Dối trá, gian manh, độc ác... cũng chỉ vì tiền

09/07/2018 06:39
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Đồng tiền phản ánh đầy đủ bản chất xấu xa của những người khi trở thành nô lệ của nó, đó là sự dối trá, tham lam, gian manh, độc ác.

LTS: Bàn về tính hai mặt của đồng tiền, Đại tá Nguyễn Huy Viện cho rằng thái độ, cách ứng xử là điều rất quan trọng với mỗi cá nhân, xã hội và quốc gia.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trên thế gian này ở đâu cũng vậy, đồng tiền là phương tiện quan trọng và gắn bó nhất với cuộc sống con người.

Dù cao sang hay nghèo hèn, từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho tới khi đã về với cõi vĩnh hằng, con người đều cần đến tiền.

Không những vậy, vai trò của hệ thống tiền tệ đối với quốc gia cũng giống như hệ tuần hoàn của một cơ thể sống. Kinh tế, xã hội càng phát triển thì nhu cầu về đồng tiền càng cao.

Cũng như mọi sự vật hiện tượng, đồng tiền luôn có tính hai mặt. Không những vậy, tính hai mặt của đồng tiền là điển hình và đặc trưng nhất.

Bởi vì, đồng tiền đã góp phần khắc hoạ chân dung tốt đẹp của những người là chủ nhân nó có đức tính trung thực, đức độ, nhân hậu, thánh thiện…

Mặt khác, đồng tiền cũng phản ánh đầy đủ bản chất xấu xa của những người khi trở thành nô lệ của nó, đó là sự dối trá, tham lam, gian manh, độc ác…

Ảnh minh hoạ: Ocuaso.com
Ảnh minh hoạ: Ocuaso.com

Tính hai mặt của đồng tiền được phản ánh hàng ngày, thông qua hai mối quan hệ con người là chủ nhân của đồng tiền và đồng tiền là “ông chủ” của con người. 

Ngày ngày, chúng ta bắt gặp trong cuộc sống hoặc được tiếp cận qua các phương tiện truyền thông hình ảnh cao đẹp của rất nhiều người là chủ nhân của đồng tiền.

Đó là anh Vũ Huy Cảng, sinh viên Trường Đại học Điện Lực Hà Nội; là chị Trần Thị Anh, nhân viên thu ngân Chi nhánh Điện lực Sơn Trà Đà Nẵng;

Là cháu Vũ Văn Đại, học sinh lớp 4A2 Trường Tiểu học Chu Văn An, Thành phố Nam Định và rất nhiều người khác… khi nhặt được tiền, vật dụng của người khác đánh rơi hay bỏ quên, dù là hàng chục triệu đồng, hay trăm triệu, thậm chí tiền tỷ đều tìm cách trả lại cho người mất.

Với một lý do rất đơn giản, vì đó không phải là tài sản của mình mà là mồ hôi, nước mắt của người bị mất hay bỏ quên.

Là ông Lê Văn Thiện ở Ấp 2, xã An Hòa, huyện Tam Nông, Đồng Tháp đã tự nguyện đóng góp và vận động các nhà hảo tâm góp tiền mua hai xe ô tô trị giá trên 1 tỷ đồng cùng các dụng cụ y tế thiết yếu làm phương tiện vận chuyển miễn phí bệnh nhân nghèo ở địa phương.

Đồng thời giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh vươn lên hoà nhập cộng đồng; làm nhà tình thương tặng các hộ nghèo; làm đường giao thông nông thôn… với số tiền 6 tỷ đồng (1). 

Dối trá, gian manh, độc ác... cũng chỉ vì tiền ảnh 2Vì đồng tiền sai trái, những hiệu trưởng này đã vướng vòng lao lý

Họ là bà giáo Nguyễn Thị Côi (nay đã 74 tuổi), phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội;

Là Tiến sĩ, Nhà báo Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam); 

Là Nhà thơ khuyết tật Trần Phước Ninh ở thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cùng rất nhiều nhà giáo, trí thức, doanh nhân và những người hảo tâm khác… đã bỏ tiền và công sức tổ chức các hoạt động thiện nguyện, mang lại hạnh phúc cho người nghèo, trẻ khuyết tật, trẻ em nghèo vùng cao.

Họ là Tiến sĩ y học Nguyễn Văn Chương (nay đã 84 tuổi) số 7 Đông Hồ, ngõ 424 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; 

Là bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình Bệnh viện Sài Gòn ITO;

Là Cựu chiến binh, bác sĩ Phạm Hữu Lộc, Phó trưởng Liên chuyên khoa Bệnh viện C, Đà Nẵng và rất nhiều thầy thuốc khác…  tâm huyết với hoạt động nhân đạo, từ thiện đã và đang mang lại sức khoẻ, sự sống, hạnh phúc cho hàng nghìn bệnh nhân nghèo, trẻ khuyết tật …

Và rất nhiều con người dung dị khác, có tấm lòng nhân hậu trên khắp mọi miền đất nước, đang ngày ngày tìm hạnh phúc bằng cách dùng đồng tiền để mang đến cho những mảnh đời bất hạnh, những người nghèo từ cái nhỏ nhất là miếng cơm, manh áo, sách vở đến những tài sản có giá trị là đồ dùng gia đình, ngôi nhà, sức khoẻ, mạng sống…  

Những người đang mải mê làm việc thiện, luôn là chủ nhân đáng kính của đồng tiền.

Việc sử dụng đồng tiền của họ không chỉ sưởi ấm bao mảnh đời bất hạnh, nghèo khó mà còn lan toả trong cộng đồng, làm cho cuộc sống ấm áp tình người hơn.

Trên đây là mặt sáng của đồng tiền, khi nó có chủ nhân là những người nhân hậu.

Nhưng khi đồng tiền trở thành “ông chủ” và con người là nô lệ của nó thì ẩn sau đó là sự dối trá, mưu mô, lừa lọc, tàn bạo và đầy rẫy tội ác…

Dối trá, gian manh, độc ác... cũng chỉ vì tiền ảnh 3Hội phụ thu, Ban giám hiệu và đồng tiền bị... vấy bẩn!

Nô lệ của đồng tiền được biểu hiện ở mọi đối tượng, đủ hạng người nghèo hèn có, cao sang có.

Đó là những người trong cùng một gia đình, cùng huyết thống; là bạn hữu, hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp… nhưng vì tranh giành tài sản dẫn đến đoạn tuyệt với nhau.

Thậm chí người đời đã phải chứng kiến bao cảnh tượng đau lòng cha con, anh em, bạn hữu, láng giềng, đồng nghiệp sát hại lẫn nhau chỉ vì đồng tiền.

Đó là một bộ phận nông dân xưa nay được tiếng thật thà, hiền lành, chất phác nhưng vì chạy theo đồng tiền mà cũng đã có những việc làm trái đạo lý.

Họ sử dụng các loại hoá chất bị cấm vào mục đích tăng trọng, tăng trưởng vật nuôi, cây trồng, thế nên mới có chuyện “rau hai luống, lúa hai khoảnh, lợn hai chuồng”.

Đó là những trò làm ăn gian dối, bịp bợm sản xuất, buôn bán đủ các loại hàng giả, hàng nhái, kể cả thuốc chữa bệnh.

Vì ma lực của đồng tiền mà những con người này trở thành những kẻ táng tận lương tâm. Đó là những kẻ sản xuất, buôn bán ma tuý. Chúng thừa biết dính đến “nghề” này là nhận án tử bất cứ lúc nào, nhưng vì chấp nhận làm nô lệ của đồng tiền.

Chúng bất chấp tất cả để ngày ngày gieo rắc “cái chết trắng” cho cộng đồng, nhất là cho giới trẻ.

Trong xã hội, khi đồng tiền trở “ông chủ”, thì có muôn vàn nguyên nhân để nó dẫn dắt con người đến với tội ác.

Nhiều lúc chỉ vì túng bấn, quẫn bách chỉ dăm ba trăm nghìn đồng cũng phải trả giá một mạng người.

Không chỉ dân thường mà ngay cả “một bộ phận không nhỏ” công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước cũng vì đồng tiền mà họ trở nên chai sạn, vô cảm, lạnh lùng hạch sách đòi người dân “bôi trơn” ở bất cứ lĩnh vực nào và bất cứ công việc gì.

Họ ăn chặn của dân không từ thứ gì, từ tiền trợ cấp khó khăn của thương binh, người nghèo, người tàn tật đến tiền cứu trợ cho những người bị thiên tai, hoạn nạn…

Ngay cả cơ quan bảo vệ pháp luật, vì đồng tiền mà một số quan toà đã bẻ cong cán cân công lý, dẫn đến oan sai, làm người vô tội phải xộ khám, thậm chí bị tử hình, còn kẻ có tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Cứ nghĩ dưới thời thực dân, phong kiến mới có tình trạng “đồng bạc đâm toạc giấy tờ”, nhưng thời nay vẫn còn không ít công chức, viên chức, thậm chí không ít quan chức tầm cỡ bị đồng tiền, vật chất làm cho mê muội, vì vậy đất nước mới bị các vấn nạn tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế, chạy dự án… hoành hành.

Dối trá, gian manh, độc ác... cũng chỉ vì tiền ảnh 4"Đồng tiền, phân bạc" và sự trung thực của người thầy!

Hậu quả khi đồng tiền trở thành “ông chủ” và con người trở thành tôi tớ là khôn lường, biểu hiện rõ nhất là những thực trạng dưới đây:

Một là: Đạo đức, thuần phong mỹ tục bị xuống cấp, băng hoại; con người trở nên lạnh lùng, vô cảm, thậm chí có lối sống và hành xử dối trá, xảo quyệt, độc ác...

Hậu quả mà nó để lại không phải ngày một, ngày hai mà từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác.

Thực tiễn cuộc sống cho thấy, để trở thành giàu có, có khi chỉ mất năm mười năm, thậm chí vài ba năm nhưng để hình thành thuần phong, mĩ tục và những giá trị đạo đức tốt đẹp nhanh cũng phải mất một vài đời người.

Một minh chứng, các nước Âu Mỹ để có một xã hội văn minh như ngày nay, họ đã trải qua giai đoạn chủ nghĩa tư bản hoang dã đầy máu và nước mắt mấy trăm năm, vậy mà tàn dư của nó đến nay vẫn chưa thể rũ bỏ hết.

Hai là: Khi bị đồng tiền lũng loạn, dẫn đến sự hoành hành của tệ nạn tham nhũng, làm cho nền kinh tế điêu đứng, tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị huỷ hại.

Đây là lực cản vô cùng lớn đã và đang kìm hãm sự phát triển của quốc gia.

Ba là: Tệ nạn tham ô, hối lộ; mua quan, bán chức và muôn vàn kiểu "chạy" khác do “ông chủ” là đồng tiền sai khiến đã tạo nên sự bất công xã hội sâu sắc, làm cho người dân bức xúc, bất bình, rất có thể dẫn đến khủng hoảng niềm tin.

Dối trá, gian manh, độc ác... cũng chỉ vì tiền ảnh 5Vì đồng tiền cho bản thân, họ đã quên đi lợi ích quốc gia, dân tộc

Đây là nguy cơ không thể coi nhẹ, vì khi nhân dân có niềm tin son sắt thì không thể có một thế lực thù địch nào chống phá nổi sự nghiệp phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh của dân tộc.

Nhưng nếu niềm tin của nhân dân bị khủng hoảng thì không cần thế lực thù địch, phản động nào lôi kéo, kích động thì an ninh chính trị, xã hội của đất nước vẫn bị đe doạ.

Những bài học xương máu của các quốc gia chuyên chế, độc tài trên thế giới để cho đồng tiền lũng loạn nền kinh tế, chính trị, xã hội vẫn còn nguyên tính thời sự.

Đó sự sụp đổ của triều đại Ferdinand Emmanuel Edralín Marcos ở Philippines năm 1986; của triều đại Suharto ở Indonesia năm 1998; và các nước Trung Đông năm 2012…

Với vai trò vị trí của đồng tiền, nó không chỉ là phương tiện thiết yếu đối với đời sống con người và của nền kinh tế mà nó còn ảnh hưởng, chi phối đạo đức, nhân cách của mỗi người cũng như nền tảng đạo đức xã hội; chi phối ảnh hưởng đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Bởi vậy, giữ cho đồng tiền “sạch sẽ” và đồng tiền là phương tiện chứ không phải là “ông chủ” của con người là một công việc rất hệ trọng của mỗi người, mỗi gia đình và của cả quốc gia.

Để giữ cho đồng tiền “sạch sẽ”, trước hết phải xây dựng được bộ máy nhà nước liêm chính. Không để đồng tiền thao túng chính trường, trước hết là công tác nhân sự và xây dựng pháp luật, chủ trương chính sách, làm cơ sở cho việc xây dựng xã hội lành mạnh. 

Với mỗi người hãy nghĩ tới tương lai của bản thân, của con cháu đừng vì đồng tiền mà làm những việc thất đức, trái đạo lý.

Với cộng đồng cần phải thể hiện trách nhiệm trong bảo vệ cái thiện, đả phá cái ác, vì nếu để cái ác hoành hành thì người lương thiện cũng phải gánh chịu tội lỗi.

Như một bậc tiền nhân đã từng nói: “Những tội lỗi trên thế gian này không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt.”

Có như vậy mới khôi phục, giữ gìn nền tảng đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; tạo môi trường cho việc hình thành đạo đức, nhân cách tốt đẹp cho mỗi người.

Đó sẽ là nền tảng cho một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh!

Tài liệu tham khảo:  

(1)http://dantri.com.vn/doi-song/anh-nong-dan-ham-lam-viec-thien-20151115075647381.htm

NGUYỄN HUY VIỆN