Tiết lộ bất ngờ cát sê vai diễn cuối đời của diễn viên Nghị Hách

27/01/2014 14:13
Thục Nhi
(GDVN) - "Anh Khôi là NSND nên được trả 1.200 ngàn đồng một ngày, tôi được trả ít hơn một chút”, NSƯT Trần Nhượng tiết lộ.

Gặp lại NSƯT Trần Nhượng vào cuối chiều, sau Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ nhân lễ tưởng niệm 25 năm ngày mất của cố đạo diễn nổi tiếng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện nhiều về NSND Trọng Khôi, một ngôi sao tài năng đã góp phần làm cho tác phẩm của Lưu Quang Vũ sống mãi trong lòng công chúng nói riêng và góp phần làm phát triển nền sân khấu kịch VN nói chung.

NSND Trọng Khôi khi vào vai Nghị Hách trong "Giông Tố".
NSND Trọng Khôi khi vào vai Nghị Hách trong "Giông Tố".

Ông còn được biết tới là một lãnh đạo hết mình với sự nghiệp sân khấu nước nhà, một nghệ sĩ tài danh trong các lĩnh vực điện ảnh, truyền hình.

“Không chỉ là một nghệ sĩ lớn, tài danh mà anh còn có phong cách sống của một người anh cả: yêu thương, quan tâm tới mọi người và sẵn lòng giúp bất cứ ai khi có thể.

Nhìn vào đám tang anh ấy hay nhìn vào lễ tưởng niệm một năm ngày mất của anh ấy, thậm chí là xem lại các tác phẩm mà anh ấy đã từng đóng vai chính mà trong liên hoan này có tới 2 vở của hai nhà hát tên tuổi dựng lại với thế hệ các bạn trẻ kế cận thể hiện cũng đều nhắc nhở anh chị em nghệ sĩ thế hệ chúng tôi về hình ảnh và tài năng của anh ấy - NSND Trọng Khôi”, NSƯT Trần Nhượng xúc động.

Và đây là cuộc trò chuyện của phóng viên với NSƯT Trần Nhượng, Nguyên Đại tá - Trưởng đoàn Kịch Công An Nhân dân, hiện là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển NTSK VN về vai diễn cuối cùng trong bộ phim “Huyền sử thiên đô” của cố NSND Trọng Khôi:

Cùng là những nghệ sĩ có cống hiến cho nền nghệ thuật sân khấu VN và hơn ai hết, ông từng được tham gia cùng với cố NSND Trọng Khôi trong bộ phim cuối cùng của cố nghệ sĩ, hẳn ông có rất nhiều kỷ niệm?

- Không chỉ trong nghệ thuật mà trong cuộc sống đời thường, tôi cũng lưu giữ rất nhiều những kỷ niệm và câu chuyện về anh Khôi.

Bởi anh ấy là người gần gũi và luôn biết khơi lửa trong lòng tất cả anh em đồng nghiệp. Quảng giao rộng và luôn thân tình nên dường như anh ấy quen thân với rất nhiều giới văn nghệ sĩ chứ không chỉ với anh em nghệ sĩ làm sân khấu.

Với riêng tôi, tôi được hân hạnh cùng anh ấy tham gia vào bộ phim cuối cùng được coi là hoàn thiện trong sự nghiệp diễn xuất của anh- bộ phim “Huyền sử thiên đô”.

Nói đây là bộ phim hoàn thiện cuối cùng vì cho tới lúc anh Khôi mất thì 40 tập đầu tiên đã hoàn thiện và phát sóng (dự kiến là 70 tập nhưng phần đầu như thế xem như là hoàn thiện, còn 30 tập tiếp theo thì hiện tại, tôi chưa nghe nhắc tới là bao giờ triển khai).

Tôi còn nghe anh Khôi cho hay là anh ấy vào Đà Lạt tham gia bộ phim nào đó nữa, quay 20 tập rồi nhưng anh ấy ốm và mất, chuyện này tôi nhớ không rõ lắm.

NSND Trọng Khôi, NSƯT Trần Nhượng trong phim Huyền sử thiên đô
NSND Trọng Khôi, NSƯT Trần Nhượng trong phim Huyền sử thiên đô


Khi tham gia bộ phim “Huyền sử thiên đô”, ông có dự cảm gì về việc “bác ấy” sẽ dừng lại sau dự án này vì có nhiều người trong giới cho biết, họ đã nói nhiều về việc bác Khôi nên nghỉ ngơi, thư giãn hơn là tham gia nghệ thuật hoặc đi nhậu với bạn bè?

- Khi đóng bộ phim này, anh Khôi rất vui vẻ. Có lúc chúng tôi rất ái ngại khi thấy chân anh không đi lại bình thường được mà cứ phải để thõng ra khi ngồi hoặc bước đi rất cứng, có vẻ như anh bị đau chân nhưng không rõ bị “gút” hay bị căng cơ.

Tôi có nói anh nên nghỉ ngơi nhưng anh cười bảo: không vấn đề gì đâu, mình phải điều khiển được “nó” (bệnh tình) chứ lại để “nó” điều khiển mình. Anh rất lạc quan và nếu không có anh thì đoàn làm phim cũng mất vui.

Còn việc uống rượu hay bia thì vì anh em cũng cứ mời, đôi khi là trong cuộc vui vì quá yêu quý nhau và tôn trọng anh ấy nên có phần “nài ép”.

Có người thông cảm cũng gàn anh em không mời “bác ấy” nữa. Nhưng thấy không khí vui và không muốn làm mọi người buồn vì mình mà anh ấy lại uống, lại bảo: Nào, thì làm tý bia đi.

Ngay khi nhìn anh ấy uống và khuấy động “phong trào”, trong số chúng tôi rất nhiều người đã có cảm giác xúc động, một cảm giác khó tả nhưng có thể cảm giác này xuất phát từ tình cảm, sự yêu quý và trân trọng anh ấy hơn là một dự cảm gì đó.

Có thể chính cố NSND Trọng Khôi cũng hiểu rõ về bệnh tình của mình nhưng bác ấy quá lạc quan nên không muốn ai nhắc tới hoặc nghĩ là bác ấy đang có bệnh?

- Anh ấy không thích nếu ai đó quan tâm theo kiểu: anh có bị làm sao không? Anh đau ở đâu? Anh bị bệnh gì? Dường như hiếm khi anh ấy nói về ốm đau mà thường gạt đi ngay và lái sang chuyện khác.

Nhưng trên tất thảy là sự vui vẻ, hài hước và luôn nhiệt thành. Chính vì thế mà ngay cả khi uống thuốc anh ấy cũng xem như ăn một món gì đó mà nếu thiếu sẽ không ra “khẩu vị” hơn là phải bắt buộc phải làm cái việc này đúng giờ vì nó phải thế.

Rất nhiều lần đang ăn, anh ấy bảo: Thôi, chết bỏ mẹ rồi, quên không uống thuốc và lôi ra một vốc đầy, nhất định không nói là những thuốc gì và “vã một vã” tất cả vào miệng, cầm cốc bia lên uống ực một cái trước sự ngơ ngác và phì cười của tất cả mọi người.

Ai có bảo sao anh không sai đi lấy nước lọc hoặc tôi biết ý có để cốc nước bên cạnh cho anh ấy thì anh ấy bảo: Ôi trời, các cậu cứ vẽ chuyện. Tôi uống bia no cả bụng thì có uống thuốc vào nó cũng vào cả cái bụng đó, vậy thì có uống thuốc bằng nước hay bằng bia thì khác gì nhau? Mà bia này cho bao nhiêu đá vào, nó cũng thành nước rồi còn gì.

Chắc hẳn “bác Khôi” rất thích thú với vai diễn của mình, thưa ông?

- Anh ấy rất khoái mà nhà đầu tư và cả ê kip cũng rất thích thú, họ bảo: nếu không có nhân vật của anh Khôi và của tôi thì chắc là bộ phim mất vui.

Chúng tôi vào vai phản diện, hai tên gian thần gian tham xảo trá. Anh Khôi vào vai tên Lê Thái Như còn mình vào vai Lê Thoán. Khi làm hai anh em bàn tới bàn lui, anh ấy say sưa nói về nhân vật của mình và nhân vật của tôi rồi bảo tớ sẽ thế này, cậu sẽ thế kia, phải thế này nó mới hay…

Chính vì niềm đam mê nghệ thuật và có những đầu tư, suy nghĩ và tìm tòi để thể hiện những nét độc nhất cho nhân vật từ anh ấy mà chính tôi cũng đã có được những bài học hữu ích cho mình.

Dù cao tuổi nhưng khi vào vai tên Lê Thái Như, anh ấy thể hiện rõ sự xu nịnh, ma mãnh của kẻ chuyên tuôn hót và nịnh vua tới số. Lúc nào “tên này” cũng xun xoe, ngoài mặt thì ra vẻ thơn thớt nói cười nhưng “hắn” ăn hối lộ khủng khiếp.

Lê Thái Như lại tìm đến tên “đồng đảng” là Lê Thoán, kẻ thâm trầm, gian hiểm, lúc nào cũng nghi ngờ, mưu mô, thủ đoạn để bàn mưu tính kế cho bên nọ kình bên kia, gây rối loạn triều đình nhằm trục lợi cho bản thân.

Đạo diễn - NSƯT Tất Bình có cho biết, khi thực hiện bộ phim này, đoàn phim đã phải trải qua những ngày vô vàn cực khổ, chắc hẳn ông và cố NSND Trọng Khôi cũng phải “chung cảnh ngộ” và không rõ là nhà làm phim có “thưởng” thêm “cát- sê” cho sự khổ cực này của những nghệ sĩ lão thành?

- Ôi, quả là kinh khủng với thời tiết nắng nóng hầm hập của những ngày đó. Có hôm ngoài trời lên tới 45 độ C mà chúng tôi phải diễn trong trường quay Cổ Loa, dưới nhà mái tôn hầm hập nóng mà còn mấy lượt quần áo nặng nề.

Ở đó thì làm gì có điều hòa, nên cứ quay xong lượt là tôi và anh Khôi phải phi ngay tới cái quạt, tốc hết áo lên. Anh Khôi là NSND nên có mức cát - sê là 1.200 ngàn đồng một ngày, còn tôi là NSƯT nên được 1.100 ngàn đồng một ngày (nôm na là anh Khôi triệu hai còn tôi triệu mốt).

Nhưng vì lúc đó tôi đang làm lãnh đạo Đoàn Kịch Công An nên được thêm 50 ngàn đồng nữa thành ra là được 1.500 ngàn đồng một ngày.

Bộ phim quay trong vòng mấy tháng, có tháng thì quay chục ngày, có tháng thì hai anh em tôi phải làm việc có mấy ngày nên tính ra thì thời gian liên tục vào khoảng trên dưới 2 tháng gì đó.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

NSND Nguyễn Trọng Khôi sinh năm 1943 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Sân khấu năm 1964, ông đầu quân cho Nhà hát kịch Việt Nam. Năm 1970, ông được đề bạt làm Phó đoàn biểu diễn của nhà hát. Đến năm 1972, ông làm trưởng đoàn. Năm 2000, Nguyễn Trọng Khôi được phong tặng danh hiệu NSND và giữ chức vụ Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau đó, ông chuyển sang công tác Hội, giữ chức Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Không chỉ hoạt động tích cực ở lĩnh vực sân khấu, ông còn tạo được ấn tượng qua nhiều vai diễn trên màn ảnh như: Thiếu tá Khanh trong Trừng phạt, Trung tá Thi trong Huyền thoại về người mẹ, Bảy Tú phim Săn bắt cướp, Ba Đức trong Đứng trước biển và đặc biệt là Nghị Hách trong Giông tố...

Ông từ trần vào hồi 5h45 ngày 14/3/2012 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 69 tuổi. 

Thục Nhi