu hết các cánh quân của Quân giải phóng tiến vào trung tâm thành phố Sài Gòn đều có chung một việc phải làm: Hỏi đường đến Dinh Độc Lập. Duy nhất ở cánh quân xe tăng, bộ binh tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất, các phóng viên chiến trường đã ghi lại hình ảnh cô gái xinh đẹp Nguyễn Trung Kiên, nữ biệt động Sài Gòn tay ôm khẩu AK đội mũ tai bèo dẫn đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, trại Davis…Còn lại các cánh quân khác đều phải nhờ những người dân “vô danh” dẫn đường…

Những ngày cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm ở Sài Gòn
Kỳ 2: Những ngày cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn
Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn

Thượng tướng Lê Văn Dũng-Bí thư TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kể: Sáng 30/4, cánh quân của chúng tôi từ hướng Long An tiến vào đến Ngã tư Bảy Hiền. Mục tiêu của đơn vị là chiếm trại Lê Văn Duyệt (Biệt khu Thủ đô)- Bộ Tổng tham mưu của Quân đội Sài Gòn sau đó tiến về Dinh Độc Lập. Khi anh em trong đơn vị còn loay hoay hỏi thăm đường, một anh xích lô trạc tuổi trung niên nhanh nhảu chỉ ngay: Đó, đó!
Các chú đang đứng trước cửa trại Lê Văn Duyệt. Hóa ra xe tăng và chiến sỹ đang đứng trước cửa nơi cần tìm mà không biết Trại Lê Văn Duyệt chính là Biệt khu Thủ đô. Chính uỷ Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Binh đoàn 232 Thiếu tá Lê Văn Dũng hỏi anh xích lô: Nhờ anh chỉ giùm đường đến Dinh Độc Lập.
Anh xích lô nói một lèo khá dài nào là rẽ trái, quẹo phải rồi đi thẳng... “Hay là anh lên xe tăng chỉ dùm đường...” – Chính uỷ Dũng đề nghị, anh xích lô mừng quýnh, hất vội chiếc xe xích lô vô lề- phương tiện kiếm cơm, là tài sản lớn của anh và gia đình ngã chỏng gọng, rồi leo lên xe tăng ngồi bên cạnh chỉ đường rất vui…
Khi đến Dinh Độc Lập, xe tăng của ta đã có 3 - 4 chiếc vào trước, mọi người vui mừng, bận bịu, loay hoay với công việc tiếp quản… anh xích lô lặng lẽ biến mất trong biển người đang vỡ oà ra đường mừng Sài Gòn giải phóng.
30 năm trôi qua, Thượng tướng Lê Văn Dũng vẫn bồi hồi như một người có lỗi vì không kịp cảm ơn, không kịp biết tên người xích lô dẫn đường năm ấy.
 Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Tư lệnh Quân khu 1, 30 năm trước là đại uý – Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 Quân khu 2 là người chỉ huy cao nhất vào Dinh Độc Lập bắt Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện vào trưa 30/4/1975.
Trung tướng Thệ bồi hồi nhớ lại: Sau hai trận đánh dữ dội tiêu diệt các ổ kháng cự cuối cùng của địch ở cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn, xe tăng của chúng tôi vào đến Ngã tư Hàng Xanh khoảng 6 giờ sáng, trời còn tờ mờ...
Nhưng quá nhiều đường không biết Dinh Độc Lập ở đâu, tôi gõ cửa nhà dân để hỏi. Có lẽ do bắn nhau nhiều quá bên cầu Sài Gòn nên nhiều nhà gõ cửa không ai lên tiếng vì…sợ. Sau đó mãi mới có giọng một người phụ nữ nói vọng ra: Quẹo trái, đi thẳng rồi quẹo trái lần nữa thì tới… Đây là người dân Sài Gòn đầu tiên tôi nghe tiếng nói không thấy mặt.
Tiêu diệt ổ địch chống cự bên cầu Thị Nghè, xe tăng chúng tôi men theo bờ tường Thảo cầm viên ra tới cổng chính. Lúc này trên đại lộ Thống Nhất không khí tưng bừng náo nhiệt chưa từng có, hai bên đường hàng vạn nhân dân vẫy tay, vẫy cờ đón mừng Quân giải phóng.
Tôi dừng xe jeep hỏi đường đến Dinh Độc Lập, một anh trạc tuổi trung niên tay cầm cờ giải phóng vẹt đám đông chỗ cổng chính Thảo cầm viên nói: Tui biết đường…
Trung đoàn phó Thệ mời anh lên xe jeep chỉ đường chạy băng băng trên đại lộ Thống Nhất. Khi vào Dinh, lái xe Đào Ngọc Vân giật lấy cờ trên tay anh này để chạy lên cắm, anh ta níu lại và la toáng lên: Cờ của tui. Thấy vậy, anh Thệ quát: Cờ của ai cũng lên cắm! Anh Vân hối hả mang cờ chạy lên tầng hai Dinh hăng hái phất cờ chiến thắng.
Chân dung “người Sài Gòn vô danh” bên cạnh đại uý Thệ 30 năm trước (người thứ 2, trái sang)
Chân dung “người Sài Gòn vô danh” bên cạnh đại uý Thệ 30 năm trước
(người thứ 2, trái sang)
Giờ đây, Trung tướng Thệ chỉ tay vào tấm ảnh của anh hồi 27 tuổi và ảnh một người thanh niên gầy gò bên cạnh, anh nói: Đó là anh thanh niên cầm cờ, dẫn đường… Tôi chưa kịp hỏi tên, chưa cám ơn. Ước gì được gặp lại anh ấy một lần…
Cũng chi tiết thú vị này, trong bài viết tường thuật “Chúng tôi đi theo xe tăng vào Dinh Độc Lập” của phóng viên chiến trường Ngọc Đản vào thời khắc thiêng liêng ấy có đoạn như sau: “…chiếc xe jeep của Trung đoàn phó Thệ vượt lên trên chiếc xe bọc thép chúng tôi.
Tôi thấy rất rõ trên xe đó có một người đàn ông trạc 40 tuổi cầm lá cờ Tổ quốc vẫy liên tục. Có lẽ đó là người dân Sài Gòn đầu tiên nhảy lên xe bộ đội ta…”.
Cánh quân phía Đông (Duyên Hải) thuộc Sở chỉ huy Tiền phương tiến vào trung tâm thành phố cũng phải hỏi thăm đường… Người Sài Gòn mừng đón bộ đội giải phóng với sự thân thiện và nhiệt tình, cặn kẽ chưa từng có.
Một cán bộ kể lại: Khi hỏi đường đến Dinh Độc Lập, một chị phụ nữ rất xinh đẹp chỉ ngay: Mấy anh bộ đội Cụ Hồ đi đường này nè, khoảng 10 phút nữa là tới nơi…”. Không hỏi kịp tên, những anh lính trẻ chỉ biết gọi là “Chị Hai miền Nam”.
Có biết bao đồng bào miền Nam, bao bà chị, bao em gái miền Nam đã âm thầm lặng lẽ hy sinh cho cách mạng, cho độc lập tự do. Họ là những người Sài Gòn “vô danh” trong ngày chiến thắng.
Theo Tiền phong