Công khai hình ảnh, tên tuổi người bán dâm không giúp họ hoàn lương…

09/05/2015 05:18
THỤY MIÊN
(GDVN) - Đây là quan điểm của PGS.TS Chung Á, nguyên Phó Chủ tịch UBQG phòng chống AIDS Việt Nam.

PGS.TS Chung Á, nguyên Phó Chủ tịch UBQG phòng chống AIDS Việt Nam, cho biết việc công khai danh tính hay đưa hình ảnh người bán dâm lên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh và truyền hình hiện nay không được nhiều nước coi là biện pháp tốt nhằm làm giảm tệ nạn bán dâm. Biện pháp này chỉ nhằm trừng phạt, bôi nhọ người bán dâm hơn là giáo dục họ, hoàn lương họ để trở thành người công dân tốt của xã hội.

PGS.TS Chung Á, nguyên Phó Chủ tịch UBQG phòng chống AIDS Việt Nam
PGS.TS Chung Á, nguyên Phó Chủ tịch UBQG phòng chống AIDS Việt Nam

Thường thì biện pháp này ở một số nước, nơi mà nền dân chủ và luật pháp đã hoàn thiện phải được các văn bản pháp luật quy định, các cơ quan truyền thông mới được phép đưa tên tuổi, hình ảnh người bán dâm lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Rất ít quốc gia thực hiện biện pháp này. Khi không có văn bản pháp luật quy định thì việc các phương tiện thông tin đại chúng đưa tên tuổi, hình ảnh người bán dâm mà không được họ đồng ý là vi phạm về quyền cá nhân đối với hình ảnh của họ.

Tại Pháp lệnh Phòng chống mại dâm năm 2003 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 của nước ta không có điều khoản nào quy định cho phép các phương tiện thông tin đại chúng được đưa công khai tên, tuổi hình ảnh của người bán dâm.

Như vậy, xét về mặt pháp lý đó là việc vi phạm quyền cá nhân của bộ luật hình sự và vi phạm pháp luật nói chung về vấn đề này. Mặt khác, những lập luận rằng công khai hình ảnh người mua, bán dâm nhằm ngăn chặn họ, răn đe họ không tiếp tục làm mại dâm nữa là một sự ngộ nhận. Những người bị “bêu xấu” như vậy khó có con đường làm lại cuộc đời.

Họ bị tan nát gia đình, khó kiếm được công ăn việc làm sẽ khiến họ lại phải tiếp tục đi bán dâm.

Tương tự như vậy đối với việc đề nghị công khai danh tính người mua dâm, PGS.TS Chung Á cho hay, xét về sự công bằng thì ngày nay việc bán hay mua dâm đâu chỉ là chuyện của phụ nữ hay đàn ông. Nam giới và nữ giới đều có bán và mua dâm.

“Thử hỏi một người phụ nữ không chồng do nhu cầu sinh lý đã đi mua dâm, khi bị bắt có nên công khai tên tuổi, hình ảnh của người phụ nữ này không? Vừa qua, việc công khai tên tuổi một người phụ nữ ở Hải Dương trong vụ mà báo chí nêu là “kiều nữ Hải Dương”, chỉ phục vụ cho tính chất giật gân của tin tức, đã tạo nên một sự lùm xùm kiện tụng và dư luận không có tác dụng gì của việc phòng chống mại dâm cả”, PGS.TS Chung Á nói.

Cũng theo PGS.TS Chung Á, việc công khai tên tuổi người bán dâm hay người mua dâm như trên đã nói đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về quyền nhân thân của con người, nó chẳng những không làm giảm bớt việc mua, bán dâm mà còn góp phần làm cho xã hội rối loạn.

Đã có không ít trường hợp ở nước ta, đằng sau việc công khai danh tính, hình ảnh người mua, bán dâm là sự tan nát biết bao gia đình, là sự tự vẫn của những người được “bêu danh” và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ, con họ.

Vai trò của truyền thông trong phòng, chống mại dâm
Nguyên Phó Chủ tịch UBQG phòng chống AIDS Việt Nam cho hay, truyền thông báo chí có vai trò to lớn trong công tác  phòng chống mại dâm. Nhờ truyền thông báo chí mà đường lối và luật pháp về phòng chống mại dâm đã từng bước đến được với nhân dân, tạo nên sự đồng thuận trong dư luận xã hội đối với quyết tâm bài trừ mại dâm ra khỏi đời sống xã hội của nước ta.

Nhờ truyền thông mà nhiều tấm gương hoàn lương, xây dựng lại cuộc đời của nhiều người bán dâm đã có sức cảm hóa mạnh mẽ nhiều chị em có hoàn cảnh tương tự.
Đặc biệt  truyền thông và báo chí đã cổ vũ phong trào hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ chị em phụ nữ vì kế sinh nhai mà phải sa chân vào con đường bán thân có cuộc sống mới lương thiện, ổn định…

Theo PGS.TS Chung Á, để làm tốt hơn chức năng và vai trò của mình truyền thông báo chí nên phát huy thế mạnh, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ đồng tình với quyết tâm phòng chống mại dâm của Đảng và Nhà nước ta, làm cho nhân dân ta nói chung, nhất là đồng bào ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa, người nghèo hiểu được tác hại nhiều mặt của tệ nạn mại dâm.

Truyền thông báo chí bằng nhiều hình thức phong phú và hấp dẫn cần tuyên truyền về luật pháp phòng chống mại dâm, các tấm gương người tốt, việc tốt, các xã phường, đơn vị  điển hình trong phòng chống mại dâm. Đồng thời truyền thông, báo chí cũng cần lên án các hành vi bao che, dung túng, bảo kê cho mại dâm đã và đang ngăn cản kết quả phòng chống mại dâm ở nước ta.

THỤY MIÊN