Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Bài đã đăng trên báo Nhân Dân ngày 20/3.
Đối với cá nhân tôi, anh Sáu Khải vừa là nhà lãnh đạo, vừa là người anh đã truyền lại cho tôi nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học quý báu về công việc, về cuộc sống.
Tôi có dịp tiếp xúc, làm việc trực tiếp với anh từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi anh ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Phó Thủ tướng Chính phủ. Ðặc biệt từ năm 1997 trở đi, khi anh được giao trọng trách làm Thủ tướng thì tôi càng có nhiều cơ hội hơn.
Trong tâm trí của tôi, anh Sáu Khải không phải là ngọn lửa cháy bùng bùng mà là một lò lửa cháy âm ỉ, bền bỉ nuôi dưỡng công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước ngày càng đủ độ chín.
Tham gia ban lãnh đạo trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là thành phố Hồ Chí Minh, anh đã cùng các đồng chí của mình nhóm lên mồi lửa đầu tiên để rồi sau đó nó đã cháy bùng lên, lan ra cả nước.
Trên cương vị người lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Chính phủ, anh càng có điều kiện thúc đẩy sự nghiệp to lớn này, làm bộ mặt và vị thế của đất nước thay đổi hẳn.
Có điều lạ là anh từng được đào tạo trong cái lò luyện hàng đầu về kinh tế kế hoạch hóa tập trung là Trường đại học Kinh tế quốc dân Moscow, Liên Xô (trước đây) nhưng lại là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới theo thể chế kinh tế thị trường.
Ðược làm việc trực tiếp với anh và qua những lần tâm sự tôi hiểu ra rằng, điều đó bắt nguồn từ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức nền tảng về kinh tế với thực tế sinh động của cuộc sống đất nước và kinh nghiệm của thế giới.
Anh là một trong số ít nhà lãnh đạo của nước ta đã đi tìm hiểu về kinh tế thị trường ở một loạt nước trong khu vực ngay trong những năm đầu, sau khi công cuộc đổi mới được phát động và đất nước chưa thoát khỏi tình thế bị bao vây, cô lập.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Anh Sáu Khải lên làm Thủ tướng đúng vào lúc cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực bùng phát năm 1997, đặt đất nước trước thử thách hiểm nghèo.
Dựa trên những kiến thức nền tảng đối chiếu với kinh nghiệm của các nước, anh rất chú trọng yêu cầu duy trì cho được các cân đối vĩ mô về tiền-hàng, thu-chi ngân sách, xuất-nhập khẩu…
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh đăng trên Báo Điện tử Chính phủ. |
Trong tôi còn lưu giữ mãi hình ảnh anh Sáu Khải cặm cụi phân tích các bảng cân đối, bàn bạc với các thành viên Chính phủ cũng như các chuyên gia, trao đổi cặn kẽ với Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Singapore Gô Chốc Tông,… về phương cách ứng phó.
Một phần rất quan trọng nhờ đóng góp của anh mà đất nước đã vượt qua được cơn phong ba khủng hoảng khu vực để tiếp tục tiến bước.
Hiểu rõ nhân tố nội lực là quyết định, anh Sáu Khải đã góp phần hoạch định các chủ trương và làm rất nhiều việc thiết thực để đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước, cởi trói cho kinh tế tư nhân.
Dưới sự điều hành trực tiếp của anh, Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Luật Ðầu tư sửa đổi năm 2002 ra đời, tạo cú hích cho sự đổi mới và sự phát triển các thành phần kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Ðồng thời anh cũng là người nỗ lực thúc đẩy công cuộc đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước thông qua quá trình cổ phần hóa, cho dù những gì đã làm được không như anh mong đợi.
Vốn tính khí khiêm nhường và chừng mực, anh không bao giờ bằng lòng với những gì đã làm được mà lúc nào cũng trăn trở về những điều chưa làm được.
Khi trao đổi riêng tư, anh luôn luôn day dứt là nước ta còn nghèo quá, bà con nông dân, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người còn chịu quá nhiều cơ cực, nhọc nhằn.
Khi tham gia lãnh đạo Chính phủ, tôi được phân công phụ trách cả công tác dân tộc và được chứng kiến mối quan tâm thường xuyên của anh đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, luôn sẵn lòng "mở hầu bao" cho các chương trình hỗ trợ bà con ở vùng sâu, vùng xa.
Là người đứng đầu Chính phủ, đương nhiên anh phải chăm lo cả các vấn đề an ninh, trật tự an toàn xã hội. Ðối với riêng tôi, có hai việc để lại ấn tượng sâu sắc về cách tiếp cận của anh Sáu Khải trong lĩnh vực này:
Đó là việc giải quyết các vấn đề biên giới-lãnh thổ, kể cả vấn đề Biển Ðông-hải đảo và vấn đề tôn giáo, là những việc tôi được giao khi làm việc ở Bộ Ngoại giao và khi tham gia ban lãnh đạo Chính phủ.
Là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng nên các cuộc đàm phán và các biện pháp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, tuy nhiên việc đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải |
Chúng tôi luôn luôn được anh Sáu Khải cho những ý kiến chỉ đạo vừa hết sức cẩn trọng, vừa có tầm nhìn xa trông rộng, nhờ vậy trong những năm anh làm Thủ tướng đã giải quyết được vấn đề biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc…
Ðồng thời, anh đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm bảo vệ đường biên, bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên Biển Ðông, cải thiện đời sống cho bà con ở vùng biên và vùng biển đảo, xây dựng đường tuần tra biên giới, các đơn vị kinh tế-quốc phòng,…
Một vấn đề phức tạp khác là những hoạt động quấy phá của một số thế lực đội lốt tôn giáo.
Ðể ngăn chặn những hành vi này, anh Sáu Khải đã có một quyết sách "rất thoáng" là chính quyền cần tích cực, chủ động chăm lo đời sống tinh thần, tâm linh cho bà con, chứ không để cho các thế lực xấu lợi dụng, nhờ vậy đã đẩy lui được những mưu toan của chúng, giữ vững được ổn định chính trị.
Có thể nói, trong những năm tháng anh Sáu Khải đứng đầu Chính phủ, nước ta đã tiến hành hàng loạt hoạt động mang tính mở đầu trong công cuộc hội nhập quốc tế: Lần đầu tiên chủ trì Cấp cao ASEAN; gia nhập APEC và lần đầu đăng cai Cấp cao của tổ chức này; chủ trì Cấp cao ASEM, ký Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA), thực hiện chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ tới Hoa Kỳ, gia nhập WTO,… Mỗi sự kiện lớn ấy đều có dấu ấn sâu đậm của anh Sáu Khải.
Ở Cấp cao ASEAN năm 1998 đó là việc chấp thuận giải pháp của anh Sáu Khải đưa ra: Đồng ý về nguyên tắc kết nạp Campuchia, còn lễ kết nạp sẽ tiến hành vào năm sau, mở đường cho việc mở rộng ASEAN ra cả khu vực.
Ở Cấp cao ASEM là việc nước ta và Liên minh châu Âu đồng ý kết thúc đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO; BTA mở ra thị trường rộng lớn bậc nhất cho hàng hóa Việt Nam.
Chuyến thăm Mỹ nâng quan hệ giữa nước ta với cường quốc lớn nhất thế giới lên tầm cao mới, đồng thời mở đường cho việc kết thúc đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO và được hưởng quy chế thương mại bình thường thường xuyên của Hoa Kỳ.
Ðằng sau những sự kiện lớn ấy là biết bao trí lực và thể lực của anh Sáu Khải với tư cách là người đứng đầu Chính phủ phải đứng mũi chịu sào từ việc lớn tới việc nhỏ.
Phong cách làm việc của anh Sáu Khải có những nét đặc trưng. Bản thân anh luôn lao động hết sức cần mẫn, không phô trương ồn ào, rất ít khi nổi đóa nóng nẩy, chăm chú lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng sự, chuyên gia và cả bè bạn quốc tế.
Vốn khiêm tốn và cầu thị, khi xin từ nhiệm sớm, anh đã thẳng thắn thừa nhận những điều chưa làm được như tình trạng kém hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng thấp của nền giáo dục, sự xuống cấp của nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường, đời sống của đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, sự chậm trễ và bất cập trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính, phát huy dân chủ,…
Anh hết sức day dứt về tình trạng nhiều người trong bộ máy công quyền sách nhiễu người dân, quan liêu, lãng phí, tham ô.
Một đặc điểm nữa trong phong cách của anh Sáu Khải là luôn luôn tin cậy, mạnh dạn giao việc cho đồng sự và cấp dưới, qua đó khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám đề xuất, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tạo không khí đoàn kết, hứng khởi trong tập thể.
Trong cuộc sống riêng và trong quan hệ giữa người với người, anh Sáu Khải luôn luôn bình dị, đối xử rất tự nhiên đầy tính người, không bao giờ tỏ ra quan cách, bề trên.
Nhân cách ấy còn thể hiện trong mối quan hệ gắn bó với các thầy giáo cả ở Việt Nam lẫn ở Nga, với bà con những nơi anh từng sống và làm việc cả ở miền Nam lẫn miền Bắc.
Thành công của công cuộc đổi mới và hội nhập là công sức của nhiều người, song không thể không kể tới công lao to lớn về nhiều mặt của anh Sáu Khải. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một ca từ sâu lắng:
"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Ðối với anh Sáu Khải, sống trên đời anh đã có cả một tấm lòng với dân, với nước, với Ðảng, với đồng chí, đồng sự, bạn bè. Tấm lòng cao đẹp ấy mãi mãi còn ghi trong lòng mọi người, cho dù anh đã về nơi vĩnh hằng...