Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp chiều 10/11, Đại biểu Dương Trung Quốc nhận định, việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn còn hình thức. Để bỏ phiếu chính xác thì Đại biểu Quốc hội rất cần nhiều thông tin cụ thể, đặc biệt là tài sản của người được lấy phiếu.
Chưa có cơ sở dữ liệu tốt để đánh giá chính xác tín nhiệm
Ông có cho rằng, ở lần lấy phiếu thứ hai này, các Đại biểu Quốc hội sẽ đánh giá chính xác hơn về mức độ tín nhiệm của các Bộ trưởng?
Ông Dương Trung Quốc: Sau một khoảng chững để điều chỉnh lại thì cơ bản người ta thấy được hiệu ứng tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, phiếu tín nhiệm vẫn để ở 3 mức, điều đó thể hiện những người thực hiện chủ trương muốn nhấn mạnh đây không phải là một cuộc bỏ phiếu mà chủ yếu cho thấy những hiệu ứng tích cực từ lần bỏ phiếu trước.
Chúng ta cũng chú ý tới khuynh hướng khi bàn về luật tổ chức chính phủ đã xây dựng một lộ trình cho việc từ chức, điều đó thể hiện sự giám sát của Quốc hội đối với những cá nhân, đối tượng được dân bầu trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đòi hỏi phải đạt được kết quả như ý muốn ngay trong một thời gian ngắn là rất khó. Tôi nghĩ hãy chờ thêm một lần lấy phiếu này nữa để xem nó thế nào. Tôi vẫn thấy rằng có hình thức lấy phiếu này cùng với hình thức chất vấn tại Quốc hội thì các Bộ trưởng cũng quan tâm hơn đến những phản ánh.
Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh, phải có một cơ sở dữ liệu tốt thì mới có thể đánh giá chính xác phiếu tín nhiệm. Ảnh: Ngọc Quang |
Ông có cho rằng việc lấy phiếu như vậy nhìn ở góc độ nào đó thì vẫn còn hình thức?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ cũng không hoàn toàn như thế. Nó vẫn có những hiệu ứng nhất định. Chúng ta đòi hỏi ngay một lúc mà có kết quả như mong muốn thì không được. Bản thân tôi là Đại biểu Quốc hội được tham gia bỏ phiếu cũng rất cân nhắc. Mình không có đủ dữ liệu, vì chỉ qua dư luận xã hội, chỉ qua báo chí nên không đủ thông tin để thực hiện quyền lực của mình theo đòi hỏi, mong muốn của người dân.
Để có đủ thông tin giúp đại biểu đánh giá chính xác, theo ông cần có đề xuất gì?
Ông Dương Trung Quốc: Muốn có một cách bỏ phiếu mang tính khẳng định như thông lệ các nước trên thế giới thì nó phải có một cơ sở dữ liệu thật tốt. Khi đó, người bỏ phiếu mới cảm thấy điều mình làm là có trách nhiệm.
Ví dụ chuyện chống tham nhũng, hình như là tập trận giả. Vì quan trọng nhất của chống tham nhũng là phải kiểm soát được tài sản; phải giám sát được phương thức thanh toán của xã hội. Lâu nay, ta vẫn duy trì cách dùng đồng tiền như hiện nay thì không có cách gì có thể ngăn chặn được.
Đó là yếu tố tiên quyết, nhưng chưa bao giờ thấy nhà nước quan tâm đến chuyện đó một cách ráo riết và có lộ trình bao nhiêu năm thì có thể giám sát được. Nếu không đi theo điều đó thì quyết định của mỗi đại biểu ở lá phiếu chỉ có thể thỏa mãn phần nào ý muốn của dân chúng, nhưng tính chính xác thì tôi rất e ngại.
Muốn đánh giá tốt, nó phải kèm theo các yếu tố rất cụ thể để Đại biểu Quốc hội quyết định lá phiếu của mình một cách có trách nhiệm, không cảm tính. Tôi lấy vị dụ một câu chuyện đơn giản về tài sản của Chủ tịch tỉnh Bình Dương mà không có ai có thể kết luận là đúng hay sai. Nói ông ấy có 2 khối tài sản, ngoài cái nhà là cái đồn điền cao su. Nhưng lại nói nhờ cái đồn điền mà ông ấy xây cái nhà là bình thường. Cách nhìn nhận vẫn còn loanh quanh.
Làm sao để Đại biểu bỏ phiếu không cảm tính?
Việc lấy phiếu tín nhiệm lại bao gồm cả khối hành pháp và tư pháp lẫn vào nhau. Như vậy liệu có công bằng không? Khối hành pháp bao giờ cũng va vấp hơn khối lập pháp, nói nôm na như bỏ cùng một giỏ?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi không nghĩ đây là bỏ cùng một giỏ, vì ở đây vẫn có 3 mức đấy thôi. Bản thân một Đại biểu Quốc hội có hiểu hết công việc trách nhiệm của người đó không là một vấn đề không đơn giản.
Càng đặt vấn đề đó bao nhiêu thì năng lực của đại biểu càng phải cao bấy nhiêu. Tôi nghĩ rằng đại biểu rất dễ cảm tính. Khi mình quyết định, mình rất lưỡng lự chuyện ấy. Không biết là có chính xác hay không.
Bộ trưởng Đinh La Thăng được dư luận xã hội đánh giá cao trong thời gian gần đây. |
Hiến pháp quy định rất rõ là chỉ có bỏ phiếu. Quốc hội mình lại nghĩ ra có thêm bước lấy phiếu. Có nên 2 bước như hiện nay không?
Ông Dương Trung Quốc: Nếu để 2 mức là theo thông lệ quốc tế. Đấy là bỏ phiếu tín nhiệm. Bỏ phiếu tín nhiệm thì các nước cũng không ai làm đại trà như mình.
Ở các nước có thể chỉ bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ thôi. Ông Thủ tướng có quyền thay đổi lại nội các của mình hoặc Thủ tướng bị truất quyền, tùy theo cách đặt vấn đề.
Triển khai bỏ phiếu tín nhiệm thế nào theo tôi nghĩ nó cũng có một quá trình. Cần có một quá trình chứ không nên ngay thể lúc. Dân chủ thì ai cũng muốn, nhưng năng lực để thực hiện công cụ ấy cũng không hề đơn giản.
Nói thế cũng không phải mình bàn lùi, nhưng tự thân mình khi đánh giá người kia sẽ nổi lên là nể nang nhau, cảm tính, thậm chí không liên quan đến yếu tố mình phải đánh giá mà là cái khác. Dẫu sao theo tôi nên một vài lần nữa xem thế nào. Vì cái này hoàn toàn điều chỉnh được và thực hiện đúng Hiến pháp.
Trân trọng cảm ơn ông!