Lý Nhã Kỳ bị cáo buộc 'dối trá' về người cha liệt sĩ

20/12/2013 12:05
Phương Linh
(GDVN) - Lý Nhã Kỳ đã nhận phải phản ứng gay gắt của dư luận khi chia sẻ về người cha liệt sĩ.

Nhân kỷ niệm ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12), Lý Nhã Kỳ đã có chuyến  đi tới nghĩa trang rừng Sác, nơi yên nghỉ của những người chiến sĩ rừng Sác - đồng đội của cha cô năm xưa.

Cũng tại đây, Lý Nhã Kỳ quyết định trải lòng về người cha đã khuất. Đối với Lý Nhã Kỳ, cha là thần tượng, là anh hùng trong mắt cô. 

"Ngày nhỏ, ba thường kể về những người đặc công, về cuộc sống và tình yêu của họ dành cho đất nước. Dù có khó khăn, gian khổ cũng một lòng hi sinh vì Tổ quốc, không màng đến sống chết", Lý Nhã Kỳ hồi tưởng.

Lý Nhã Kỳ cho biết, hết chiến tranh, cha cô may mắn trở về, nhưng là sự trở về không vẹn nguyên: "Ba bị liệt từ từ do những vết thương chiến tranh để lại. 17 năm, ba phải nằm liệt trên giường, chỉ có cái đầu vẫn thức tỉnh....", Lý Nhã Kỳ chia sẻ.

Cựu Đại sứ Du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ ở nghĩa trang Rừng Sác.
Cựu Đại sứ Du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ ở nghĩa trang Rừng Sác.

"Những năm cuối đời, ba luôn phải chống chọi với căn bệnh, hậu quả từ chiến tranh. Mặc dù đau đớn nhưng ông chưa bao giờ kêu ca một tiếng", Lý Nhã Kỳ kể. 

Với cô, cho đến khi qua đời, hình ảnh người cha đáng kính vẫn khắc sâu trong trái tim cô: 

"Ba tôi được công nhận là liệt sĩ, là niềm hãnh diện lớn lao của cả gia đình tôi. Mỗi khi về nhà, nhìn thấy tấm bằng Tổ quốc ghi công, bằng chứng nhận gia đình liệt sĩ mà mẹ thờ cùng ảnh ba, tôi thấy giống như một lời răn rằng, ba đã cống hiến cuộc đời mình như thế đó, thì con cháu cần sống tốt để ba được hãnh diện", Lý Nhã Kỳ tâm sự.

Những chia sẻ của Lý Nhã Kỳ đã khiến rất nhiều độc giả cảm động. Nhiều người cảm thông và thêm trân quý với gia cảnh đặc biệt của người đẹp. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến độc giả gửi đến tòa soạn báo, thậm chí đăng tải công khai trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội chỉ trích Lý Nhã Kỳ là lố bịch. Hình ảnh Lý Nhã Kỳ thắp hương tại nghĩa trang Rừng Sác và câu chuyện về người cha liệt sĩ của Lý Nhã Kỳ bị nghi ngờ là hành động cố tình Pr cho bản thân. 

Độc giả Quang Vinh bình luận rằng: "Đi thăm mộ, thắp hương cũng phải rùm beng dẫn theo chuyên gia chụp ảnh để biết mình đang thắp hương cho ba. Thậm chí, Lý Nhã Kỳ còn tạo dáng, chụp ở mọi góc độ để bộ ảnh được hoàn thiện về “phong cách viếng mộ”. Sao lại có người háo danh đến mức này".

Chưa hết, có nhiều độc giả còn nghi ngờ thông tin cha Lý Nhã Kỳ là liệt sĩ như chia sẻ của cô. Có độc giả lập luận, cha Lý Nhã Kỳ xuất ngũ rồi mới phát bệnh và 20 năm sau thì mất. Vậy làm sao có thể được công nhận là liệt sỹ. Trong trường hợp này, đáng lẽ ông chỉ được công nhận là thương binh thay vì liệt sỹ như Lý Nhã Kỳ nói. Bởi lẽ, cha Lý Nhã Kỳ không hy sinh tại chiến trường khi tham gia chiến tranh.

"Trước giờ mình vẫn đánh giá cao Lý Nhã Kỳ, dù có đọc rất nhiều thị phi về chị nhưng chưa chị vẫn luôn để lại hình ảnh tốt. Nhưng lần này chính câu chuyện chị đưa ra có vẻ rất phi lý khiến mình thất vọng về thần tượng", một độc giả bày tỏ ý kiến sau khi đọc những tâm sự của Lý Nhã Kỳ sau chuyến thăm nghĩa trang Rừng Sác.

"Đừng lấy cái tầm thường so sánh tình mẫu tử"

Thực tế, theo tìm hiểu của Phóng viên về việc công nhận là liệt sĩ, theo khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi, bổ sung năm 2012), liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công”. Trong đó, thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của pháp lệnh này chết vì vết thương tái phát cũng được xác nhận là liệt sĩ.

Mặt khác, theo Nghị định số 31/2013 ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định về việc công nhận liệt sĩ khi làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị. 

Luật quy định không xem xét xác nhận liệt sĩ đối với những trường hợp chết từ ngày 31/12/1994 trở về trước, cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ hoặc đã báo tử theo chế độ tử sĩ hoặc quân nhân từ trần, tai nạn lao động.

Được biết, bố của Lý Nhã Kỳ mất năm 2012, khi cô đảm nhận vị trí Đại sứ Du lịch Việt Nam. Bởi vậy, trong trường hợp này, cha của Lý Nhã Kỳ có thể được công nhận liệt sĩ.

Còn về phía Lý Nhã Kỳ, trao đổi trong một bài phỏng vấn về những nghi ngờ của dư luận, cô nói: "Đừng lấy những cái tầm thường của cuộc sống như tiền bạc, sự nổi tiếng để so sánh với tình mẫu tử, tình cha mẹ. Tôi nghĩ, tất cả những người làm cha mẹ sẽ buồn và thất vọng khi có nhiều người lại có suy nghĩ như vậy"./.

Phương Linh