LTS: Trước những băn khoăn của một số giáo viên về việc khi nào phải viết sáng kiến kinh nghiệm, thầy giáo Trần Vũ chỉ ra các quy định trong việc xếp loại viên chức và xét danh hiệu thi đua.
Tác giả cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu có thể lấy kết quả xếp loại viên chức làm tiêu chuẩn để xét danh hiệu thi đua cho giáo viên, như “Chiến sĩ thi đua”, “Lao động tiên tiến”?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 88/2017/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi một số điều của Nghị định số: 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức “đã đem đến niềm vui cho nhiều người mà đặc biệt là giáo viên” (Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 9/8/2017).
Có giáo viên từng vui mừng: “Giáo viên không bị buộc viết sáng kiến kinh nghiệm, mơ ước đã thành sự thật!” (Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/8/2017).
Nhưng, theo tinh thần của Nghị định 88 của Chính phủ, thì giáo viên không phải viết sáng kiến kinh nghiệm khi phân loại ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ.
Còn để được phân loại mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vẫn phải viết sáng kiến kinh nghiệm.
Giáo viên có phải viết sáng kiến kinh nghiệm khi đăng ký danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”? (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Vấn đề đặt ra là giáo viên có phải viết sáng kiến kinh nghiệm khi đăng ký danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”?
Theo Luật Thi đua, khen thưởng 2013, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn:
“Đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” và có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động”.
Nếu như bỏ sáng kiến kinh nghiệm (một trong những tiêu chí thi đua) thì khi đó việc công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ”, trước hết sẽ trái với Luật Thi đua, khen thưởng.
Mặt khác, động lực để sáng tạo của người thầy sẽ mất đi, bởi “Chiến sĩ thi đua” là danh hiệu cao quý để tất cả nhà giáo có tâm huyết với nghề phấn đấu.
Trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy:
“…Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua.
Đồng bào công nông thi đua sản xuất; Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh;
Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc phụng sự nhân dân; Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.
Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”.
Giáo viên không bị bắt buộc viết sáng kiến kinh nghiệm, mơ ước đã thành sự thật! |
Thông tư 35 Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định:
Sáng kiến kinh nghiệm, có thể thay thế bằng danh hiệu giáo viên giỏi từ cấp huyện trở lên (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở), giáo viên giỏi cấp trường trở lên (Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh) hoặc giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh.
Thế nên, nếu cho rằng viết sáng kiến kinh nghiệm là khó khăn và thầy cô giáo không thể hàng năm viết được hoặc có khi là sao chép trên mạng hay mượn sáng kiến của các đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh về sửa lại;
Và nếu không có thành tích để thay thế theo Thông tư 35 thì hợp lý nhất là giáo viên không nên đăng ký danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, mà chỉ nên đăng ký danh hiệu “Lao động tiên tiến”, bởi danh hiệu này không bắt buộc phải viết sáng kiến kinh nghiệm.
Do vậy, các cấp quản lý giáo dục từ cơ sở trường học đến Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo không vì bệnh thành tích, mà ép giáo viên phải đăng ký danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”; bởi theo Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 quy định:
“Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Danh hiệu thi đua là hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua”.
Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có ý kiến: “Thi đua là cần thiết nhưng phải hậu kiểm. Các cô thầy sáng tạo thì được thưởng, các trường chủ động phát hiện, khích lệ, tạo điều kiện.
Rồi cấp Phòng, Sở, Bộ trân trọng biểu dương, ghi nhận những thầy cô có kết quả sáng tạo.
Cái cần là phải có thành tích, sáng tạo thực sự, chứ không phải bắt giáo viên đăng ký thi đua, làm sáng kiến kinh nghiệm, gây áp lực nặng nề lên giáo viên”.
Cuối năm học, ở trường phổ thông vừa thực hiện bình xét thi đua cho giáo viên theo Thông tư 35 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa tiến hành đánh giá, xếp loại viên chức theo Nghị định 56 của Chính phủ (nay là Nghị định 88) .
Có thể nào lấy kết quả xếp loại viên chức làm tiêu chuẩn để xét danh hiệu thi đua cho giáo viên, như “Chiến sĩ thi đua”, “Lao động tiên tiến”?
Thiết nghĩ, ngành giáo dục và đào tạo cần thiết thực hiện việc đánh giá, phân loại giáo viên kết hợp với việc bình xét thi đua, khen thưởng; khi đó các cơ sở trường học sẽ nhẹ nhàng hơn khi xét các danh hiệu thi đua cho giáo viên.
Tâm tư của thầy giáo về thi đua - khen thưởng trong giáo dục |
Bởi Nghị định 88 của Chính phủ quy định: “Thời điểm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành..., trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm”.
Theo đó, nếu giáo viên cuối năm được phân loại ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, do đạt các tiêu chí theo Nghị định 56 của Chính phủ quy định:
“Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, hoàn thành 100% công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, vượt tiến độ, có chất lượng, hiệu quả; nghiêm túc chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền; có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao;
Hoàn thành tốt các nhiệm vụ đột xuất; Thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các quy định về đạo đức nghề nghiệp, điều lệ, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị, các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tâm huyết với nghề nghiệp, tận tụy với công việc;
Thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử của viên chức, có thái độ lịch sự, tôn trọng trong phục vụ, giao tiếp với nhân dân; có tinh thần đoàn kết, hợp tác hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp, cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;
Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận” .
Sẽ được phiên qua danh hiệu: “Chiến sĩ thi đua”, nếu đủ điều kiện của danh hiệu này.
Bởi theo Nghị định 65 của Chính phủ, thì danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn:
"Là “Lao động tiên tiến”; có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng…, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức, đơn vị công nhận”.
Tương tự, nếu viên chức được phân loại ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ, nếu đủ điều kiện, sẽ được phiên qua danh hiệu thi đua: “Lao động tiên tiến”.