Cán bộ mà không giáo dục được người nhà thì ra xã hội làm được gì?

07/02/2019 07:00
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo ông Phan Xuân Xiểm: “Tại sao việc xảy ra trong mâm cơm hàng ngày không biết, chả lẽ đi về nhà như nhà trọ. Điều này cần thiết phải đi sâu đánh giá".

Một trong những văn bản ban hành nhận được sự ủng hộ cao của dư luận trong năm qua đó chính là “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐ/TW)”.

Mặc dù đã có quy định nêu gương, tuy nhiên thời gian qua vẫn có tình trạng cán bộ không gương mẫu. Người nhà cán bộ lợi dụng xe công hay tình trạng người thân cán bộ vi phạm pháp luật…

Bàn luận xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm vụ trưởng vụ 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng: “Nêu gương thì từ thời Bác Hồ đã đặt vấn đề rồi. Cán bộ phải nêu gương.

Hay cổ nhân từng nói nhà dột từ nóc trở xuống. Do đó, những người giữ chức vụ càng cao thì càng gương mẫu về phẩm chất đạo đức, năng lực”.

Ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm vụ trưởng vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh Trinh Phúc).
Ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm vụ trưởng vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh Trinh Phúc).

“Vậy tại sao phải đặt quy định nêu gương vào thời điểm này” – ông Phan Xuân Xiểm nhấn mạnh và theo ông: “Tình hình cán bộ thiếu gương mẫu đã trở nên nghiêm trọng. Nhiều nghị quyết Trung ương khóa 11 và 12 nêu rõ có một số không nhỏ cán bộ suy thoái, kể cả cán bộ cấp cao”.

Lý giải về việc trung ương phải nhấn mạnh việc cán bộ nêu gương, vị này cho rằng: “Ngay cả trong gia đình cha mẹ không gương mẫu thì con cái sẽ không nghe lời. Tất nhiên con cái còn có tác động của xã hội nữa.

Nhưng làm cha mẹ là phải gương mẫu. Con cái trước hết phải nhìn vào bố mẹ. Cán bộ cũng vậy, người dân họ nhìn vào quan phụ mẫu.

Từ cấp cơ sở đến cấp cao nếu không gương mẫu sẽ dễ sinh ra tầng lớp đặc quyền, đặc lợi.

Bây giờ, người dân họ giám sát cán bộ nên các quy định càng phải hoàn thiện để giúp cho cán bộ Đảng viên soi vào đó để sửa mình.

Nêu gương là phẩm chất đạo đức. Đức là gốc của người cán bộ”.

Cán bộ mà không giáo dục được người nhà thì ra xã hội làm được gì? ảnh 2"Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã xin lỗi, nhưng Trung ương không thể bỏ qua"

Theo vị này, việc nhiều cán bộ sai phạm, bị kỷ luật, cách chức, đưa ra xét xử trong năm qua ngoài việc cán bộ đó tha hóa thì có một nguyên nhân từ công tác kiểm tra, giám sát.

Trước hiện tượng nhiều vị cán bộ cấp cao nhưng vợ con không gương mẫu, ông Phan Xuân Xiểm cho rằng, đã là cán bộ mà có gia đình như vậy thì rõ ràng anh ta phải có trách nhiệm.

Chúng ta có quyền đặt câu hỏi, tại sao cán bộ này chưa nêu gương giáo dục chính trong gia đình của mình.

Việc để vợ con sa đọa cũng có thể do cán bộ đó buông lỏng, quan liêu với chính gia đình của họ.

“Tại sao việc xảy ra trong mâm cơm hàng ngày mà anh không biết. Chả lẽ đi về nhà như nhà trọ. Điều này cần thiết phải đi sâu đánh giá kỹ lưỡng” – ông Phan Xuân Xiểm nhấn mạnh.

Cũng theo nguyên Hàm vụ trưởng vụ 1, Ủy ban kiểm tra trung ương, nếu những cán bộ nào có gia đình vợ con như vậy thì công tác cán bộ cũng phải xem xét, đánh giá lại năng lực, phẩm chất của cán bộ đó.

Người xưa có câu, “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Trước hết, người quân tử phải quản lý giáo dục gia đình mình. Bản thân nếu không giáo dục được người trong gia đình thì ra xã hội chẳng làm được gì.

Cuối cùng vị này cho rằng: “Quy định nêu gương là rất cần thiết để thúc đẩy, đánh giá, lựa chọn cán bộ nhất trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng tới.

Đây sẽ là cơ sở để rà xét tốt hơn để lựa chọn được cán bộ. Có quy định này cũng sẽ thúc đẩy công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng để xem xét cán bộ”.

Cán bộ mà không giáo dục được người nhà thì ra xã hội làm được gì? ảnh 3Ông Nguyễn Bá Thuyền: Cỡ Bộ trưởng đã là cái gì đâu mà phô trương đến vậy?

Cũng liên quan đến vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam từng đưa tin, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cuông - nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng: “Quy định nêu gương là một trong những biện pháp chế tài để định hướng cho toàn xã hội, đặc biệt những người có chức, có quyền, trước hết những ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương - những người cán bộ cấp chiến lược quan trọng bậc nhất đất nước phải là người tiên phong, gương mẫu”.

Theo ông Cuông, từ xa xưa ông cha đã răn dạy “thượng bất chính thì hạ tắc loạn” - người trên mà không ra gì thì người ở cấp dưới tất yếu sẽ lộn xộn.

Nếu cấp trên gương mẫu, thực hiện tốt thì cấp dưới noi theo. Trước đây, chân lý này đã trở thành nề nếp, văn hóa của dân tộc.

Nhưng ông Cuông cho rằng, khi chuyển sang cơ chế thị trường và nhất là những năm vừa qua chủ nghĩa thực dụng, rồi vấn đề mạnh ai người ấy chạy đã tạo nên nhiều vấn đề bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề phẩm chất đạo đức của người cán bộ.

Khi kêu gọi, vận động, thuyết phục không đạt được kết quả, càng ngày người ta càng nhờn nên Đảng và nhà nước phải có những quy định chế tài, biện pháp mạnh ngăn chặn và quy định nêu gương là một trong những biện pháp chế tài

Người cán bộ đứng đầu đất nước, địa phương nếu thực hiện nghiêm túc theo quy định nêu gương thì sẽ có nhiều người noi gương, làm theo và điều đó là rất cần thiết.

“Có thể nói Quy định nêu gương là một bước đột phá về chỉnh đốn cán bộ nói chung và cán bộ cấp chiến lược” – ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh.

Trinh Phúc