Còn đâu văn hóa "nghĩa tử là nghĩa tận"?

26/07/2017 17:31
Trinh Phúc
(GDVN) - Văn hóa người Việt xem “nghĩa tử là nghĩa tận” khi ứng xử với người đã mất, nhưng cán bộ phường Văn Miếu đã không nhận thức được việc này.

Ngày 25/7, chị Vũ Thanh Hoa (phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) viết trên trang cá nhân kể rằng vì cán bộ phường lười, khiếm đám tang của cha chị không được thực hiện đúng theo nguyện vọng của gia đình.

Chị Hoa viết: “Tôi thực sự bức xúc mới đưa chuyện này lên facebook cá nhân để cho mọi người biết được cách làm việc của phường Văn Minh nó như thế nào”.

Theo đó, chị Thanh Hoa viết lên face của mình rằng, cha của là ông Vũ Xuân Quý mất lúc 18h35 ngày 18/7/2017.

Theo yêu cầu của nhà tang lễ, để hoàn thành thủ tục đăng ký tổ chức tang lễ cho ông, gia đình phải nộp ngay giấy khai tử do Ủy ban Nhân dân Phường cấp để kịp lễ viếng và truy điệu ông vào 13h ngày 20/7.

Vì việc tang gấp, chị Thanh Hoa đã ra phường đúng 9h, ngày 19/7 để làm thủ tục xin cấp giấy khai tử cho cha mình. Nhưng mãi đến, 4h chiều, chị Thanh Hoa mới lấy được giấy khai tử cho cha mình.

Chị Thanh Hoa cho rằng: “Tang lễ không được tổ chức đúng ngày chỉ vì cán bộ lười của phường Văn Miếu. Cán bộ Hiếu (người tiếp nhận hồ sơ - PV) biết rõ Chủ tịch phường có mặt ở phường và có thể ký vào giấy khai tử nhưng nhất định không làm”.

Tưởng rằng sự việc đáng tiếc này sẽ để lại bài học sâu sắc cho những người trong cuộc, nhưng thật đáng tiếc là khi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, những cán bộ có trách nhiệm của phường Văn Miếu vẫn cố tìm cách bao biện để chối bỏ trách nhiệm.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà – Phó Chủ tịch phường Văn Miếu cho rằng: “Đáng lẽ, giấy khai tử của ông Vũ Xuân Quý trả đúng thời hạn là ngày 20/7.

Chúng tôi cấp giấy khai tử vào chiều ngày 19/7 đã là nhanh hơn một buổi so với giấy hẹn” – Trong hồ sơ cung cấp cho phóng viên của phường Văn Miếu có giấy hẹn lấy kết quả khai tử vào ngày 9h53’ ngày 20/7.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà quả quyết: “Giấy này chị Thanh Hoa có giữ một bản, chúng tôi không hiểu sao chị ta lại phản ứng dữ dội như vậy”.

Chị Vũ Thanh Hoa thể hiện sự bức xúc của mình trên facebook cá nhân vì phường chậm trễ trong cấp giấy khai tử cho cha mình (ảnh chụp màn hình facebook).
Chị Vũ Thanh Hoa thể hiện sự bức xúc của mình trên facebook cá nhân vì phường chậm trễ trong cấp giấy khai tử cho cha mình (ảnh chụp màn hình facebook).

Với cách lập luận như trên của bà Nguyễn Thị Thúy Hà có thể hiểu, gia đình chị Vũ Thanh Hoa đáng ra phải cảm ơn chính quyền phường Văn Miếu mới phải?!

Càng trao đổi với bà Nguyễn Thị Thúy Hà, người viết càng thấy sự bảo thủ đến vô cảm của nữ cán bộ này.

Thực tiễn cuộc sống đã chỉ ra, không một nơi nào “ngâm” thủ tục báo tử của người chết đến sang cả ngày thứ hai.

Nhiều phường trên địa bàn Hà Nội đều tạo điều kiện tối đa để người thân của người đã mất thuận lợi nhất trong việc tổ chức tang lễ. Thậm chí, nhiều nơi khi đi khai giấy khai tử, cán bộ phường còn chủ động làm rồi đưa đến tận nhà cho thân nhân ngươi đã mất.

Bởi họ biết rằng, trong lúc tang gia mọi người đều rất buồn phiền, sự quan tâm của chính quyền địa phương là sự động viên thiết thực nhất.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giấy khai tử quy định được cấp ngay trong ngày chứ không đợi đến ngày thứ hai như trong giấy hẹn mà Ủy ban Nhân dân phường Văn Miếu gửi cho chị Vũ Thanh Hoa.

Cũng để thể hiện trách nhiệm và là cơ hội cuối cùng của chính quyền được làm một việc có ý nghĩa với công dân đã mất của mình lần cuối.

Nghe bà Nguyễn Thị Thúy Hà giải thích như vậy, tôi thầy rùng mình vì cách lối ứng xử cứng nhắc, vô cảm. Một con người có lòng trắc ẩn không ai lại móc ra những thứ quy định thủ tục mà người đã chết không còn biết đến. Thế nên, chết rồi, muốn đưa tang cũng phải... "từ từ".

Để bao biện lý do không cấp giấy khai tử đúng với kỳ vọng của gia đình, bà Nguyễn Thị Thúy Hà còn viện cớ: “Hôm 19/7, lãnh đạo phường bận đi họp hết. Ngay cả bộ phận tư pháp của phường cũng đi họp luôn”.

Còn đâu văn hóa "nghĩa tử là nghĩa tận"? ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Đừng bằng lòng với những ước mơ nhỏ”

Thậm chí, Hà còn quát anh Nguyễn Lê Hiếu - người trực tiếp nhận hồ sơ: “Lần sau, những việc này em không hứa với người dân làm gì cả, cứ theo quy định thủ tục hành chính mà làm”.

Nói như vậy, phải chăng bà Hà muốn để mặc người đã chết cứ nằm đó mà chờ?

Nghe được phát biểu này hẳn là những công dân đang sinh sống trên địa bàn phường Văn Miếu sẽ lo lắng lắm, bởi vì nếu cứ theo thủ tục hành chính mà bà Phó Chủ tịch phường nhấn mạnh thì các gia đình có người hấp hối chỉ còn cách cho "ngậm sâm" chờ giấy báo tử.

Phóng viên có hỏi: Anh Hiếu khi tiếp nhận hồ sơ khai tử của ông Vũ Xuân Quý có thông báo cho lãnh đạo phường Văn Miếu vào buổi sáng 19/7 hay không? Anh Hiếu không trả lời. Bà Hà cũng không trả lời.

Bà Vũ Mai Khanh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Văn Miếu cũng cố gắng giải thích: “Tinh thần làm việc của phường là hết sức vì dân. Chúng tôi quán triệt các đồng chí làm sao phục vụ tối đa được nhu cầu của nhân dân. Từ trước đến nay, phường Văn Miếu chưa từng xảy ra vụ việc như vậy”.

Tuy nhiên, lãnh đạo phường càng cố che giấu vụ việc thì càng lộ rõ việc làm của cán bộ phường này đang sai luật.

Bởi theo quy định, khi nhận hồ sơ về thủ tục khai tử tại Điều 34, luật Hộ tịch năm 2014 quy định, khi nhận hồ sơ thì phải báo ngay cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, xã.

Phòng một cửa, nơi anh Nguyễn Lê Hiếu - người tiếp nhận hồ sơ bị tố là có thái độ không chuẩn mực khi làm thủ tục khai tử cho ông Vũ Xuân Quý (ảnh Trinh Phúc).
Phòng một cửa, nơi anh Nguyễn Lê Hiếu - người tiếp nhận hồ sơ bị tố là có thái độ không chuẩn mực khi làm thủ tục khai tử cho ông Vũ Xuân Quý (ảnh Trinh Phúc).

Điều đó có nghĩa, cán bộ một cửa phải có trách nhiệm báo cho bà Vũ Mai Khanh hoặc bà Nguyễn Thị Thúy Hà ngay trong sáng 19/7. Nhưng "ông cán bộ trẻ" của phường Văn Miếu lại không làm vậy và dẫn tới những bức xúc của các con ông Quý.

Rõ ràng, việc luật Hộ tịch quy định thời gian gấp như vậy, chính vì các nhà làm luật đã dự tính được những vấn đề phát sinh trong cuộc sống khi một người được thông báo là đã chết.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ nếu có sai phạm.

Sáng 26/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung có công văn giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí.

Đồng thời, kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm (nếu có) theo quy định pháp luật. Kết quả thực hiện báo cáo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân trước ngày 29/7. 

Được biết, hiện anh Nguyễn Lê Hiếu đã bị điều chuyển sang Văn phòng Hội đồng nhân dân phường Văn Miếu.

Các thủ tục cho người đã chết cần được ưu tiên xử lý ngay, đó là cái tình cũng là cái lý.

“Nghĩa tử là nghĩa tận” là đạo lý của người Việt, nhưng nghe những gì bà Phó Chủ tịch phường Văn Miếu phát ngôn thì ngay cả những ai không trực tiếp chứng kiến vụ việc ấy cũng có thể hiểu được những ấm ức mà các con ông Quý (người mất) đã phải chịu đựng.

Tất nhiên ở góc độ là công dân, những lời chửi bới tục tĩu của người nhà ông Quý (nếu có) cũng là những hành vi không thể chấp nhận trong xã hội hiện đại, và họ cũng phải tự xem xét lại hành vi của mình.

Dù vậy để xảy ra việc này, lãnh đạo và chính quyền phường Văn Miếu đừng trách người dân (nếu như họ đã lỡ lời to tiếng), mà hãy tự nhìn nhận lại cách làm việc của chính mình. Thay vì cố tìm cách chứng minh mình đúng, đã hết mình vì công việc thì hãy biết nhận sai và sửa sai - đó là cách tốt nhất để thể hiện tinh thần làm việc vì dân.

Qua câu chuyện cán bộ phường Văn Miếu, và chuyện bà Lê Mai Trang Phó chủ tịch Quận Thanh Xuân bị người dân tố cáo trên mạng xã hội vừa qua đang cho thấy, thái độ ứng xử của cán bộ công chức tại thủ đô Hà Nội với người dân đang có vấn đề.

Có lẽ, Hà Nội cần phải sớm chấn chỉnh lại tư cách đạo đức, lối ứng xử của cán bộ, để người dân cảm nhận được một chính quyền thực sự vì dân, gần dân, trọng dân. Để những hình ảnh bức xúc của người dân bớt đi thay vào đó là những lời cảm ơn và những nụ cười hạnh phúc!

Trinh Phúc