Sáng nay (11/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Dù đang đạt được những kết quả khả quan, nhưng trong mọi lĩnh vực vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro, xuất phát từ tư duy quản lý hành chính của cán bộ nhà nước.
Đây là vấn đề mà ngay cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng rất sốt ruột và liên tục đốc thúc các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm.
Sáng nay, vấn đề này lại một lần nữa nóng lên khi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - ông Nguyễn Đình Quyền đặt vấn đề: Hiến pháp mới ban hành được gần 2 năm, các cơ quan, trong đó có Quốc hội đẩy mạnh và tăng cường làm chính sách nhưng chính sách đó có đi vào cuộc sống, được đổi mới và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hay không lại phụ thuộc đội ngũ cán bộ.
Ông Quyền dẫn ra một thí dụ khiến nhiều người giật mình: “Rất nhiều vấn đề về đội ngũ cán bộ không được đánh giá, mổ xẻ, xem xét.
Mấy hôm nay, tôi đi chấm thi chuyên viên cao cấp, tôi thấy đáng lo ngại vì trình độ dường như không nâng lên còn đi xuống.
Hôm qua, tôi chấm phúc tra mới thấy có những cán bộ không nên cho đi thi, bởi vì tự trọng rất kém, bài viết nguệch ngoạc mấy chữ.
Đó là Vụ trưởng, Giám đốc Sở, Phó Chủ tịch UBND. Khi thi vấn đáp thì rất nhiều Giám đốc sở, Vụ trưởng không nắm rõ về nội dung quản lý nhà nước, lơ mơ làng màng”.
Ông Nguyễn Đình Quyền: "Nhiều Giám đốc sở, Vụ trưởng lơ mơ, làng màng". ảnh: Ngọc Quang. |
Từ vấn đề nhân sự rất đáng lo ngại ấy, ông Quyền dẫn sang câu chuyện nông nghiệp những tháng đầu năm gặp khó khăn, và đặt câu hỏi: Tại sao tất cả những vấn đề về cạnh tranh, đầu ra đầu vào cho nông dân đều đã được đặt ra, chúng ta có cả Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà cho đến hôm nay vẫn là câu chuyện dưa hấu?
Rồi ông Quyền khẳng định: "Đó là yếu tố cán bộ, từ người hoạch định chính sách đến cán bộ tổ chức thực hiện chính sách đều có vấn đề về năng lực, trách nhiệm. Những tồn tại hôm nay được báo trước rất nhiều năm nhưng vẫn hiện hữu, kéo dài.
Chuẩn bị Đại hội Đảng xem xét nhân sự khóa tới rồi thì phải đánh giá nghiêm túc đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước, đặc biệt đội ngũ trong điều hành, quản lý nhà nước xem năng lực đáp ứng đến đâu.
Khi bắt được bệnh thì mới có giải pháp nâng cao năng lực, vì nó quyết định sự phát triển kinh tế xã hội trên rất nhiều lĩnh vực, cho nên cần làm nghiêm".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, cải cách hành chính từ 2001 đến 2010 cơ bản thất bại, giờ đến cải cách giai đoạn 2011-2020 đã đi được nửa chặng đường nhưng chưa có chuyển biến mang tính đột biến.
Đây là điều rất đáng báo động. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần có đánh giá về năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hành chính Nhà nước.
Từ những phát biểu rất thẳng thắn của ông Nguyễn Đình Quyền, hẳn nhiều
người sẽ nhớ lại, chỉ cách đây chưa đến một năm Tổ chức Lao động quốc tế xếp năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cụ thể là thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần, thấp hơn Malaysia gấp 5 lần, thấp hơn Thái Lan gấp 2,5 lần.
Và điều nguy hiểm là trong cái sự yếu kém ấy có nguồn gốc từ tư duy quản lý của nhiều lãnh đạo ở các bộ, ngành cho tới địa phương như chia sẻ rất thật của Đại biểu Quốc hội về tình trạng "hậu duệ - quan hệ - tiền tệ - trí tuệ", hay Công chức ma hưởng lương không làm việc, chỉ thích làm quan.
Bàn về công tác cán bộ, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bình luận: "Về việc nhìn nhận, đánh giá cán bộ lâu nay thường là nhìn vào lý lịch, bằng cấp, học hàm học vị.
Người ta hay nhìn vào hồ sơ xem trình độ học vấn thế nào, học ở đâu, đã luân chuyển chưa... Những yếu tố này rất cần, nhưng không phải là quyết định. Để đánh giá cán bộ công bằng thì nên có thi tuyển để cọ sát, tạo sự cạnh tranh công bằng.
Chúng ta cần nghiên cứu để sớm tiến tới đổi mới thực sự trong công tác nhân sự cấp cao. Nếu chúng ta làm được như vậy thì sẽ đảm bảo được 3 yếu tố:
Thứ nhất, phát huy tính dân chủ, vì cán bộ là để phục vụ nhân dân thì trước khi được bố trí vào vị trí ấy, nhân dân phải biết những ứng viên đó có xứng đáng không.
Thứ hai việc công khai danh tính các ứng viên từ đầu sẽ tránh được chạy chức, chạy quyền, vì các ứng viên sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng bằng chính tài năng của mình thông qua chương trình hành động đích thực.
Thứ ba, qua việc công khai như vậy thì sẽ hạn chế tối đa chuyện bỏ lọt nhân tài".
Bác Hồ từng nói "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Vì vậy, sẽ là họa lớn cho đất nước nếu Vụ trưởng, Giám đốc sở cũng... lơ mơ, làng màng.