10 vấn đề hệ trọng trong nhiệm vụ chống quân xâm lược

10/10/2015 08:08
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Vũ Mão: "Lịch sử của dân tộc ta đã chỉ rõ, bảo vệ đất nước là nhiệm vụ thiêng liêng của tất cả công dân đất Việt".

LTS: Tiếp tục cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh, phải bảo vệ được độc lập chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc thì mới thúc đẩy được kinh tế.

Về đánh giá tình hình và phương hướng công tác Quốc phòng, an ninh, ông Vũ Mão bày tỏ sự nhất trí với đánh giá tình hình và phương hướng về quốc phòng, an ninh trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII và đề nghị chú trọng một số quan điểm và nội dung sau:

Một là, vấn đề quốc phòng, an ninh cần được nhìn nhận toàn diện quá trình thực hiện các nhiệm vụ của đất nước. Cụ thể là, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Hai là, phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, chủ động hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền, lấy lợi ích quốc gia làm mục tiêu cao nhất, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.

Về mục tiêu công tác quốc phòng, an ninh trong 5 năm tới, ông Vũ Mão cho biết, nhất trí với các nội dung trong dự thảo báo cáo là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời, ông Mão đề nghị nhấn mạnh các mục tiêu sau:

Một là, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng nhất; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

Hai là, quan hệ đối ngoại phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Muốn vậy, cần mở rộng và đưa hoạt động này vào chiều sâu; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Ba là, nghiên cứu cục diện thế giới để nhận thức sâu sắc xu hướng đa cực, đa trung tâm. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thoả hiệp, vừa đấu tranh, vừa kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và các khu vực.

Bốn là, đánh giá đầy đủ những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế để có các giải pháp đối phó.

Về nhiệm vụ công tác quốc phòng, an ninh trong 5 năm tới, theo ông Vũ Mão, có 10 vấn đề cần phải coi trọng:

Thứ nhất, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hoá một số quân chủng, binh chủng, lực lượng quan trọng.

10 vấn đề hệ trọng trong nhiệm vụ chống quân xâm lược ảnh 2

Chọn cán bộ không thể "quân xanh quân đỏ", càng không thể "đánh trận giả"

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình. Kiên quyết giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế - xã hội trong mọi tình huống.

Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hoà bình, hữu nghị; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của tổ quốc.

Ba là, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, nhận thức rõ các thể chế đa phương đứng trước những thách thức lớn. Các nước đang phát triển, nhất là những nước vừa và nhỏ đang đứng trước những cơ hội và thách thức trên con đường phát triển.

Thứ năm, chủ động đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới.

Thứ sáu, nhìn nhận sâu sắc bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn đang tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp. Trong đó nguy cơ "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông mạng Internet để chống phá ta.

Thứ bảy, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cần xây dựng con người Việt Nam, nhất là tuổi trẻ phát triển toàn diện và có văn hoá, có nghị lực và có lý tưởng cách mạng.

Thứ tám, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Thứ chín, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Thứ mười, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Ngọc Quang