KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

Ai đã đề nghị tướng Giáp thay đổi cách đánh tại Điện Biên Phủ?

04/05/2014 08:39
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” là quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời tướng Giáp.

Trong chiến dịch lịch sử Điên Biên Phủ, quyết định thay đổi cách đánh của ta, chuyển phương châm chỉ đạo tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" được coi là hạt nhân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động cả thế giới cách đây tròn 60 năm.

Về quyết định lịch sử này, Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 nói trong dịp Kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó, thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”. 

Để làm nên “Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, vị Đại tướng đã phải trăn trở, suy nghĩ đến mức đầu đau nhức, bác sĩ phải buộc trên trán một nắm ngải cứu. Bao tính toán, suy nghĩ của Đại tướng có một sự đóng góp quan trọng của một danh tướng khác, đó chính là Trung tướng Phạm Kiệt.

Tướng Phạm Kiệt và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Tướng Phạm Kiệt và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Ý kiến đề xuất chiến lược của Trung tướng Phạm Kiệt sau khi được cử đi kiểm tra thực tiễn tại mặt trận -người duy nhất đề nghị Đại tướng thay đổi cách đánh có ý nghĩa đặc biệt, làm nên quyết định kiệt xuất giúp quân và dân ta đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong bức  thư viết ngày 19/1/1995, gửi Hội thảo về tướng Phạm Kiệt và cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, do Hội sử học Việt Nam tổ chức, ngày 20/1/1995),  Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Đặc biệt, tại mặt trận Điện Biên Phủ, cũng với nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ, anh (tướng Phạm Kiệt-PV) đã được tôi cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc. Anh đã đến tận nơi, kiểm tra trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm bố trí pháo binh dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng. Lúc bấy giờ, toàn thể cán bộ và chiến sĩ đang hăng hái triển khai kế hoạch đánh nhanh. Bản thân tôi thì đang khẩn trương theo sát tình hình củng cố của địch và suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm”.

Trong tình thế vừa khó khăn, vừa nguy cấp như vậy, Đại tướng đã nhận được ý kiến của Trung tướng Phạm Kiệt qua điện thoại: “Anh trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kể hoạch đánh nhanh”.

Để rồi, đến sáng ngày 26/1, Đại tướng gặp Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh. Sau khoảng nửa giờ trao đổi, cố vấn Vi đã nhất trí với sự phân tích, đánh giá của Đại tướng và tán đồng việc hoãn cuộc tiến công, chuyển sang phương châm "đánh chắc tiến chắc".

Ngay sau đó, Đảng ủy mặt trận được triệu tập để thảo luận về thay đổi phương châm tác chiến. Trong lúc đầy khó khăn, thử thách, nhiều người vẫn còn cảm thấy quan ngại, lo lắng, Đại tướng quyết định chuyển phương châm "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc" và ra lệnh toàn mặt trận hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuật lại trong thư: "Lúc bấy giờ là lúc toàn quân  đang nô nức thực hiện quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 2 đêm 3 ngày sau này mới biết có cán bộ lo ngại, nhưng khi đó không một ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì ngại cho là dao động. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt: ý kiến ấy cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt gửi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới “đánh chắc, tiến chắc”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Phạm Kiệt (bên trái) trên vùng biển Quảng Ninh năm 1973

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Phạm Kiệt (bên trái) trên vùng biển Quảng Ninh năm 1973

Đại tướng cũng nhìn nhận và khẳng định vai trò của Trung tướng Phạm Kiệt trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam: “Tôi càng thấy rõ, anh Kiệt là  một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn nói lên sự thật không chút ngần ngại. Anh đã để lại cho chúng ta một tấm gương về đức tính và bản lĩnh của người đảng viên cộng sản”.

Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ từng nói về quyết định quan trọng này: "Ở Thẩm Púa, khi nghĩ phổ biến pháo binh của ta sẽ bắn hai ngàn viên pháo 105 ly, ai cũng trầm trồ cho rằng quân địch sẽ tan nát. Nhưng tôi hoàn toàn không tin như vậy!... Hai ngàn quả pháo với một tập đoàn cứ điểm rộng nhiều cây số vuông như Điện Biên Phủ có là bao! Tôi nghĩ, nếu lần đó cứ "đánh nhanh giải quyết nhanh" thì cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm!”.

Đã 60 năm đi qua, nhưng quyết định ngày ấy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vai trò quan trọng trong việc tham mưu, đề xuất ý kiến của Trung tướng Phạm Kiệt mãi là những dấu ấn đặc biệt trong nghệ thuật cầm quân của những danh tướng tài, góp phần làm nên chiến thắng quan trọng bậc nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, tạo tiền đề để đi đến độc lập, thống nhất toàn vẹn đất nước.

Trung tướng Phạm Kiệt, tên thật là Phạm Quang Khanh, sinh ngày 10/1/1910 tại làng An Phú, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa III, IV; Trung tướng Công an Nhân dân Việt Nam; nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội từ năm 1925. Ngày 17 tháng 1 năm 1931, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 6 năm 1931, bị thực dân Pháp bắt, kết án tù chung thân, bị đày đi Lao Bảo rồi về Buôn Ma Thuật. Năm 1943, địch chuyển về căng an trí Ba Tơ, ông và các đồng chí tiếp tục hoạt động bí mật và xây dựng lực lượng cách mạng.

Ông đã lãnh đạo, xây dựng và là đội trưởng đầu tiên đội du kích Ba Tơ; tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ (11-3-1945) [1]. Tháng 8 năm 1945, ông là Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa và lãnh đạo giành chính quyền ở tỉnh Quảng Ngãi. Cách mạng thành công, ông là Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh Quảng Ngãi.
Tháng 9 năm 1945, ông là Ủy trưởng Quốc phòng Nam Trung bộ (sau đổi là Chỉ huy trưởng Quân chính Nam Trung bộ).

Năm 1946, ông là đại đoàn trưởng đại đoàn 31 thuộc khu 5. Cuối năm 1949, ông được điều động ra miền Bắc tham gia các chiến dịch Biên giới, Hòa Bình và là Cục phó Cục Bảo vệ. Ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ – là người duy nhất đề nghị Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”.

Từ năm 1957 đến 1960, là Cục trưởng Cục Bảo vệ, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Từ 1960 đến 1975, Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang Việt Nam. Hàm Trung tướng tháng 4 năm 1974, Huân chương Hồ Chí Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa III và IV. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông mất ngày 23/1/1975. An táng tại nghĩa trang Mai Dịch.

NHẤT NGÔN