"Hơn một tháng qua từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày nào cũng vậy, thành một thói quen sáng, trưa chiều tối, những thông tin làm mình quan tâm luôn là những thông tin liên quan đến biển đảo Việt Nam chứ không phải sao nào yêu ai? bỏ ai? cặp đôi nào tuyên bố li dị, hoa hậu trả vương miện…
NSƯT Hồng Ánh cùng nhiều nghệ sĩ TP.HCM tham gia thực hiện MV thể hiện tình yêu với Tổ quốc. |
Mừng vì phần lớn những người mình quen từ thân cho đến sơ đã không thờ ơ, không mặc kệ và vô cảm, tất cả đều bày tỏ bức xúc, phẫn nộ…mình cũng vậy. Khi biết những thông tin về các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc, cảm xúc trước tiên của mình đó là sự giận dữ. Giận dữ vì đã có kẻ chà đạp lên những gì mà đối với mình là rất thiêng liêng - đó là tình yêu Tổ Quốc, và trong giận dữ còn có cả sự lo sợ, lo sợ chúng ta sẽ đánh mất hoà bình.
Vốn sinh ra và lớn lên khi hòa bình đã được lập lại, nhưng sống trong một gia đình có truyền thống quân nhân, mình hiểu rất rõ cái giá, sự mất mát mà gia đình nội, ngoại, bố mẹ, các chú dì trong nhà đã phải trả để anh chị em mình có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Những tưởng chiến tranh chỉ có trong những câu chuyện của ông bà, ba mẹ hay trong các trang sử hào hùng của dân tộc, hay chỉ có trong những vai diễn về người lính trong các bộ phim mà mình từng hóa thân, vậy mà giờ đây rất có thể chiến tranh sẽ xảy ra bất cứ lúc nào rất gần.
Hành động khiêu khích của Trung Quốc mỗi ngày mỗi phức tạp hơn, hôm sau nguy hiểm hơn hôm trước, tuần sau ngang ngược hơn tuần trước.
Đau lòng khi nhìn thấy những hình ảnh hoang tàn sau hai cuộc bạo động lớn vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng mà hậu quả là những người công dân thành phố chia ra gánh lên vai một phần những thiệt hại đó, con số đền bù để khắc phục hậu quả nghe đâu lên đến nhiều tỷ …
Khi cơn giận và những bức xúc đi qua bình tĩnh hơn mới giật mình. Ồ biết đâu đây chính là những gì mà phía Trung Quốc mong muốn: họ khiêu khích khiến chúng ta bị sự giận dữ che mờ lý trí và đi những bước đi sai lầm.
Văn nghệ sỹ sẽ làm được gì trong tình hình hiện nay?
Làm được nhiều chứ. Bớt sống thực dụng và ích kỉ, nghệ sỹ có cách đóng góp riêng của mình bằng tài năng, sự sáng tạo trong chuyên môn. Đóng góp tinh thần hay vật chất tùy thuộc vào khả năng của từng người, nỗ lực làm tốt những gì đang làm ở hiện tại đó cũng là cách đóng góp thiết thực nhất.
Hãy biến sự giận dữ của mình thành động lực để làm những điều thật thiết thực - góp tiếng nói yêu thương để những người Việt Nam đoàn kết hơn vào giờ phút này, nỗ lực 200-300% trong những việc hàng ngày để xây dựng một nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn.
Nghệ sỹ không muốn?
Nói ngắn gọn không lấy tiền thuế của dân để xây dựng những đề án văn hóa nghệ thuật phù phiếm lãng phí, thiếu thực tế kiểu “xây mới công trình nhà hát có quy mô lớn từ 2500 - 3000 ghế, xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn từ 1000-2000 ghế ngồi tại các tỉnh…”. Xây xong rồi ai là người có năng lực để quản lý đây? Và quản lý như thế nào?
Không tạo ra những tác phẩm nhạt nhẽo vô hồn, dở một cách toàn diện và vững chắc, đó là cách đóng góp cụ thể nhất.
Và tôi không muốn mình sẽ có những trải nghiệm thực tế cho những vai diễn khi phải đi trong chiến tranh, không phải vì sợ, không phải vì hèn chỉ vì tôi không muốn trên bàn thờ của dòng họ mình sẽ có thêm chân dung một liệt sỹ vô danh nào hết. Không ở đâu như đất nước này nghĩa trang liệt sỹ lại nhiều đến như vậy.
Và ngược lại nghệ sỹ muốn?
Muốn gửi đến các anh - những người lính bình dị đang ở nơi tuyến đầu, lòng biết ơn vô bờ của các thế hệ nghệ sỹ chúng tôi, mong các anh hãy kiềm chế và bình tĩnh để không bị mắc mưu. Chúng tôi cần sự thay đổi, Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ. Có lẽ đây là thời điểm vàng cho sự thay đổi đó và đó cũng là thử thách. Tôi tin rằng, mỗi một thử thách cũng là một cơ hội, và hi vọng chúng ta sẽ nắm được cơ hội quý giá này cho Việt Nam".