Có cái chết hóa thành bất tử…

15/10/2017 10:49
Nguyễn Cao
(GDVN) - Không phải ai cũng có thể thành vĩ nhân để cái chết lưu danh với hậu thế, không phải ai cũng được cộng đồng xót thương khi mình nằm xuống.

LTS: Trước sự ra đi của Phó Giáo sư Văn Như Cương và phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư - những người được dư luận nhắc đến nhiều trong thời gian vừa qua với sự trân trọng, tiếc thương vì những điều tốt đẹp họ để lại trong lòng mọi người, thầy giáo Nguyễn Cao chia sẻ đôi điều suy ngẫm về cái chết và sự sống.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những ngày qua, chúng ta đã chứng kiến hai sự “ra đi” của hai con người rất đỗi bình thường. Đó là Phó Giáo sư Văn Như Cương và phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư.

Nếu xét về học hàm, về danh hiệu, về vị trí công tác thì thầy Cương và em Dư rất “bình thường” so với nhiều người khác.

Thế nhưng, sự bình thường của sự ra đi này lại để lại nhiều thổn thức, xót xa cho những người ở lại.

Sự ra đi của thầy Văn Như Cương ở tuổi 80 đã để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho rất nhiều người trong xã hội.

Nhất là đối với đội ngũ thầy cô giáo đã và đang công tác trong ngành giáo dục.

Thầy Văn Như Cương được nhiều thế hệ học sinh yêu mến. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Thầy Văn Như Cương được nhiều thế hệ học sinh yêu mến. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Sự tiếc thương thầy không chỉ là sự ngưỡng vọng về tài năng, đức độ mà chính là nhân cách, là sự đau đáu của thầy suốt cả đời vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Một đời làm thầy như thầy quả thật là hạnh phúc.

Sự hạnh phúc của thầy không chỉ là đã được tận hiến cho giáo dục nước nhà, được nhiều thế hệ học trò yêu mến mà thầy hạnh phúc hơn khi có những người chưa một lần học với thầy, chưa một lần gặp thầy nhưng vẫn ngưỡng vọng, hẫng hụt khi nghe tin thầy không còn nữa.

Sự ra đi của em Đinh Hữu Dư - một phóng viên trẻ của Thông tấn xã Việt Nam để lại nhiều tiếc nuối cho bao người thân, bạn bè và đồng nghiệp.

Bởi, em còn trẻ quá, cái tuổi của em tất cả đều mới chỉ bắt đầu.

Em ra đi khi những thước phim còn chưa kịp lên hình, khi những bản tin về lũ lụt còn đang viết dở và mưa bão vẫn đang hoành hành khắp các tỉnh miền Bắc.

Những hoài bão, ước mơ của em còn dang dở ở phía trước…

Sự ra đi của phóng viên Đinh Hữu Dư của Thông tấn xã Việt Nam khi đang tác nghiệp đưa tin về tình hình mưa lũ tại Yên Bái để lại nhiều tiếc nuối cho bao người thân, bạn bè và đồng nghiệp.
Sự ra đi của phóng viên Đinh Hữu Dư của Thông tấn xã Việt Nam khi đang tác nghiệp đưa tin về tình hình mưa lũ tại Yên Bái để lại nhiều tiếc nuối cho bao người thân, bạn bè và đồng nghiệp.

Có lẽ những bài báo, những hình ảnh, những clip về lễ tang của thầy Văn Như Cương và em Đinh Hữu Dư trong những ngày qua đã nói lên sự trân quý của mọi người đối với hai con người đã khuất.

Vì thế, trong bài viết này, chúng tôi không bàn về sự vĩ đại của thầy Cương, về những đóng góp của thầy cho ngành giáo dục suốt hơn nửa thế kỉ qua hay em Dư đã xông pha đến với những chỗ hiểm nguy nhất để quay được những thước phim, chụp những tấm hình chân thật gửi đến bạn đọc cả nước mà chúng tôi xin bàn thêm về sự sống và cái chết của con người.

Có con người còn sống mà nhân cách, lẽ sống không còn, nhưng có những con người đã ra đi mãi mãi mà hình ảnh của họ còn sống mãi với thời gian, với người ở lại.

Có lẽ chúng ta chưa quên được những câu thơ của Tố Hữu khi viết về anh Nguyễn Văn Trỗi khi anh bị kẻ thù xử tử trong bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi”:

Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra”.

Có cái chết hóa thành bất tử… ảnh 3

Tiễn thầy Văn Như Cương

Và, chính những người “chân lí sinh ra” như anh Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành “bất tử” trong lòng mọi người và dân tộc.

Bởi tuổi trẻ của anh đã dâng hiến trọn đời cho đất nước hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

Những con người đã sống và chiến đấu như anh Trỗi đã không nghĩ đến riêng mình mà các anh chỉ nghĩ về cái chung, cái ích lợi cho dân tộc mai này.

Trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy!” của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky đã viết:

Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần.

Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng:

Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời”.

Và, cũng chính từ những lời nói của  Pa-ven - nhân vật chính trong tác phẩm đã gửi đến cho chúng ta nhiều vấn đề về lẽ sống, hướng chúng ta biết yêu, biết ghét, biết dấn thân cho cái chung của đất nước mình.

Chính vì vậy mà “Thép đã tôi thế đấy!” đã trở thành cuốn sách “gối đầu giường” cho lí tưởng sống của bao thế hệ con người Việt Nam ta trước đây.

Sống trên đời, ai rồi cũng chết, ai rồi cũng phải trở về cát bụi và điều đó đã là một qui luật của tạo hóa.

Không phải ai cũng có thể thành vĩ nhân để cái chết lưu danh với hậu thế, không phải ai cũng được cộng đồng xót thương khi mình nằm xuống.

Nhưng, mỗi con người phải sống cho trọn với đạo lí làm người.

Để rồi khi ta nhắm mắt xuôi tay dù có nhiều điều ta còn ấp ủ, còn dang dở nhưng ta cũng có thể mãn nguyện là đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho gia đình mình, cho cái chung của xã hội.

Có cái chết hóa thành bất tử… ảnh 4

Những phát ngôn để đời của thầy Văn Như Cương 

Mỗi người sinh ra đều có thể lựa chọn cho mình một cách sống riêng, một cách vào đời khác nhau.

Song, điều cốt lõi nhất là mỗi một con người sẽ có những đóng góp như thế nào với vị trí và ngành nghề mà mình theo đuổi.

Nếu như trong xã hội, ai cũng nghĩ cho riêng mình, ai cũng muốn cái lợi cho riêng mình thì xã hội sẽ như thế nào, đất nước này sẽ đi về đâu?

Tiền bạc, danh vọng đều quan trọng nhưng nó không phải là tất cả, là mục đích cuối cùng để chúng ta có thể chà đạp lên luân thường đạo lí để đạt được nó.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người có học thức, có quyền cao, chức trọng  nhưng lại vướng vào vòng lao lí, tự làm tha hóa bản thân mình.

Hay, những “đầy tớ” chạy xe ôm, bán chổi đót, nuôi lợn… nhưng bỗng nhiên giàu một cách bất ngờ.

Vì thế, có những người còn đang sống, đang tồn tại nhưng có khác gì những “con mọt” đã hại dân, hại nước.

Thử hỏi, những con người đó thì sự sống có khác gì đã chết? Bởi nhân cách họ, đạo đức của những con người như thế đã chết từ khi đang còn tồn tại trên cõi đời này!

Thầy Cương, em Dư đã mãi mãi ra đi nhưng chắc chắn những điều tốt đẹp mà họ để lại cho đời sẽ còn sống mãi.

Đó là cái sống về nhân cách, đức độ, về tấm lòng đã góp phần vào làm đẹp cho đời, cho đất nước này.

Sự sống và cái chết chỉ là một ranh giới mong manh của một kiếp người đã sinh ra và lớn lên trên cuộc đời này.

Nên, Bailey đã từng nói: “Khi bạn sinh ra, bạn khóc còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao cho khi bạn qua đời, mọi người khóc còn bạn cười”.

Vì thế, mỗi con người chúng ta sống, cống hiến làm sao để có thể thanh thản “cười” khi nhắm mắt.

Nguyễn Cao