LTS: Nghe tin nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trở bệnh nặng thêm, thầy giáo Tạ Quang Sum từ Cam Ranh, Khánh Hòa chia sẻ những lời tâm sự gửi đến người anh mà ông ngưỡng mộ và yêu mến.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vậy là đã 20 năm từ cái ngày 16/6/1998 định mệnh giữa trận bóng đá quốc tế truyền hình ở Thành phố Đà Nẵng, đôi chân lãng du của anh chỉ còn di di trên chiếc giường nhỏ giữa bốn bức tường.
Nhưng trong gần bảy nghìn ngày ấy anh vẫn nghĩ suy, vẫn viết, vẫn nhả từng sợi tơ cho trọn kiếp con tằm!
Bên anh vẫn nguyên vẹn người thân – bạn bè – học trò – đồng chí - đồng nghiệp vẫn dạt dào lòng kính trọng và thương mến anh.
Vào những năm đầu của thập kỷ 70, khi chúng tôi vào đại học, thì Anh đã “Lên Xanh”.
Chuyện về một thầy giáo hào hoa kiên cường trong phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam, là kỷ niệm đẹp – hùng tráng về Anh trong lòng mỗi chúng tôi thời ấy.
Ngôi trường Quốc học Huế mãi nhiều năm sau này, vẫn thấp thoáng bóng hình Anh.
Nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Hoàng Tuấn/ Danviet.vn |
Nhiều thế hệ học trò còn nhớ như in "ông Thầy dạy triết" mà mỗi niên khóa chỉ đứng trên bục giảng được có vài tháng, vì thời gian còn lại Anh bận….“ở tù”.
Những cuộc bãi khóa - xuống đường - hội thảo - tuyệt thực của sinh viên - học sinh miền Nam trong cao trào chống Mỹ vào thập niên 60 trên thành phố Huế là dàn hợp xướng vĩ đại. Mà Anh, là một trong những người lĩnh xướng xuất sắc.
Kẻ thù ra sức đàn áp, khủng bố ác liệt đã gây nên bao thảm kịch ly tán thế hệ Anh và bạn bè:
Có người phải chuyển vùng hoạt động - có người bị thủ tiêu mất xác - người bám trụ vô cùng gian khổ - kẻ nhẫn nhục ở lại vùng địch tạm chiếm âm thầm chịu đựng thế thời, chờ ngày “ hội trùng tu” …
Anh may mắn hơn ở trong số những người thoát ly được ra vùng giải phóng.
Để mỗi chiều từ trên núi cao vọng về kinh thành yêu dấu, được tự do nung nấu chí căm thù qua những bài thơ - những đoản văn dự báo ngày ca khúc khải hoàn.
Tháng 3 năm 1975, Anh theo đoàn quân Giải phóng về tham gia tiếp quản thành phố Huế, (lúc bấy giờ Anh đang công tác ở ty Thông tin tỉnh Quảng Trị).
Rồi tỉnh Bình - Trị - Thiên được thành lập, Anh cùng bạn bè đem bao tâm huyết dựng lại bức trường thành văn hóa – văn nghệ đất Thần Kinh.
Một ngày cuối đông năm 1975, khi hàng nghìn sinh viên chúng tôi đang sơ kết đợt tập huấn chính trị ở Trường Đại học Sư phạm Huế, Anh bước vào giảng đường trong sự chào đón chân tình - niềm nở của đồng chí - bạn bè và học trò.
Anh đăng đàn với chúng tôi về “Văn hóa – văn nghệ dưới chế độ Mỹ – ngụy”.
Vẫn hùng biện - khúc chiết, Anh say sưa đưa chúng tôi về lại bến trong - bến đục những tháng - ngày đã qua.
Suốt buổi chiều hôm ấy Anh tỉ mỉ lật lại từng trang sách, từng dòng thơ của bao cái gọi là “tác phẩm văn học” của một thời.
Anh vạch ra – phân tích cho chúng tôi thấy những tư tưởng ấy - ngôn từ ấy - xảo thuật ấy… đã xâm thực sân trường - tâm hồn giới trẻ, nó ngụy dân tộc và phản động đến như thế nào !!!
Anh Tường ơi !
Chúng tôi được sinh ra trong khói lửa chiến tranh. Khi lớn lên, một nửa nước ở trong vùng tạm chiếm.
Bầu nhiệt huyết của giới trẻ thường đượm màu lãng mạn, đôi khi và có thể là lọai lãng mạn văn chương ở vào độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Đó cũng là cái thuở mà có khi bất chợt - lửng lơ, dễ dãi - dễ tin. Bởi thế nên đã có ít nhiều ngộ nhận.
Lời anh trách thật nhẹ nhàng, nhưng chúng tôi nghe mà thẹn làm sao!!!
Suốt buổi chiều hôm ấy, chúng tôi trố mắt nhìn Anh – lắng tai nghe Anh, thấm thía – ốt dột đến ngạc nhiên và thích thú.
Còn Anh! Giữa chừng ngưng nghỉ, Anh thong thả rút điếu Bastos xanh, gõ lên vỏ zippo rồi bật lửa rít một hơi dài….
Phong thái ấy là của riêng Anh: HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG.
Hôm nay viết những dòng này gửi Anh, tụi em muốn nói: Anh là Bông hoa ngũ sắc, trong nắng trong gió và bão táp mưa sa, vẫn rực thắm giữa đất trời lồng lộng.
Quanh Anh vẫn Rất nhiều ánh lửa mà Anh đã nhen nhóm. Hãy cố lên và an lòng đi trọn đường trần Anh nhé.
Ơi người Anh! HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG ơi !
Ghi chú:
- Ốt dột là một từ địa phương của Huế, có nghĩa xấu hổ .
- Bông hoa ngũ sắc và Rất nhiều ánh lửa là hai tác phẩm văn học của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
- Hội trùng tu là tên một bài hát thời sinh viên tranh đấu chống Mỹ.