Hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2012: Nhiều điểm mới cần lưu ý

14/03/2012 15:11
Theo HaNoiMoi
Ngày 15-3, TS bắt đầu khai và nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Trao đổi với bà Tạ Song Hà, Phó Trưởng phòng GD chuyên nghiệp, TS cần lưu ý những điều sau.
Thí sinh cần tra cứu kỹ các thông tin để tránh nhầm lẫn khi ghi phiếu, ảnh hưởng đến nguyện vọng và quyền lợi.Ảnh: Khánh Nguyên
Thí sinh cần tra cứu kỹ các thông tin để tránh nhầm lẫn khi ghi phiếu, ảnh hưởng đến nguyện vọng và quyền lợi.Ảnh: Khánh Nguyên
Từ ngày 15-3, thí sinh (TS) tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 bắt đầu khai và nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT). Nhằm hỗ trợ TS hạn chế tối đa những nhầm lẫn, sai sót có thể xảy ra, PV Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Tạ Song Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Hà Nội) về những điều TS cần lưu ý.
Bà Hà cho biết, về cơ bản, mẫu hồ sơ ĐKDT năm nay vẫn như năm trước, tuy nhiên có một số thay đổi nhỏ mà TS cần lưu ý. Trước tiên là ở mục 2 (trường ĐKDT), TS chú ý ghi đúng mã ngành. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2012, toàn bộ mã ngành đào tạo của các trường ĐH, CĐ đều thay đổi. Mỗi ngành có một mã chung cho tất cả trường cùng đào tạo. Mã ngành đào tạo được quy định có 6 chữ số (chứ không phải 2-3 chữ số như trước) và có chữ C đứng ở đầu nếu là hệ CĐ, chữ D đứng đầu nếu là hệ ĐH. Ví dụ như ngành giáo dục mầm non, với CĐ là C140201, với ĐH là D140201. Do đó, TS cần tra cứu kỹ các thông tin về mã ngành để tránh nhầm lẫn khi ghi phiếu mà ảnh hưởng đến nguyện vọng và quyền lợi của mình. Thứ hai là có bổ sung cụm thi Hải Phòng. TS tỉnh ngoài đang học tại Hà Nội năm nay có thêm cơ hội lựa chọn địa điểm thi cho bớt vất vả, song cần nhớ phải ghi rõ ký hiệu cụm thi vào phiếu ở mục 14.
- Trong trường hợp TS có nguyện vọng (NV) theo học tại trường không tổ chức thi tuyển sinh thì sao, thưa bà?
- Đây chính là nội dung được in trong phiếu ĐKDT ở mục 3, mà nhiều TS thường bị nhầm là mục ghi NV2. Mục này chỉ dành cho TS có NV 1 học tại trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, hoặc trường CĐ thuộc các ĐH. Những ai thuộc đối tượng này không cần ghi mã ngành ở mục 2 (là trường sẽ dự thi nhưng không có NV học) nhưng tại mục 3 phải ghi đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi, mã ngành và tên ngành, chuyên ngành đào tạo của trường mà TS có NV học (NV1).
Để tạo thuận lợi cho TS, Sở GD-ĐT đã ban hành danh mục những trường thuộc diện cần lưu ý để các em đối chiếu khi làm hồ sơ để xác định 3 dạng trường nếu thuộc diện này: Thứ nhất là những trường vừa có khối (ngành) tổ chức thi, vừa có khối (ngành) không thi. Thứ hai là các trường CĐ chỉ xét tuyển kết quả thi ĐH mà không tổ chức thi. Thứ ba là hệ CĐ của trường ĐH chỉ xét kết quả thi vào trường ĐH đó.
- Hà Nội hiện có khá nhiều đối tượng dự thi do địa bàn mở rộng, Sở GD-ĐT có hướng dẫn thế nào để các em không bị thiệt thòi về các chế độ ưu tiên khu vực theo quy định?
- Chúng tôi đã yêu cầu các nhà trường khi phổ biến cho HS phải lưu ý điều này khi điền thông tin vào mục 10 (nơi học THPT hoặc tương đương). Cụ thể, ở phần mã tỉnh, nếu TS có hộ khẩu thường trú ở khu vực Hà Nội cũ thì ở mục 9, phần mã tỉnh ghi 1A; TS có hộ khẩu tại Hà Tây (cũ) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình và huyện Mê Linh cũ thì ghi 1B. Phần mã trường ghi theo quy định của Sở. HS chú ý ghi chính xác nơi học của mình ở từng năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Theo quy định, trong 3 năm học THPT, nếu TS học ở đâu lâu hơn thì được hưởng ưu tiên khu vực ở đó. Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở đâu hưởng ưu tiên khu vực tại đó. Nếu ghi đúng theo hướng dẫn này, TS hoàn toàn yên tâm bởi quyền lợi về điểm ưu tiên khu vực của các TS vẫn được giữ nguyên như mọi năm.
- Ngoài thị trường hiện có khá nhiều loại tài liệu phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Bà có lưu ý gì đối với TS không ạ?
- Năm nay, trong phiếu số 2, chúng tôi đã cho in đậm một số địa chỉ, số điện thoại để tạo thuận lợi cho TS khi tìm hiểu thông tin về kỳ thi. Mục Tin tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN 2012 trên trang web của Sở (www.hanoi.edu.vn) cũng sẽ cập nhật đầy đủ, chính xác các quy định của Bộ GD-ĐT để các em tra cứu khi làm hồ sơ.
- Công tác phát hành hồ sơ ĐKDT và các tài liệu phục vụ tuyển sinh năm nay tại Hà Nội được triển khai thế nào để phục vụ TS ngay từ ngày đầu tiên các em khai và nộp hồ sơ?
- Như mọi năm, theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, công tác in ấn hồ sơ được Hà Nội chủ động để đáp ứng đủ nhu cầu của TS và không làm ảnh hưởng đến tiến độ thu nhận hồ sơ. Các tài liệu liên quan như cuốn “Những điều cần biết…”, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ cũng được phát hành đến các trường để TS kịp thời làm hồ sơ ĐKDT.
- Việc thu nhận hồ sơ của TS tại Hà Nội được bố trí ra sao để tránh nhầm lẫn, lộn xộn hoặc thất lạc, thưa bà?
- Chúng tôi phân làm hai đối tượng để thuận tiện cho công tác thu nhận hồ sơ. Thứ nhất, HS (kể cả hộ khẩu tỉnh khác) đang học lớp 12 tại trường THPT nào có mã đơn vị ĐKDT thì ghi mã đơn vị ĐKDT và nộp hồ sơ ngay tại trường; thứ hai, HS đang học lớp 12 tại các trường THPT dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp nghề, CĐ nghề (không có mã đơn vị ĐKDT) và HS thi lại (kể cả hộ khẩu tỉnh khác) thì nộp hồ sơ ĐKDT tại các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã. Địa điểm thu nhận hồ sơ của TS tại 29 phòng GD-ĐT đã được công bố. Thời gian TS nộp hồ sơ từ nay cho đến 17h ngày 16-4-2012.
 Xin cảm ơn bà!
Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh

(HNM) - Hội nghị hướng dẫn phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN năm 2012 đã được Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 13-3. Ngoài việc hướng dẫn về thủ tục, kỹ thuật tiến hành các công việc phục vụ tuyển sinh như: hướng dẫn HS làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT); phổ biến mã đơn vị ĐKDT; tổ chức thu nhận, sắp xếp hồ sơ; thời gian, địa điểm, quy trình bàn giao hồ sơ… lãnh đạo Sở lưu ý các đơn vị tạo điều kiện cho HS được dự thi theo đúng nguyện vọng đã đăng ký. Những điểm mới trong kỳ thi như tuyển thẳng HS đoạt giải quốc gia, bổ sung khối thi A1, không hạn chế số đợt xét tuyển… cũng được nhắc lại để các thầy, cô về phổ biến kỹ cho HS. Thời gian nộp hồ sơ của HS từ ngày 15-3 đến ngày 16-4-2012. Để bảo đảm tiến độ công tác tuyển sinh, Sở cho phép một số trường được kết thúc việc nhận hồ sơ của HS trước thời gian giao hồ sơ về Sở từ 5-7 ngày, song phải đáp ứng đủ nhu cầu ĐKDT của HS.
Trưởng phòng GD-ĐT, hiệu trưởng trường THPT, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên là người chịu trách nhiệm chính về toàn bộ những công việc liên quan đến triển khai công tác phục vụ tuyển sinh.
(Thống Nhất)
- Khi khai hồ sơ ĐKDT, TS bỏ qua mục số 1. TS phải tự ghi từ mục 2 đến mục 16 trong hồ sơ ĐKDT (tại phiếu số 1, phiếu số 2 và mặt trước của túi hồ sơ); ghi phần chữ vào nơi có đường kẻ chấm, phần số vào các ô tương ứng bên phải. Khi viết số và chữ phải ghi thật rõ ràng, không tẩy xóa và không ghi bằng chữ số La mã.

- Túi hồ sơ hợp lệ gồm: 2 ảnh cỡ 4x6 (mặt sau ảnh ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, tỉnh, huyện, mã số đơn vị ĐKDT, 2 ảnh này đựng trong một phong bì nhỏ). Dán thêm 1 ảnh vào mặt trước túi đựng hồ sơ.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo HaNoiMoi