Tang lễ nghệ sỹ Trịnh Thịnh sẽ được cử hành vào ngày 15/4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Được biết, gần chục năm nay, NSND Trần Thịnh phải đối mặt với nhiều bệnh tật. Ông đã trải qua 2 lần thập tử nhất sinh.
NSND Trịnh Thịnh là diễn viên kỳ cựu với nhiều đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam. |
Trịnh Thịnh sinh năm 1927, lớn lên tại Hà Nội. Thưở nhỏ, ông theo học trường Tây. Đam mê đặc biệt với điện ảnh từ nhỏ nhưng trước năm 1954, Trịnh Thịnh làm việc ở Ngân hàng Đông Dương (Banque L'Indochine).
Sau 1954, ông trúng tuyển cuộc thi tuyển diễn viên lồng tiếng cho một hãng xuất nhập khẩu phim của Liên Xô vào năm 1956 và bắt đầu tham gia vào hoạt động điện ảnh chuyên nghiệp với tư cách diễn viên lồng tiếng.
Cũng trong năm 1956, hãng phim truyện Việt Nam sản xuất bộ phim đầu tiên của lịch sử điện ảnh Việt Nam Chung một dòng sông do Phạm Kỳ Nam làm đạo diễn. Không được đào tạo trường lớp bài bản, nhưng với kinh nghiệm có được trong khoảng thời gian làm công việc lồng tiếng, Trịnh Thịnh đã vào vai khá thành công.
Sau đó, Trịnh Thịnh đóng rất nhiều phim và đặc biệt thành công với các vai hài. Ông ghi dấu ấn với các vai như ông nội thằng Bờm trong phim Thằng Bờm, ông Củng trong Vợ chồng anh Lực, người cha trong Lá ngọc cành vàng, lão thuyền chài trong Lời nguyền một dòng sông, ông chủ tịch huyện trong Thị trấn yên tĩnh, phim Vợ chồng A Phủ, Xích lô...
Vẻ bề ngoài và tính cách khiến Trịnh Thịnh rất hợp với vai nhân vật mang đậm dấu ấn của làng quê nông thôn Việt Nam.
Nghệ sĩ Trịnh Thịnh về hưu năm 1989. Năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Phim cuối cùng ông vào vai chính là Tết Này Ai Đến Xông Nhà do Trần Lực đạo diễn, ra rạp năm 2002.