Vụ việc liên quan đến cô giáo Trương Thị Lan (trú tại thôn 11, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) về hưu khóc nghẹn khi nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận cũng như đến nghị trường Quốc hội.
Chiều ngày 31/10, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc cung cấp thông tin định kỳ về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tháng 10/2017.
Cô giáo mầm non Trương Thị Lan khóc nghẹn khi nhận lương hưu sau 37 năm công tác được 1,3 triệu đồng. Ảnh: Xuân Chinh. |
Liên quan đến trường hợp cô giáo Lan, bà Đinh Thu Hiền - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: “Mức đóng Bảo hiểm xã hội thấp sẽ nhận lương thấp, đóng cao thì nhận lương cao.
Mức đóng phụ thuộc vào tiền lương đóng và thời gian đóng. Hai yếu tố này sẽ quyết định mức lương hưu của người tham gia đóng Bảo hiểm xã hội”.
Về trường hợp cô giáo Lan, bà Đinh Thu Hiền cho hay: “Đối với trường hợp cô giáo Trương Thị Lan thời gian công tác của cô là 37 năm, nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội thực tế chỉ tính từ tháng 1/1995.
Trước thời điểm 1/1995, giáo viên mầm non không thuộc biên chế nhà nước nên thời gian làm việc của các giáo viên mầm non trước đó không được đóng Bảo hiểm xã hội.
Trước khi có Nghị định 93 năm 1999, giáo viên mầm non cũng không thuộc đối tượng bắt buộc đóng Bảo hiểm xã hội.
Sau này nhà nước quan tâm đến chế độ của giáo viên, đến 2004 Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới có văn bản để xác định giáo viên có thời gian đóng Bảo hiểm xã hội trước năm 1999 sẽ được truy đóng Bảo hiểm xã hội từ tháng 1/1995 nhằm đảm bảo đủ thời gian nhận chế độ hưu trí sau này.
Như vậy đa số giáo viên mầm non có khoảng 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội kể từ năm 1995. Như cô giáo cô lan đóng Bảo hiểm xã hội khoảng 22 năm 8 tháng.
Bà Đinh Thu Hiền cho biết, cô Lan công tác 37 năm, nhưng thời gian đóng bảo hiễm xã hội mới trên 22 năm. Mức lương hưu cô Lan nhận đúng với tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Ảnh: Vũ Phương. |
Cũng theo bà Hiền, lương giáo viên mầm non thấp không phải bây giờ mới nhắc đến mà ngay từ năm 2015, có nhiều giáo viên mần non nghỉ hưu lại đóng không đủ 20 bảo hiểm xã hội nên họ phải tự đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Về chính sách đối giáo viên mầm non, năm 2011, Chính phủ có quyết định số 45 để hỗ trợ những người chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và nhà nước sẽ hộ trợ, nhưng tối đa không quá 5 năm.
Do các cơ sở giáo dục quỹ lương còn hạn hẹp nên giáo viên mầm non chủ yếu đóng Bảo hiểm xã hội ở mức sàn mức lương tối thiểu 125 ngàn đồng ở thời điểm năm 1995. Mức đóng đó rất thấp.
Bộ trưởng Nhạ đề xuất tăng lương cho thầy cô là hoàn toàn có cơ sở |
Bà Đinh Thu Hiền khẳng định: “Theo bậc lương nhà nước, mức cô Lan hưởng lương được 69% nên mức lương của cô Lan chưa được 1,3 triệu, nhưng theo quy định mới mức lương hưu tối thiểu bằng mức lương cơ bản. Bởi vậy, trường hợp cô Lan nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng.
Về tính toán của cơ quan bảo hiểm xã hội, mức lương cô Lan nhận hoàn toàn đúng các quy định hiện hành”.
Được biết, cô giáo Trương Thị Lan (55 tuổi) bắt đầu giảng dạy từ năm 1980 ở Trường Mầm non Cẩm Duệ, nay là Trường Mầm non Lê Duẩn.
Ngày ấy, lương không nhận bằng tiền mà bằng thóc, gạo của phụ huynh. Cuộc sống khó khăn, không đủ nuôi con cái ăn học nhưng cô yêu trẻ, muốn chúng có bước đi đầu đời vững vàng cho sau này nên cố gắng bám nghề.
Sau 6 năm công tác, cô được cử đi học nghiệp vụ ở Cao đẳng Sư phạm miền xuôi Nghệ Tĩnh.
Hết 9 tháng đào tạo, cô trở về trường tiếp tục dạy trẻ. Hai năm sau, nữ giáo viên nhận quyết định học lên trung cấp mầm non, theo hệ vừa học, vừa làm.
Năm 1995, lương giáo viên mầm non được nhận bằng tiền, với 450.000 đồng/tháng, tăng dần theo các năm.
Năm 2003, giáo viên bắt đầu phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Để đảm bảo điều kiện hưởng quyền lợi cho giáo viên sau khi nghỉ hưu, phía bảo hiểm xã hội đã có chính sách cho đóng bù thêm 8 năm bảo hiểm thời gian trước đó (từ năm 1995-2003) để đủ thời gian tối thiểu 20 năm cho việc hưởng quyền lợi.
Từ năm 2014, cô Lan chính thức vào biên chế, tiền lương được tính theo hệ 3,46, mỗi tháng nhận hơn 5 triệu đồng. Tháng 9 vừa rồi, cô nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng.