Lỗi lầm và hạt giống

19/11/2017 07:34
Nguyễn Văn Phước
(GDVN) - Có ai đó nói bạn phải cho đi khi muốn nhận lại một điều gì đó. Tôi lại khác, tôi đã làm tất cả để muốn quên đi một nỗi ám ảnh cố tình đeo đuổi.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tác giả Nguyễn Văn Phước, người sáng lập First News - Trí Việt và Hạt Giống Tâm Hồn gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về kỷ niệm khó quên của tuổi học trò.

Kỷ niệm này cũng chính là động lực để anh nỗ lực theo đuổi con đường làm sách và gieo hạt giống tri thức thông qua những trang sách.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.​

Có ai đó nói bạn phải cho đi khi muốn nhận lại một điều gì đó. Tôi lại khác, khi đó, tôi đã làm tất cả để muốn quên đi một nỗi ám ảnh cố tình đeo đuổi.

Kỷ niệm dại dột, sóng gió và lỗi lầm thủa thiếu thời những tưởng không thể nào quên vô tình đã đưa tôi đến hành trình kỳ lạ không hề nằm trong ước mơ của tôi.

Năm học cuối cấp ba, lớp 12C2 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân là một kỷ niệm không thể nào phai mờ trong tôi.

Lúc đó tôi là lớp phó học tập. 3 năm cấp III trôi qua thật hồn nhiên, đầy sức sống với biết bao kỷ niệm.

Như bao bạn bè cùng trang lứa, trái tim và tâm hồn tôi trong sáng, đầy nhiệt tình.

Tôi lao vào những hoạt động xã hội của trường ngoại thành vùng bưng có sáu xã nghèo khổ để được đắm mình trong những tình bạn chân thật, dễ thương cùng khát vọng khám phá cuộc sống từng ngày...

Ngày thi tốt nghiệp phổ thông vào tháng Sáu năm đó, chúng tôi thi môn Lịch sử.

Câu hỏi đặt ra về Cách Mạng Tháng Tám. Tôi làm bài xong trước. Ngồi cạnh tôi, một người bạn vùng bưng đang ngồi cắn bút.

Kỳ thi này với chúng tôi rất quan trọng, vì chưa nói đến thi đại học, muốn thoát khỏi nghề nông, xin việc làm nhà máy thời đó cũng bắt buộc phải tốt nghiệp phổ thông.

Thời đất nước khó nghèo, đứa trẻ nào cũng phải vừa học, vừa phụ việc gia đình. Có lẽ, do bận việc đồng áng nên bạn ấy không kịp ôn học.

Kỳ thi quan trọng nên giám thị coi thi rất gắt, hai học sinh ngồi ở hai đầu một bàn, khá xa - trước mặt chỉ có tờ giấy thi.

Nhìn nét căng thẳng tuyệt vọng khổ sở của bạn trên trang giấy trắng trong khi tôi đã viết được gần hai trang, tôi biết bạn ấy không nhớ bài, tôi rất muốn giúp nhưng không có cách nào nhắc hay chuyển bài được...

Suy nghĩ một lát, tôi lên nộp bài rồi xin ra ngoài. Sau đó, ra thật xa, tôi lén xé 2 trang sách giáo khoa về Cách Mạng Tháng Tám vo cuộn gập lại và canh sát cửa sổ gần chỗ người bạn tôi đang ngồi dùng dây thun bắn vào.

Tôi không hề nghĩ là sẽ bị phát hiện khi "viên đạn giấy" bay không đúng người mà trúng cạnh bàn bật lên cao - thầy giám thị đổi trường bắt được tại trận - bước ra ngoài lôi tôi lên Ban giám hiệu, tôi im lặng, không thể giải thích vì sao mình làm việc đó.

Và, sáng thứ Hai chào cờ ở sân trường sau kỳ thi, tôi bị thầy hiệu trưởng bêu tên toàn trường với tội danh "Phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa" vì sách giáo khoa hồi đó là tài sản của trường được nhà nước cấp.

Tôi nghe tên tôi được xướng trên loa phóng thanh khắp các khối lớp mà như nghe tên một ai đó xa lạ, vô cảm...

Cả trường đưa ánh mắt về tôi - tôi như hoá đá. Chiếc mũ tội danh đó quá lớn và quá sức nặng nề đối với tâm hồn một cậu học sinh vừa tròn 18 tuổi như tôi.

Nhất là, chúng tôi đang ở “phút 89 của trận đấu”, khi chỉ còn vài ngày nữa là phải chia tay thầy cô, bạn bè, lớp học thân quen...

Nghĩa là, tôi sẽ không còn cơ hội khắc phục hay sửa sai, ít nhất là với bạn bè và thầy cô trong lớp, chưa kể với những đàn em lớp dưới, trong đó có một cô bé, luôn dành tình cảm cho tôi, thằng đàn anh có máu thể thao, văn nghệ, chuyên gia làm báo tường và hết mình trong hoạt động xã hội đào kênh đắp đập, thanh niên xung phong lúc đó…

Sau đó, dù ai gặp cũng nhìn tôi với ánh mắt cảm thông và không hề nhắc gì đến chuyện đó - nhưng bản thân tôi luôn mặc cảm và không thể tự tha thứ cho mình.

Đêm cắm trại văn nghệ chia tay ở sân trường, dù bạn bè luôn quan tâm, tôi dường như không cảm nhận được không khí này.

Một mình lạnh lẽo băng qua những nụ cười, ánh mắt, tiếng đàn lời ca.

Những tóc ngắn, áo dài đang chuyền tay nhau những cuốn lưu bút và những ánh nhìn cảm động chuẩn bị chia tay “mong ước kỷ niệm xưa” dưới hàng phượng vĩ ướt lạnh sương đêm trong khi cõi lòng tôi dường như đang băng giá vô định ở một cõi nào khác.

Những tưởng đớn đau, hành hạ vậy là quá đủ, nhưng không, dù đã vào đại học, (lớp tôi có 3 người đỗ đại học năm ấy) nhưng tôi thật khó khăn hoà nhập vào cuộc sống sinh viên bởi vẫn ám ảnh cái án treo ngàn cân ở mái trường phổ thông.

Đó là lúc tôi tìm đọc chiêm nghiệm câu nói nổi tiếng của triết gia Oscar Wilder:

"Trong mỗi vị thánh đều có một quá khứ - Trong mỗi tội đồ đều có một tương lai".

"Tôi chưa kịp là thánh - mà đã qui là tội đồ - chắc sau này cũng chỉ mong có được một... tương lai" - trái tim tổn thương của tôi lúc đó chỉ khẩn khoản cầu xin được vậy.

Anh Phước mời Nick Vujicic về Việt Nam để truyền lửa, mong chữa lành khuyết tật tâm hồn cho những người lành lặn 2013
Anh Phước mời Nick Vujicic về Việt Nam để truyền lửa, mong chữa lành khuyết tật tâm hồn cho những người lành lặn 2013

Tôi quyết định vùng vẫy tìm sự khác biệt, tôi khởi xướng cùng vài người bạn thành lập nhóm hoạt động xã hội Vì Đàn Em.

Chúng tôi đi dạy cho trẻ mồ côi, bụi đời ở trường Mầm Non 1, Mầm Non 2, Trường Thiếu Niên 3…

Tôi trở thành thủ lĩnh nhóm gần 200 sinh viên tình nguyện của trường, Trưởng ban hoạt động xã hội, phụ trách Câu lạc bộ Vì Đàn Em… nhiều năm liền ở trường đại học.

Những đêm khuya mưa gió ở lại dạy học, kể chuyện, ngủ lại với các em bé mồ côi bụi đời… tôi dần nguôi ngoai những xao động về hai trang sách trong lòng. Lúc đó, mới tập trung vào việc học được.

Khi dồn hết tình cảm cho các em trai, gái mồ côi bụi đời - chúng tôi cố gắng không nhắc, gợi lại nỗi đau hay lỗi lầm mà các em đã trải qua khi tuổi đời còn rất sớm.

Có những em do cha mẹ bỏ hay hoàn cảnh gia đình mồ côi, sớm sa vào trộm cắp, làm gái, hay xì ke ma tuý hoặc từng bị công an bắt gom trong các chiến dịch truy quét.

Chúng tôi gợi mở những con đường, hướng đi và tương lai cho niềm tin các em có điểm tựa bấu víu vào.

Bức ảnh đen trắng tìm được từ thời phụ trách trẻ mồ côi bụi đời trong buổi họp mặt những tình nguyện viên
Bức ảnh đen trắng tìm được từ thời phụ trách trẻ mồ côi bụi đời trong buổi họp mặt những tình nguyện viên

Và các em mồ côi bụi đời gọi chúng tôi bằng Thầy Cô, chúng tôi nhận thức được ngoài sự trân trọng, biết ơn và tình cảm các em dành cho mình còn là một điểm tựa tinh thần, bờ vai tin cậy mà các em tìm được cảm nhận được nơi chúng tôi.

Tôi chợt nhớ về "bản án" mà thầy hiệu trưởng cấp III đã dành cho mình và cố gắng nâng niu tinh tế không làm tổn thương các em mỗi khi các em phạm phải lỗi lầm:

Vực thẳm và sự bình an trong tinh thần tâm hồn con người có khoảng cách mong manh gần nhau lắm - tất cả do cách ứng xử của con người tạo nên.

Tốt nghiệp đại học, tôi ở lại làm giảng viên dạy ở trường những năm tiếp theo.

Sinh viên là những người bạn rất thân của tôi, khi tôi dành hết tâm sức cho những bài giảng, bụi phấn, và nghiên cứu sáng tạo kỹ thuật suốt 8 năm.

Nhưng dường như ở các giảng đường hiện đại, thư viện đầy ắp sách vở, xung quanh những đồng nghiệp “đóng hộp” qui chuẩn đầy tính mô phạm, kiến thức vẫn thiếu vắng một cái gì đó của thực tế, trải nghiệm cuộc sống, hay là thiếu nhịp thở phong phú vốn có nhiều biến động từng ngày của xã hội lúc bấy giờ...

Tôi dần như chim lạc bầy, như cây nhớ rừng... khôn nguôi.

Sau khi học lên sau đại học ở AIT, tôi vốn thích sáng tạo và không muốn sống theo lối mòn, tôi giã từ việc đi học tiếp lẫn chấp nhận nghỉ dạy để bước vào một công việc, hành trình hoàn toàn mới mẻ chưa từng được học:

Làm sách và gieo hạt giống tri thức thông qua những trang sách.

Anh Nguyễn Văn Phước cùng các bạn trẻ First News - Trí Việt lúc thành lập
Anh Nguyễn Văn Phước cùng các bạn trẻ First News - Trí Việt lúc thành lập

Tôi đã nhận ra thay vì dạy được chừng một ngàn sinh viên trong vài năm, thì giờ đây thông qua những cuốn sách Hạt Giống Tâm Hồn, First News đã tác động, thay đổi, khuyến khích tinh thần hàng triệu bạn đọc.

Tôi nhận ra việc đi dạy và việc sáng tạo sách cùng những chương trình Hạt Giống Tâm Hồn gần gũi tình người là một bước chuyển tiếp có hậu, sáng tạo và lan toả sâu rộng trực tiếp, thực tế và đúng với hoài bão của mình hơn.

Cách đây vài năm, khi họp lớp những người bạn lớp 12C2 ngày trước, một cậu bạn được tôi tặng mấy cuốn sách đã phá lên cười:

"Đáng đời cho mày! Chắc chắn là do mày hồi đó xé 2 trang sách, phá hoại tài sản - mà bây giờ trời bắt mày phải làm hàng triệu trang sách bù vào - đúng nhân đúng quả rồi! Kêu ca cái nỗi gì nữa?".

Câu nói vui đó có khi lại đúng với nhân duyên của tôi với cuộc chơi ngang dọc với những ý tưởng sáng tạo với nhiều không gian khác nhau, làm sách, gieo ý tưởng hạt giống tâm hồn, tri thức bây giờ.

Vậy, điều gì sẽ diễn ra nếu tôi không xé hai trang sách ngày đó?

(Hồi ức nhân dịp 20/11 và tìm được tấm ảnh đen trắng ố vàng thời đi dạy)

Nguyễn Văn Phước