Một số cán bộ, kể cả cấp cao bị xử lý kỷ luật thời gian qua được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao, cho thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy không còn bất cứ vùng cấm nào.
Mới đây, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh - Nguyễn Hữu Tín và 7 người khác đã bị khởi tố để điều tra các sai phạm liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của Phan Văn Anh Vũ (biệt danh Vũ "nhôm").
Điều này cũng cho thấy, những cựu quan chức từng dính líu đến những vi phạm của Vũ sẽ không thể "hạ cánh an toàn".
Bình luận về vấn đề này, hôm 19/9, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV cho rằng, hàng loạt cán bộ cấp cao trong thời gian vừa qua bị đưa ra xử lý nói chung, và trong vụ Phan Văn Anh Vũ nói riêng là kết quả của sự quyết tâm chính trị cao của Đảng, Bộ Chính trị trong việc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước.
Điều này càng củng cố sức mạnh của Đảng, củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Khám xét nhà nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh |
Tướng Thước cũng cho rằng, việc Bộ Công an khởi tố nhiều bị can liên quan đến vụ Phan Văn Anh Vũ lộ rõ dấu hiệu lợi ích nhóm.
"Đây là vi phạm liên quan tới nhiều ngành, nhiều địa phương. Đó là dấu hiệu của lợi ích nhóm có tính hệ thống.
Do đó, qua vụ việc Phan Văn Anh Vũ, tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền tìm thêm những nhân vật có dính líu đến vụ việc này (nếu còn).
Phải tiếp tục truy đến cùng vụ việc để làm rõ vi phạm, xử lý đúng người đúng tội, đúng quy định của pháp luật", Tướng Thước nói.
Vị tướng cũng cho rằng, những vụ việc đã xảy ra liên quan tới những cán bộ cấp cao cũng đặt ra vấn đề phải kiểm soát quyền lực tốt hơn, bởi cán bộ có chức có quyền nếu không trong sạch, móc nối với nhau, tạo thành lợi ích nhóm sẽ gây thiệt hại lớn cho đất nước, gây ảnh hưởng tới uy tín lãnh đạo của Đảng.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV. Ảnh của Ngọc Quang/giaoduc.net.vn. |
Nguyên Tư lệnh Quân khu IV ví von, chống tham nhũng - chống giặc nội xâm cũng giống như đánh giặc ngoại xâm:
"Chống tham nhũng cũng như đánh giặc. Lúc sức lực mình chưa mạnh thì mình đánh vừa, đánh nhỏ. Khi củng cố được sức mạnh rồi thì phải đánh mạnh, tổng tiến công tiêu diệt địch.
Trong chiến đấu, nếu thắng lợi nửa vời thì chưa thể gọi là thắng lợi. Đánh tham nhũng cũng vậy, phải đánh triệt để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng phải có một ngày như ngày giải phóng Miền nam thống nhất đất nước 30/4/1975. Tôi hy vọng ngày đó sẽ đến gần", Tướng Thước nói.
Bình luận về việc nhiều cán bộ cấp cao bị vạch trần sai phạm và đưa ra xử lý vì có liên quan tới tiêu cực trong thời gian qua, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, chưa bao giờ quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy cán bộ lại được thể hiện rõ nét và mạnh mẽ như thời gian gần đây.
"Yếu tố quyết định làm nên thành công trong công tác phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy cho đến thời điểm hiện tại chính là quyết tâm, sự sáng suốt của Đảng, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng trong việc nhìn nhận rõ thực tế, thẳng thắn chỉ ra những đồng chí chưa bị lộ và xử lý vi phạm của cán bộ đúng quy định, tạo sức răn đe.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh của Ngọc Quang. |
Sự đoàn kết, nhất trí trong lãnh đạo từ trên xuống dưới, thống nhất một lòng cũng là yếu tố quan trọng để cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng đạt được những thành quả như ngày hôm nay", ông Hùng nhận định.
Trước đó, ngày 18/9, Bộ Công an cho biết, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra, giải quyết các vụ án và hành vi vi phạm pháp luật khác của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng một số tổ chức, cá nhân có liên quan tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
Quá trình điều tra sai phạm tại các dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/9/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với các bị can:
Bị can Nguyễn Hữu Tín, sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, hiện trú tại phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Bị can Đào Anh Kiệt, sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, hiện trú tại phường 7, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.
Bị can Lê Văn Thanh, sinh năm 1962, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, hiện trú tại phường 4, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Bị can Nguyễn Thanh Chương, sinh năm 1974, Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, hiện trú tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, ngày 18/9/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng đối với các cá nhân liên quan đến Phan Văn Anh Vũ tại thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm:
Bị can Đào Tấn Bằng, sinh năm 1975, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, nay là Bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng, hiện trú tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng;
Bị can Nguyễn Viết Vĩnh, sinh năm 1978, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, nay là Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, hiện trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Cùng với đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở đối với các bị can về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm:
Bị can Nguyễn Văn Cán, sinh năm 1954, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, hiện trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng;
Bị can Phan Xuân Ít, sinh năm 1954, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, hiện trú tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có các quyết định phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.