Uống rượu - văn hoá hay tệ nạn?

02/12/2017 06:09
Nguyễn Nhật Thanh
(GDVN) - Uống rượu đã trở thành nét văn hóa của các dân tộc Tây Bắc nhưng lạm dụng rượu cũng gây ra nhiều tai tệ nạn xã hội, suy đồi về đạo đức.

Ở miền Tây Bắc, dân tộc Thái cũng như các dân tộc khác không chỉ trong các ngày lễ tết và những ngày bình thường khi có bạn, có công việc đều lấy “chén rượu làm đầu câu chuyện”.

Sau chén rượu, mọi người hiểu nhau hơn, tình cảm ngày càng bền chặt.

Nhưng hiện nay do lạm dụng rượu quá mức cũng gây ra nhiều tai tệ nạn xã hội, suy đồi về đạo đức.

Vậy khi nào uống rượu trở thành văn hóa hay thành tệ nạn?

Từ bao đời người Thái Tây Bắc có câu: “Pay kin pa, má kin lảu”, có nghĩa là: Đi ăn cá, về uống rượu.

Nếu cá là món ăn rất được coi trọng, thì rượu không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt.

Người Thái Tây Bắc có nhiều loại rượu độc đáo như: Lảu xiêu, tức là rượu chưng cất theo lối thông thường; Lảu xam xiêu, tức là rượu chưng cất ba lần; Lảu vạng, tức rượu cái; Lảu xá chút, tức rượu cần…

Các loại rượu này đều dùng nguyên liệu bằng các loại củ, hạt có tinh bột xôi chín trộn với men tự chế rồi ủ theo một cách thức đặc biệt.

Ông Nông văn Tâm người dân tộc Thái ở xã Nghĩa An cho biết khi người Thái ngồi vào mâm cơm, trên đầu mâm bao giờ cũng có hai chén nhỏ gọi là: “Chén nóng”, vừa ngụ ý tưởng nhớ những người quá cố của chủ và khách, vừa ngụ ý lắng đọng lại những nỗi buồn, chúc cho cuộc sống thêm vui, tình người chân thành và bền vững.

Mỗi người trước khi uống chén đầu đều rót từ chén của mình một ít vào hai “chén nóng” và xuống khe sàn để tỏ lòng kính trọng tổ tiên, trọng khách và cởi mở chan hoà với nhau.

Uống rượu người dân tộc Thái biểu lộ một văn hoá ứng xử tinh tế.

Ngay cách phân chủ khách, thứ bậc khi ngồi mâm. Người có vị trí cao trong họ và người cao tuổi bao giờ cũng được xếp ngồi ở phía đầu mâm gần cửa sổ.

Hát mời rượu là nét tinh tế trong văn hóa ứng xử của dân tộc Thái ở Yên Bái. (Ảnh: Nguyễn Nhật Thanh)
Hát mời rượu là nét tinh tế trong văn hóa ứng xử của dân tộc Thái ở Yên Bái. (Ảnh: Nguyễn Nhật Thanh)

Trong cuộc rượu, bao giờ cũng có khắp mời lảu, tức là hát mời rượu.

Chủ hát mời, khách hát đáp lại, mọi người cùng hò theo vui vẻ “Rượu này rượu hứng chum hoa/ Rượu hương trấu nếp vàng/ Rượu thơm lừng lúa mới/ Rượu đón mừng cô chú họ ngoại/

Trời nắng hồng tươi gió xuân nhẹ thổi/ Ngày lành tháng tốt gặp vui/ Rượu lâu năm em rót nâng mời/ Cho đôi ta nhớ nhau quyến luyến”.

Nếu bạn có dịp đến với Tây bắc, bạn nên phải thể hiện là một con người cởi mở, chân thành và luôn mong ước mang điều tốt lành đến cho người khác thì bạn sẽ là khách quí của người dân tộc ở đây.

Đúng như câu hát của các cô gái:

Rượu đây em mời/ uống từ đầu làng cuối bản vẫn còn thơm/ rượu thơm một chén như cả ngàn chén/ uống đã ba năm rượu vẫn còn thơm. Thơm tình em.

Hệ lụy từ rượu

Uống rượu - văn hoá hay tệ nạn? ảnh 2

Thầy giáo trẻ đam mê văn hóa dân tộc Thái bản địa

Bố cầm dao giết chết con trai ruột sau khi uống rượu say là vụ việc đau lòng xảy ra ở xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.

Cũng nguyên nhân từ rượu, nhưng mượn chén rượu, anh Lường Văn Yên con trai ông Lường Văn Đưa xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ thường xuyên đến nhà bố đẻ của mình để chửi bới, tranh giành tài sản, đất đai.

Ông bố mặc dù bị tai biến nằm liệt giường, nhưng vì không chịu nổi sự hỗn láo của người con đã dùng hết sức vùng dậy đi ra ngoài cửa và cầm theo một con dao, khi anh Yên chạy đến bóp cổ mình, ông đã rút dao đâm chết con mình.

Con trai chết, ông bị bệnh tật được tòa xử cho tại ngoại, nhưng sau 2 tháng cũng qua đời.

Cái chết của cả anh Yên và ông Đưa đã để lại nỗi đau, sự ân hận tận cùng của người nhà vì không kịp hòa giải căn ngăn kịp thời, khiến cho vụ việc đau lòng xảy ra.

Ông Lò Văn Chinh – Trưởng công an xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ cho biết xã Nghĩa Lợi 100% là đồng bào dân tộc Thái.

Không thể phủ nhận với người Thái rượu mang nhiều nét văn hóa đặc sắc, chén rượu mở đầu câu chuyện, là nghĩa nặng, ân tình đón bạn đến chơi nhà.

Nhưng việc uống rượu bất kể thời gian nào trong ngày, vui cũng uống, buồn cũng uống và khi nông nhàn không có việc những người đàn ông chủ cột trong gia đình tìm đến rượu để chút bầu tâm sự ở các bản người Thái nơi đây cũng không phải là hiếm.

Theo thống kê 5 năm trở lại đây trên địa bàn xã có gần 10 vụ mâu thuẫn liên quan đến rượu cần phải hòa giải, đó là chưa kể những vụ xã chưa kịp thống kê.

Hơn 20 đối tượng nghiện rượu là chủ cột trong gia đình mất khả năng lao động.

Rượu cũng khiến nhiều gia đình tan nát, tiềm ẩn các nguy cơ mất trật tự nơi công cộng.

Có thể thấy, uống rượu đã trở thành nét văn hóa của các dân tộc Tây Bắc, một chén rượu tình đoàn kết anh em được gắn bó, việc làng việc thôn được thông qua. bản làng thôn xóm chúng tay xây dựng đời sống văn hóa mới.

Nhưng nếu uống 10 chén thì đạo đức, nhân cách mất đi, bạo lực, tai tệ nạn xuất hiện ngay trên bàn rượu.

Vì vậy muốn rượu trở thành nét văn hóa thì chính quyền cơ sở, thôn bản phải xây dựng qui ước trong đó qui định, định mức hợp lý mỗi gia đình về nấu rượu, kinh doanh rượu và sử dụng rượu.

Nếu làm được như vậy, rượu sẽ là biểu hiện văn hóa ứng xử!

Nguyễn Nhật Thanh